(SGTTO) - Thời tiết khu vựa Nam bộ đang vào giai đoạn chuyển mùa, nhiệt độ thay đổi khiến chúng ta dễ mắc các bệnh như: cảm cúm, dị ứng, sốt xuất huyết, viên đường hô hấp… Để tránh mắc bệnh, chúng ta nên tăng cường các biện pháp phòng chống giúp cơ thể luôn khoẻ mạnh.
- TPHCM: khám sức khỏe, xét nghiệm Covid-19 cho hàng trăm công nhân
- Thay vì vừa thức giấc đã lướt web, hãy làm những điều này để giữ sức khỏe
Trao đổi với SGTT, Bác sĩ Nguyễn Thành Thắng - cố vấn chuyên môn nội khoa Công ty One Health (TPHCM), cho biết, để có sức khỏe tốt khi thời tiết chuyển mùa thì chúng ta phải thực hiện những việc như: chế độ dinh dưỡng tốt, thể dục thể thao đều đặn, môi trường trong lành phù hợp, tấm lý thoải mái và ngủ đủ giấc.
Chế độ dinh dưỡng đầy đủ
Theo bác sĩ Thắng, chúng ta đảm bảo ăn đủ chất, thành phần bữa ăn đầy đủ đường 60%, đạm 20%, chất béo 20%. Trong chế độ ăn hằng ngày chúng ta nên sử dụng nhiều rau củ, ngũ cốc, trái cây và các sản phẩm từ sữa, sữa chua, các sản phẩm có chứa probiotics - vi khuẩn có lợi cho hệ thống miễn dịch, cân đối với tinh bột, thịt và chất béo.
Ăn nhiều loại quả chứa vitamin C như cam, quýt, bưởi, chanh, đu đủ, ổi... làm tăng sức đề kháng tốt hơn, có tác dụng chống lại hoạt tính của histamin, một chất gây dị ứng mạnh, giảm được hiện tượng nổi mề đay, giúp tăng cường hệ miễn dịch, bác sĩ Thắng cho biết.
Ngoài ra chúng ta có thể ăn thêm hành tây, tỏi là những thực phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp chúng ta có sức khỏe tốt hơn để làm việc, tránh được căng thẳng và stress.
Thời tiết khi giao mùa có thể gây co thắt mạch máu và tạo nên các cục máu đông. Nếu những người có vấn đề về tim mạch và mạch máu nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để có thuốc ngăn ngừa các tình huống xấu có thể xảy ra trong thời gian này.
Nhằm tăng cường cho hệ miễn dịch chống lại sự xâm nhập của một số loại virus gây nên một số bệnh bác sĩ khuyên chúng ta nên uống mỗi ngày một cốc nước ép cà chua thêm muỗng cà phê dầu ô liu.
Chúng ta nên bổ sung đầy đủ nước mỗi ngày. Đặc biệt với thời tiết thay đổi, sáng nắng chiều mưa, chúng ta lại càng cần uống nước nhiều hơn nữa. Theo Bác sĩ mỗi ngày nên uống ít nhất từ 1 - 2,5 lít nước để thanh lọc cơ thể và tăng sức đề kháng. Uống thời điểm tốt nhất vào buổi sáng.
Hoạt động thể chất đều đặn
Bác sĩ cho rằng tập luyện thể dục thể thao đều đặn giúp tăng sức đề kháng, khuyến cáo mỗi chúng ta nên tập tối thiểu 3-5 lần/tuần, mỗi lần ít nhất 30 phút. Tùy vào điều kiện, thời gian hoàn cảnh để lựa chọn một bài tập phù hợp với thể trạng của cơ thể. Có thể tập tại phòng gym, trung tâm thể thao hoặc tập tại nhà với các bài tập toàn thân, hoặc chạy bộ, đi bộ ở công viên.
Việc tập luyện thường xuyên sẽ giúp cơ thể tăng cường khả năng miễn dịch. Giúp cơ thể tăng cường khả năng miễn dịch đối với virus cảm cúm, giúp cho quá trình lưu thông máu diễn ra tốt hơn, quá trình luân chuyển của các tế bào bạch cầu trong cơ thể cũng diễn ra mạnh hơn, giúp cơ thể chống chịu hiệu quả hơn đối với các viêm nhiễm do virus cúm gây ra. Đẩy lùi stress, giúp chúng ta có cảm giác ăn uống ngon miệng hơn và ngủ sâu giấc hơn.
Tập thể dục thường xuyên để có cơ thể dẻo dai, khoẻ mạnh. Nếu tập trong nhà chúng ta nên mở cửa khi tập để cơ thể hấp thụ được nhiều không khí. Bác sĩ khuyến cáo nên hạn chế tiếp xúc với người đang mang bệnh dễ lây lan như sốt phát ban, viêm đường hô hấp, khi tiếp xúc phải đeo khẩu trang.Với những người mang bệnh, tuỳ vào triệu chứng mà có cách điều trị phù hợp, đi khám bác sĩ khi cần thiết.
Giữ môi trường trong lành
Một điều hết sức quan trọng là thường xuyên tạo môi trường sạch sẽ trong lành thông thoáng, nhà và luôn mở cửa sổ thông gió. Nếu không, không khí trong nhà sẽ không lưu thông và bị ô nhiễm nặng. Sinh hoạt ở môi trường như vậy trong một khoảng thời gian dài sẽ gây ra các chứng bệnh như, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn. Thực tế cho thấy rằng nếu hệ thống thông gió trong nhà kém sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi trùng vi khuẩn gây bệnh phát triển.
Nếu để nhà cửa ẩm mốc sẽ có nhiều vi khuẩn gây bệnh. Vì thế, chúng ta nên giữ nhà cửa luôn khô thoáng. Thường xuyên lau dọn những vật dụng, khu vực hay xuất hiện nấm mốc. Loại bỏ những vật không cần thiết để nhà cửa thoáng hơn. Không phơi quần áo ở nơi kín gió, ẩm thấp.
Vệ sinh cá nhân sạch sẽ
Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Không nên tắm vào ban đêm vì theo bác sĩ tắm vào thời điểm này có thể gây co thắt mạch máu, ảnh hưởng đến tuần hoàn và phổi. Hơn nữa, tắm muộn khi thời tiết thay đổi khiến cơ thể phải thích nghi với sự thay đổi đổi nhiệt độ liên tục. Đây cũng là nguyên nhân làm cho cơ thể mệt mỏi, cảm lạnh hoặc đau đầu.
Thường xuyên rửa tay với xà phòng. Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định: "Việc rửa tay với xà phòng có thể ngăn chặn được 47% các bệnh liên quan tới đường tiêu hóa và hơn 30% các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cấp". Cũng theo Bác sĩ Thắng rửa tay sạch sẽ, đúng cách trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh có thể giúp bạn phòng tránh nhiều bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy cấp, nhiễm giun sán, ký sinh trùng nguy hiểm đường ruột.
Tạo tâm lý thoai mái, ngủ đủ giấc
Thời tiết thay đổi có thể ảnh hưởng tới cả thể chất và tinh thần của chúng ta. Nhiều người có thể bị mất ngủ, đau đầu và rơi vào trạng thái tâm lý không ổn định. Vì vậy, ngoài việc giữ cơ thể khỏe mạnh, chúng ta cũng nên quan tâm tới sức khỏe tinh thần, giữ cho tâm trạng luôn thoải mái. Bạn có thể thư giãn bằng nhiều cách như: nghe nhạc, đọc sách để thư giãn, xem phim…
Tùy vào độ tuổi và thể trạng của mỗi người khác nhau nên mỗi người cần được ngủ thời lượng khác nhau. Ví dụ, trẻ em từ 1-3 tuổi cần 14-16 giờ ngủ một ngày; từ 14-20 tuổi cần ngủ 8-9 tiếng/ngày và từ 20 tuổi trở lên chỉ cần 7-9 tiếng. Ngủ đủ giấc sẽ giúp bạn tăng cường hệ miễn dịch, giảm căng thẳng và các bất ổn về tâm lý, nâng cao năng suất và hiệu quả công việc, bác sĩ cho biết.
Xuân Vinh