An Minh -
Thời gian vừa qua, để giảm bớt tình trạng quá tải, một số bệnh viện đã hợp tác san sẻ bệnh nhân cho nhau, qua đó giúp người bệnh không phải chờ đợi lâu. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng khi đưa bệnh nhân sang các bệnh viện khác điều trị cần phân tích rõ chuyên môn, chi phí điều trị để người bệnh hiểu, cảm thấy mình không bị bệnh viện này “bán” cho bệnh viện kia.
Phối hợp điều trị
Việc hợp tác điều chuyển bệnh nhân đến bệnh viện khác điều trị bước đầu có hiệu quả, song cần phân tích rõ chuyên môn, chi phí điều trị để người bệnh hiểu. Ảnh: Thành Hoa
Chị Nguyễn Thị T. đang điều trị bệnh ung thư vú tại Bệnh viện đa khoa Hồng Đức (Gò Vấp, TPHCM) cho biết, khi biết mình bị bệnh ung thư, chị đã điều trị một đợt tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Nay có sự hợp tác giữa hai Bệnh viện Ung bướu và Hồng Đức, chị T. đến Bệnh viện Hồng Đức tái khám, được siêu âm, chụp chiếu nhanh chóng mà vẫn được bảo hiểm y tế chi trả. Chị T. cho hay, nếu như trước đây khi đi siêu âm, từ lúc thực hiện cho đến lúc biết kết quả phải mất một tuần, thì nay chỉ mất khoảng một ngày.
Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM là một trong những bệnh viện bị quá tải nặng. Thời gian vừa qua, bệnh viện này đã ký kết với Bệnh viện Triều An ở quận Bình Tân để đưa bệnh nhi đến điều trị nhằm giảm tải cho bệnh viện. Việc ký kết hợp tác cho phép Nhi Đồng 1 đặt một phòng khám chuyên khoa nhi tại Bệnh viện Triều An.
Bà Lê Thị Út, ngụ tại quận Bình Tân TPHCM, cho biết từ khi có phòng khám nhi của Bệnh viện Nhi đồng 1 đặt ở Bệnh viện Triều An, bà cảm thấy an tâm khi đưa cháu ngoại đến khám và điều trị, thay vì phải đưa cháu lên tận Bệnh viện Nhi đồng 1, nơi có thời điểm không có chỗ nằm điều trị nội trú.
Trong thời gian qua, nhiều bệnh nhân đến Bệnh viện Chợ Rẫy khám và điều trị cũng được các bác sĩ chỉ định đến các bệnh viện khác để chụp chiếu cho nhanh, không phải chờ đợi lâu. Chẳng hạn, bệnh nhân có thể đến Bệnh viện Chuyên khoa ngoại thần kinh quốc tế (đơn vị hợp tác với bệnh viện Chợ Rẫy) để chụp CT hoặc MRI cho nhanh mà bảo hiểm y tế vẫn chi trả.
Theo Sở Y tế TPHCM, hiện nay thành phố có 68 bệnh viện công và khoảng 40 bệnh viện ngoài công lập. Hai mô hình này có sự đối lập nhau. Trong lúc các bệnh viện công luôn quá tải, với công suất sử dụng giường bệnh luôn vượt hơn 100%, thì các bệnh viện tư luôn thiếu vắng bệnh nhân trong khi cơ sở vật chất và trang thiết bị khá hiện đại.
Để giảm tải cho các bệnh viện tuyến công lập, thời gian qua, ngành y tế thành phố đã có chính sách hợp tác công – tư. Cụ thể, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhân dân 115 ký hợp tác với Bệnh viện Quốc tế City (CIH – Bình Tân), Bệnh viện Ung bướu ký kết hợp tác với Bệnh viện đa khoa Hồng Đức, Bệnh viện Nhi đồng 1 hợp tác với Bệnh viện Triều An.
Theo số liệu thống kê của Phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy, với mô hình kết hợp giảm tải giữa các bệnh viện, năm 2016, Khoa Chấn thương sọ não của bệnh viện này giảm tải khoảng 35%, với số bệnh nhân chuyển đi là 7.920 trong số 21.193 trường hợp; Khoa Chấn thương Chỉnh hình giảm hơn 23%, với số bệnh nhân chuyển đi là 2.105 trong số 7.257 trường hợp; Khoa Tim mạch can thiệp giảm 36%, với số chuyển đi là 1.123 trong số 3.121 trường hợp.
Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết từ năm 2010 đến nay, bệnh viện đã hợp tác với bảy bệnh viện ở 25 lượt chuyên khoa. Dự kiến đến năm 2017, số bệnh viện hợp tác sẽ là 12 với 54 lượt chuyên khoa, trong đó có các bệnh viện như 30/4, 7A, Ngoại thần kinh quốc tế, Đức Khang, Chỉnh hình-Phục hồi chức năng, Tân Sơn Nhất, Quốc tế City, Xuyên Á, Vinmec và Bưu điện 2.
Hiện nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 500 lượt bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy được chuyển đi điều trị ở các bệnh viện kể trên. TS.BS. Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho rằng việc chuyển viện này phải hội đủ các yếu tố như đảm bảo chất lượng, hiệu quả điều trị, đáp ứng chuyên môn theo chuyên khoa chuyển, phải gần Bệnh viện Chợ Rẫy và quan trọng nhất là được sự đồng ý của người bệnh.
Quyền lợi của bệnh nhân
Theo đánh giá của Sở Y tế TPHCM, mô hình liên kết giảm tải giữa các bệnh viện mang lại hiệu quả cao, nhưng hiện nay vẫn còn nhiều rào cản về cơ chế tài chính khi chuyển giao bệnh nhân. Cách tính viện phí chênh lệch giữa các bệnh viện, đặc biệt giữa bệnh viện công và bệnh viện tư đã làm nhiều người bệnh không hài lòng.
Nhiều bệnh viện đang thực hiện đề án phối hợp công - tư cho rằng, sự chênh lệch giá viện phí giữa bệnh viện công và bệnh viện tư hiện nay vẫn còn khá cao, nên nhiều bệnh nhân không muốn chuyển qua nằm điều trị ở bệnh viện tư.
Trong cuộc họp với Bệnh viện Chợ Rẫy về mô hình hợp tác giảm tải của bệnh viện, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh của Bộ Y tế, cho biết thời gian vừa qua, bệnh viện đã linh hoạt kết hợp với các bệnh viện khác để điều chuyển bệnh nhân đến điều trị, qua đó giảm bớt tình trạng quá tải bệnh nhân tại bệnh viện này.
Việc hợp tác điều chuyển bệnh nhân đến bệnh viện khác điều trị bước đầu có hiệu quả. Tuy nhiên, việc kết hợp này chưa có trong quy định của Bộ Y tế. Do đó, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng như các bệnh viện khác khi chuyển bệnh nhân sang bệnh viện khác để kết hợp điều trị cần phải đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, cần phân tích cho họ hiểu vì sao lại chuyển, chuyên môn điều trị có đồng bộ không, chi phí điều trị của người bệnh ra sao...
Theo ông Khuê, tất cả các yếu tố cần phải được công khai, minh bạch để bệnh nhân không hiểu lầm, không bức xúc, để dư luận không hiểu theo hướng bệnh viện này “bán” người bệnh cho bệnh viện khác.