Giữ sức khỏe thời Covid-19: Thay vì lo sợ, hãy làm cho bản thân mạnh mẽ

0

(SGTTO) – Suốt buổi giao lưu trực tuyến chủ đề “Phân biệt triệu chứng Covid-19 với dị ứng và cảm cúm thông thường”, rất nhiều câu hỏi của bạn đọc gửi về thể hiện sự lo lắng dù các triệu chứng họ gặp phải chỉ là cảm cúm thông thường hay dị ứng.

Buổi tư vấn trực tuyến do Sài Gòn Tiếp Thị (thuộc Saigon Times Group) tổ chức tại tòa soạn với sự đồng hành của nhánh Chăm sóc sức khỏe Người tiêu dùng (Bayer Việt Nam) cũng xuất phát từ việc làm thế nào để giải tỏa những băn khoăn cho bạn đọc, cho người tiêu dùng về những vấn đề liên quan đến sức khỏe cá nhân va người thân trong thời dịch bệnh hiện nay.

Cứ ho, đau họng là... run

Là bác sĩ tham gia tư vấn tại giao lưu trực tuyến, TS. BS Phạm Lê Duy, phòng khám Dị ứng – Miễn dịch, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM nói rằng, những triệu chứng khi nhiễm Covid-19 khá tương đồng với triệu chứng mũi, họng thường gặp.

Những câu hỏi của bạn đọc gửi về liên quan đến chủ đề này khá nhiều, qua email, điện thoại và các fanpage của Sài Gòn Tiếp Thị. Trong đó, có nhiều câu hỏi xoay quanh chuyện các hiểu hiện như ho, đau họng hay sổ mũi thì có liên quan gì Covid-19 hay không.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Lê Duy (bên trái) đang tư vấn cho bạn đọc. Ảnh: Trần Linh

Trả lời các câu hỏi một cách đầy đủ nhất có thể, TS. BS Phạm Lê Duy cũng khuyên rằng sức khỏe cá nhân là quan trọng và theo các hướng dẫn từ bộ Y tế, việc có nên di xét nghiệm hay không liên quan đến nhiều điều như: yếu tố dịch tễ, các triệu chứng, biểu hiện và tình trạng sức khỏe cá nhân...

Một bạn đọc hỏi rằng, theo tìm hiểu thì Covid-19 tác động đến mỗi người theo những cách khác nhau. Tùy theo thể trạng, cơ địa mỗi người mà có những triệu chứng khác nhau từ nhẹ đến trung bình và nặng và cũng có thể hồi phục mà không cần nhập viện. Điều này đúng không?

TS. BS Phạm Lê Duy cho hay, khả năng lành bệnh sau khi nhiễm siêu vi phụ thuộc vào hệ miễn dịch của bệnh nhân và lượng virus bị nhiễm. Có những người bị nhiễm nhiều virus nhưng có hệ miễn dịch mạnh nên khỏi bệnh. Vì thế, vẫn có những trường hợp nhiễm virus nhưng không chữa trị vẫn có thể lành bệnh. Riêng với Covid-19, cho đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị và các điều trị y tế phải theo phác đồ của Bộ Y tế.

Theo TS. BS Phạm Lê Duy, hiện nay, các triệu chứng của nhiễm Covid-19 thay đổi và còn mơ hồ, nhiều trường hợp chỉ là ho khan thôi cũng có xét nghiệm phết họng dương tính. "Do đó, nếu bạn có đi đến vùng dịch tễ, có tiếp xúc với người bệnh nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh thì phải khai báo y tế, liên lạc cơ quan y tế gần nhất để được hướng dẫn cách ly và xét nghiệm nếu cần. Yếu tố dịch tễ là vô cùng quan trọng", ông nói.

Dưới đây là Video clip trao đổi giữa Sài Gòn Tiếp Thị và TS. BS Phạm Lê Duy xung quanh chuyện làm thế nào phân biệt triệu chứng Covid-19 với dị ứng và cảm cúm thông thường:

Cũng là một nội dung trong buổi giao lưu, chủ đề "dị ứng" được bạn đọc khá quan tâm. Theo ghi nhận, đa phần câu hỏi liên quan đến các vấn đề về da như nổi mày đay (dân gian hay gọi là mề đay), dị ứng gây hắt hơi...

Theo bác sĩ, những bệnh dị ứng ngoài da như nổi mày đay về cơ bản là không quá nghiêm trọng. Bệnh này không phải do thiếu dinh dưỡng hay dưỡng chất, không phải do gan yếu, gan nóng hay do nhiễm ký sinh trùng nên không cần phải bổ sung chất gì đặc biệt cả, chỉ cần ăn uống đầy đủ để giữ một cơ thể khỏe mạnh là được. "Nếu gặp tình trạng dị ứng, có thể tìm mua một số loại thuốc kháng histamin thế hệ mới, không cần kê toa như Cetirizine, Loratadin, Fexofenadin...", ông nói thêm.

TS.BS Phạm Lê Duy tư vấn cho độc giả Sài Gòn Tiếp Thị online. Ảnh: T. Linh
Tự chăm sóc bản thân là điều quan trọng nhất

Nhìn chung, theo TS. BS Phạm Lê Duy, những triệu chứng của Covid-19 và dị ứng hay triệu chứng mũi họng do nhiễm siêu vi khá khó phân biệt. Bệnh do virus SARS-CoV-2 lại là bệnh lần đầu tiên gặp trong lịch sử với những triệu chứng thay đổi và còn mơ hồ. Chúng ta cần nhiều thời gian để nghiên cứu và có những kết luận chính xác về căn bệnh này.

Cho đến hiện tại, chúng ta biết được rằng triệu chứng nhiễm Covid-19 ở mỗi người khác nhau. Có người không sốt, không triệu chứng, có người sốt cao, có người gặp nguy hiểm bởi bệnh lý nền.

Vì vậy, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn là mối lo, việc mà tất cả mọi người nên làm là tự phòng bệnh cho mình. Khi có triệu chứng mũi họng như ho, hắt hơi, sổ mũi… hãy đeo khẩu trang để tránh là nguồn lây siêu vi cho những người xung quanh. Đồng thời, giữ ấm cơ thể, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục thể thao. Khi có triệu chứng mũi, họng hay dị ứng - những triệu chứng mà nhiều người gặp phải, cần thăm khám bác sĩ để xác định nguyên nhân và được kê thuốc hoặc có phương pháp điều trị phù hợp.

Làm được những điều trên, nghĩa là chúng ta đã chăm sóc tốt cho bản thân, phần nào giúp ngăn ngừa bệnh tật. Bởi lẽ, chìa khóa quan trọng của việc tự chăm sóc sức khỏe là ăn uống lành mạnh, tập thể dục và tiếp cận những dịch vụ y tế và nguồn cấp thuốc phù hợp, qua đó giúp ngăn ngừa ốm đau, bệnh tật và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Với việc chăm sóc sức khỏe mỗi ngày, mọi người có thể cải thiện điều kiện thể chất và tinh thần của mình cũng như ngăn chặn và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh trong tương lai.

Thiên Nhiên

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây