(SGTT) – Vở nhạc kịch (opera) mang tên “Công nữ Anio” sẽ được công diễn vào tháng 9 năm sau tại Nhà hát lớn Hà Nội nhân kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (1973 – 2023).
- Tham quan nơi lưu giữ 'tình bằng hữu' Việt – Nhật
- Tour, Tuyến, Điểm đến trong bình thường mới: Tìm hiểu nét giao thoa văn hóa Việt – Nhật ở vườn ươm Minh Trân
Vở kịch sẽ kể về câu chuyện tình yêu giữa nàng công nữ Việt Nam mang tên Ngọc Hoa (được người dân Nhật đặt tên Anio) và chàng thương nhân Nhật Bản mang tên Araki Sotaro vào cuối thế kỉ 16 được lưu truyền ở hai quốc gia.
Thông tin này được ban tổ chức công bố vào sự kiện truyền thông Dự án Opera “Công nữ Anio” tại Đà Nẵng tối qua 27-8.
Trong sự kiện tối qua, cùng với màn trình diễn Aria “Đàn bầu” trong màn ba của vở nhạc kịch, ban tổ chức đã giới thiệu những nét văn hóa – mỹ thuật – âm nhạc Việt Nhật như giới thiệu các tác phẩm tranh sơn mài của Họa sĩ Ando Saeko, “Kiệu rước thần Nikko Toshogu” linh thiêng đầu tiên của Việt Nam và chiếc đàn piano độc nhất thế giới được tô điểm với họa tiết sơn mài Aizu Nuri độc đáo tại Danang Mikazuki Japanese Resorts & Spa.
Lần đầu tiên trong lịch sử, một chiếc kiệu rước thần với linh hồn của tướng quân Tokugawa Ieyasu (vị tướng quân anh hùng của Nhật) được xuất hiện và lưu giữ bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản. Tại Mikazuki, du khách còn được chiêm ngưỡng cây đàn piano sơn mài Aizu Nuri độc nhất vô nhị được chế tác hoàn toàn thủ công bởi những nghệ nhân nổi tiếng của xứ sở mặt trời mọc.
Hình ảnh quốc hoa của hai nước được vẽ lên cây đàn một cách chi tiết và công phu. Đây được xem như hai bảo vật của tập đoàn Mikazuki để bày tỏ niềm hy vọng về một mối quan hệ giao hữu hòa bình, gắn kết và thịnh vượng giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Chia sẻ về vở nhạc kịch “Công nữ Anio”, ông Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, cho hay vào thời kỳ thương mại Châu Ấn thuyền phát triển rực rỡ cách đây 400 năm, khi việc đi lại và giao thương giữa Nhật Bản và Việt Nam diễn ra tấp nập, hai nước đã là đối tác thân thiết bình đẳng của nhau.
Không bao lâu sau đó, trước những biến động dữ dội của thời đại, Nhật Bản và Việt Nam đã đi theo những con đường phát triển riêng. Tuy nhiên, những năm gần đây, hai nước đã gặp lại nhau trên con đường phát triển và cùng khẳng định sự gắn kết bền chặt đến mức có thể nói rằng quan hệ hai nước đang ở vào giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử.
“Tôi hy vọng rằng, vở opera này sẽ trở thành một dấu ấn kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam, giúp chúng ta hồi tưởng về quá khứ của Nhật Bản và Việt Nam, thắt chặt hơn nữa sự gắn kết của nhân dân hai nước trong tương lai”, ông cho hay.
Ông Honna Tetsuji, Giám đốc Âm nhạc kiêm Chỉ huy chính của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và tổng đạo diễn vở kịch, chia sẻ ông may mắn khi có được cơ hội tham gia sản xuất vở opera mang mô típ từ sự kiện lịch sử tuyệt vời đã có từ 400 năm trước. “Chúng tôi sẽ nỗ lực để tạo nên một tác phẩm được lưu truyền trong tương lai, suốt 50 năm hay 100 năm về sau”, ông cho biết.
Vở nhạc kịch “Công nữ Anio”
- Tổng đạo diễn: Honna Tetsuji
- Tác giả âm nhạc: Trần Mạnh Hùng
- Tác giả kịch bản/Tác giả soạn lời (Tiếng Nhật) : Oyama Daisuke
- Tác giả soạn lời (Tiếng Việt) : Hà Quang Minh
- Diễn viên: Đào Tố Loan (Vai công nữ Anio), Bùi Thị Trang (Vai công nữ Anio), Kobori Yusuke (vai Araki Sotaro ), Yamamoto Kohei (vai Araki Sotaro)
Nhân Tâm