Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

Gian nan quản lý nguồn nước ngầm

Văn Nam-

Khoảng 10 năm trước chính quyền TPHCM đã có chủ trương giảm khai thác nước ngầm trước những cảnh báo về việc sử dụng nước giếng khoan có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cho người sử dụng và việc khai thác nước ngầm bừa bãi sẽ dẫn đến tình trạng sụt lún mặt đất tại thành phố. Thế nhưng trên thực tế, lượng nước ngầm khai thác vẫn còn rất lớn, theo thống kê mới nhất từ cơ quan chức năng.

Cấm thì cấm

Trước những hệ lụy sụt lún đất và mối lo ngại về sức khỏe đối với những người sử dụng nước giếng khoan, khoảng 10 năm trước, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 69/2007/QĐ-UBND nhằm hạn chế và cấm khai thác nước ngầm trên địa bàn thành phố. Đi với đó là những biện pháp chế tài xử lý vi phạm các tổ chức, cá nhân có hành vi gây cạn kiệt nghiêm trọng nguồn nước, không tuân theo sự điều chỉnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có sự cố về nguồn nước… Tùy theo mức độ, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, và nếu gây ra thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Thế nhưng trên thực tế, ở nhiều nơi, người ta vẫn thấy nhiều cơ sở sản xuất khai thác nước ngầm cho sản xuất, kinh doanh. Tương tự, nhiều khu dân cư do chưa có nguồn nước sạch hoặc do thói quen nên vẫn còn sử dụng nước ngầm cho sinh hoạt hàng ngày. Bà Huỳnh Thị Thúy, một người dân trên đường Phan Văn Hớn, huyện Hóc Môn, TPHCM cho biết nhiều người dân khu vực này vẫn còn sử dụng nước ngầm do chưa có nguồn nước máy.

Theo thông tin được Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM báo cáo tại một cuộc họp về kế hoạch giảm khai thác nước ngầm cuối tháng 8 vừa qua, tổng lượng nước ngầm khai thác hiện nay khoảng 681.000 m3/ngày, trong đó các hộ dân chiếm phần lớn với khoảng 356.000 m3/ngày, còn cơ sở sản xuất công nghiệp khoảng 172.500 m3/ngày.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ giảm lượng khai thác nước ngầm xuống còn 100.000 m3/ngày. Song theo bà Mỹ, một trở ngại cho mục tiêu này là Luật Tài nguyên nước hiện nay quy định trường hợp khoan giếng ngầm dưới 10 m3/ngày thì không cần phải xin phép mà chỉ đăng ký.

Do đó, thời gian qua, Sở Tài nguyên môi trường thành phố đã nhiều lần soạn thảo quy định để thay thế Quyết định 69 của UBND TPHCM nhưng vẫn không thể đưa nội dung “cấm khai thác nước ngầm” vào quy định mới được.

Theo thông tin từ Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco), trên địa bàn thành phố có nhiều khu vực đang khai thác nước ngầm với công suất lớn, tập trung ở các khu vực ngoại thành, các khu công nghiệp, khu chế xuất. Theo kết quả giám sát chất lượng nước ngầm tại thành phố của Trung tâm y tế dự phòng thành phố, hầu hết các nguồn nước giếng do người dân tự khai thác đều không đạt theo tiêu chuẩn về nước dùng cho sinh hoạt (QCVN 02:2009/BYT) ở các chỉ tiêu pH, sắt, và có khoảng 50% mẫu nước không đạt chỉ tiêu ammonia.

giengkhoanHiện nay tại quận 12, TPHCM vẫn còn những hộ dân sử dụng nước giếng khoan như thế này trong sinh hoạt hàng ngày.  Ảnh: Văn Nam

Cần mạnh tay hơn

Theo các chuyên gia môi trường, nguồn nước ngầm là nguồn nước tại chỗ với chất lượng ổn định hơn so với nguồn nước mặt. Tuy nhiên, việc khai thác nguồn nước ngầm không kiểm soát sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường như tụt giảm mực nước ngầm, có khả năng dẫn đến cạn kiệt nguồn nước, làm biến dạng mặt đất, gây ra hiện tượng sụn lún. Việc khai thác nước ngầm cũng dẫn đến tình trang ô nhiễm các mạch nước ngầm do sự xâm nhập các chất ô nhiễm từ nước thải, nước chảy tràn. Mực nước ngầm suy giảm sẽ dẫn đến sự gia tăng khả năng xâm nhập mặn ở một số khu vực, đặc biệt là khu vực gần biển.

Cũng theo các chuyên gia môi trường, để bảo vệ nguồn nước ngầm vốn đang bị khai thác quá mức hiện nay, chính quyền thành phố cần có thêm các chế tài mạnh mẽ trong xử phạt đối với việc khai thác nguồn nước ngầm trái phép. Có thể áp mức thuế cao đối với việc khai thác nước ngầm cho mục đích công nghiệp, sản xuất, kinh doanh tại các khu vực đã có nguồn nước sạch cấp đầy đủ. Đồng thời, không cấp phép khai thác, gia hạn hoặc đăng ký khai thác nước dưới đất cho các công trình tại một số khu vực cần phải hạn chế khai thác, cần có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn ô nhiễm có nguy cơ tác động đến nguồn nước ngầm.

Điều quan trọng nhất, theo các chuyên gia, là ngành cấp nước của thành phố cần phải đẩy mạnh hơn nữa trong việc đầu tư đưa nước sạch tới những khu vực mà người dân còn sử dụng nước ngầm, đi kèm với đó là công tác tuyên truyền tác hại của nước ngầm không đạt yêu cầu để người dân dần chuyển sang nước máy.

Trong cuộc họp về tình hình khai thác nước ngầm tuần rồi, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TPHCM, nhận định việc khai thác nước ngầm trên địa bàn thành phố không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe mà còn là yếu tố an toàn. Hệ lụy của việc khai thác nước ngầm quá mức đã rõ: việc sử dụng nước ngầm tầng nông nhiễm hóa chất và nước thải ảnh hưởng đến sức khỏe, chưa kể những nơi khác gây ra tình trạng sụt lún.

Ông Tuyến yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố phải xây dựng khu vực, đối tượng cấm khai thác nước ngầm. Song song đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cần xây dựng bản đồ khu vực cấm khai thác nước ngầm để chính quyền thành phố kiến nghị trung ương cho phép thực hiện.

[box] Theo báo cáo của Sawaco, hầu hết các mẫu nước ngầm tại TPHCM đều có chỉ số pH thấp, nghĩa là độ axit cao. Với nguồn nước có tính axit, uống vào sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho cơ thể. Ngoài ra, nước nhiễm axit nhẹ có thể sẽ ăn mòn các thiết bị sử dụng.

Hàm lượng sắt cao (dân gian thường gọi nước nhiễm phèn) sẽ gây ra hiện tượng ố vàng và đóng cặn trong các thiết bị, ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt của người dân.

Độ ammoniac cao chứng tỏ nước đã bị ô nhiễm hữu cơ, để lâu sẽ chuyển hoá thành nitrit, nitrat. Đây là những chất có khả năng gây ung thư cho con người. [/box]

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Xe Omoda C5 của Trung Quốc có giá từ 589 triệu...

0
(SGTT) - Omoda C5 - crossover cỡ B của Trung Quốc chính thức bán ra 2 phiên bản ở Việt Nam vào ngày 26-11,...

Bộ Giao thông vận tải giải ngân 68% vốn đầu tư...

0
(SGTT) - Theo thông tin từ Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải), trong 11 tháng của năm 2024, vốn giải...

Những công thức món ăn từ bông cải có hình xoắn...

0
(SGTT) - Bắt nguồn từ ẩm thực Ý, bông cải (hay còn gọi là súp lơ) Romanesco broccoli có tạo hình đẹp mắt với...

Người bán có thể ủy quyền cho sàn TMĐT lập hóa...

0
(SGTT) - Theo công điện mới nhất của Thủ tướng về quản lý thương mại điện tử (TMĐT), Bộ Tài chính được giao nghiên...

‘Tri thức May và Mặc áo dài Huế’ là Di sản...

0
(SGTT) - Vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Di sản...

TPHCM làm tuyến metro Bến Thành – Tham Lương bằng vốn...

0
(SGTT) - Dự án metro Bến Thành - Tham Lương (metro số 2) sẽ được TPHCM triển khai bằng ngân sách thành phố thay...

Kết nối