Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Giáo dục ở Đồng bằng sông Cửu Long cần những giải pháp mạnh mẽ để “vượt trũng”

(SGTT) - Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm 13 tỉnh/thành phố lâu nay vẫn được coi là “vùng trũng” về giáo dục và đào tạo. Trước yêu cầu đổi mới, nhất là chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo dục ở ĐBSCL cần những giải pháp mạnh mẽ để “vượt trũng”.

Đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ

Huyện Châu Thành (Sóc Trăng) hiện có 8 trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, thị trấn và 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tại trung tâm huyện.

Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại huyện Châu Thành là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp phát triển giáo dục, thường xuyên được lãnh đạo các cấp ngành theo dõi, kiểm tra, đánh giá, chỉ đạo chặt chẽ, sâu sát.

Việc động viên, chăm lo đời sống đối với người học luôn được quan tâm chú trọng thực hiện tốt và điều này đã mang lại hiệu quả cao, là động lực thúc đẩy công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đạt mục tiêu, tiến độ.

Về công tác huy động các lớp xóa mù chữ và giáo dục sau khi biết chữ, năm 2022 toàn huyện mở được 17 nhóm, lớp với 108 người học, đạt 108%, tăng 3,8%; huy động 30 lớp phổ cập giáo dục THCS, được 504 người học, đạt 168%.

Thực hiện việc đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã, năm 2022 trên địa bàn huyện có 2 xã xếp loại tốt, 5 xã xếp loại khá, 1 xã xếp loại trung bình. Về tiêu chí đánh giá xếp loại các trung tâm học tập cộng đồng, kết quả có 5 xã xếp loại tốt, đạt 65,5% và 3 xã xếp loại khá, đạt 37,5%.

Nỗ lực từ các địa phương trong công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ở Sóc Trăng đạt kết quả khả quan. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Sóc Trăng, đến cuối năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 481 trường học các cấp, trong đó 463 trường công lập (gồm 39 trường THPT, 107 trường THCS, 199 trường tiểu học, 118 trường mẫu giáo) và 18 trường ngoài công lập ở các cấp học.

Vùng đồng bào dân tộc, năm học vừa qua, tổng số học sinh dân tộc Khmer và dân tộc Hoa được huy động đến lớp từ bậc mầm non đến THPT là 92.726 em, chiếm 35,59% số học sinh toàn tỉnh; trong đó học sinh dân tộc Khmer chiếm 30,73%, dân tộc Hoa chiếm 4,86%. Hiện toàn tỉnh có 133 trường học dạy tiếng Khmer với 42.204 học sinh; 5 trường, 54 lớp dạy tiếng Hoa với 1.627 học sinh. Ngoài ra, địa phương còn có 10 trường phổ thông dân tộc nội trú với hơn 3.000 học sinh theo học hằng năm.

Một lớp tiểu học ở Sóc Trăng. Ảnh: Quốc Ngữ

Trong khi đó, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ở huyện Cầu Kè (Trà Vinh) cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến cuối năm 2022, ở bậc mầm non, số lượng trẻ em trong độ tuổi được huy động ra lớp chiếm gần 100% và số trẻ em 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non chiếm trên 99%.

Đối với cấp tiểu học, trẻ em trong độ tuổi được huy động đến trường đạt 100%, số trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học chiếm trên 97%, số trẻ còn lại đang theo học tại các trường tiểu học trong huyện, số trẻ 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt tỷ lệ trên 99%.

Đối với bậc THCS, tỷ lệ huy động trẻ hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 100%, tỷ lệ học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS đạt gần 100%, tỷ lệ thanh thiếu niên từ 15 - 18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS đạt trên 97%, tăng hơn 2% so với năm 2021.

Ngân sách chi cho giáo dục còn hạn chế

Theo thống kê từ Cục cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT, các tỉnh ĐBSCL hiện có 2.112 trường mầm non, 3.189 trường tiểu học, 1.427 trường THCS, 379 trường THPT. Vùng ĐBSCL có 232.143 cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên.

Mức chi ngân sách địa phương trung bình cho một học sinh mầm non, phổ thông cả nước là 8.372,6 nghìn đồng, trong khi đó với ĐBSCL là 7.380,2 nghìn đồng. Như vậy, mức chi của ĐBSCL thấp hơn bình quân chung của cả nước là 11,9%.

Phân bổ chi ngân sách địa phương cho các cấp học ở đây cũng chưa hợp lý. Địa hình không thuận lợi, thực tế thiếu giáo viên, chi ngân sách địa phương giáo dục còn thấp, cơ cấu chi hợp lý như mầm non ít, cấp phổ thông, đặc biệt trung học khá hơn... là những nguyên nhân chính dẫn đến việc khu vực này luôn nằm trong vùng trũng giáo dục.

Do đó, các địa phương của ĐBSCL cần phải tăng tỷ lệ ngân sách chi cho giáo dục, đặc biệt chi đầu tư phát triển trường, lớp, thiết bị, tăng cho mầm non. Mục tiêu trước mắt là hoàn thành "lấp trũng", sau đó sẽ dần "vun cao" cho giáo dục ĐBSCL.

Để các cấp học mầm non, phổ thông của các tỉnh ĐBSCL có điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đạt mức bình quân chung của cả nước, các địa phương thuộc ĐBSCL cần đầu tư bổ sung xây mới khoảng 3.300 phòng học (cho giáo dục mầm non, tiểu học), cải tạo, nâng cấp (kiên cố hóa) khoảng 8.550 phòng học; mua sắm bổ sung 2.191 bộ thiếu bị dạy học; đầu tư mới 758 phòng học bộ môn (cho giáo dục THCS và THPT).

Cô trò một trường mầm non ở An Giang. Ảnh: Đình Tuyển

Trong bối cảnh nguồn ngân sách địa phương chi cho giáo dục còn hạn chế, thì nguồn vốn trung ương hỗ trợ các địa phương khu vực ĐBSCL thông qua các chương trình, đề án nói chung chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số vốn trung ương hỗ trợ các địa phương - thấp nhất so với các vùng trong cả nước, do chính sách hỗ trợ tập trung cho các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà các tỉnh ĐBSCL có ít đối tượng thụ hưởng so với các vùng khó khăn khác.

Theo các chuyên gia, cần cân đối bố trí ngân sách cho giáo dục tại ĐBSCL đảm bảo tối thiểu ngang bằng với tỷ lệ bình quân chung của cả nước, đồng thời, điều chỉnh việc phân bổ ngân sách chi cho các cấp học mầm non, tiểu học, THCS và THPT một cách hợp lý và phù hợp với định hướng phát triển giáo dục của địa phương.

Công tác xã hội hóa giáo dục nơi đây phải được đẩy mạnh, tạo cơ chế khuyến khích các cơ sở giáo dục chủ động hợp tác, liên kết với các cá nhân, đơn vị có uy tín trong và ngoài nước huy động các nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục.

Về chính sách, cần ban hành cơ chế, chính sách cho vùng ĐBSCL; mở rộng đối tượng được hưởng chế độ ăn trưa, miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với trẻ mẫu giáo 3,4 và 5 tuổi thuộc hộ cận nghèo, trẻ vùng sông nước khó khăn trong việc đến trường, lớp.

Đinh Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Ngành giáo dục rà soát điều kiện, cấp bằng cho liên...

0
(SGTT) - Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến cho dự thảo nghị định quy định về điều kiện, trình tự,...

Khó tìm việc sau tốt nghiệp, điểm yếu của sinh viên...

0
(SGTT) – Theo các chuyên gia, có nhiều lý do khiến sinh viên ra trường khó tìm được việc làm như thiếu kỹ năng...

TPHCM: miễn, giảm học phí, điều chỉnh một số khoản thu...

0
(SGTT) - Trẻ em mầm non 5 tuổi được miễn học phí từ năm học 2024-2025. Học sinh Trung học Cơ sở được miễn...

205 bác sĩ đầu tiên tốt nghiệp Trường đại học Nam...

0
(SGTT) - Trường đại học Nam Cần Thơ (DNC) đã trao bằng tốt nghiệp cho 205 tân bác sĩ y khoa đầu tiên, niên...

Trang web Nisshin – Mang đến nhiều thông tin hữu ích...

0
Ngày nay, với sự bùng nổ của công nghệ thì việc cập nhật tin tức đã không còn quá khó khăn. Rất nhiều nền...

Nỗi lo mùa thi

0
(SGTT) - Mùa thi THPT Quốc gia cận kề, cũng là lúc các thí sinh đang chạy nước rút trong việc ôn bài để...

Kết nối