Vào tối muộn 18-8, lãnh đạo của Audi Việt Nam đã gửi văn bản đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các đơn vị liên quan sau khi Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, trong đó có việc giảm 50% phí trước bạ.
- Bộ, ngành đề nghị tiếp tục chính sách giảm phí trước bạ cho ngành ô tô
- Thị trường ô tô lao dốc khi ưu đãi phí trước bạ không còn
Hãng xe và địa phương có nhà máy sản xuất xe lên tiếng
Trước đó, Công ty cổ phần Thành Công Motor Việt Nam (TC Motor) có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị tái áp dụng quy định mức thu lệ phí trước bạ giảm 50% đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Cũng liên quan đến chính sách cho ngành này, đầu tháng 8-2021, UBND các tỉnh Ninh Bình và Quảng Nam cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép gia hạn chương trình ưu đãi thuế đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước cho giai đoạn từ sau năm 2022.
Đồng thời, cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thị đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong một khoảng thời gian phù hợp, tùy theo diễn biến của dịch bệnh.
Ninh Bình là nơi đặt nhà máy sản xuất xe của TC Motor với các mẫu xe thương hiệu Hyundai. Trong khí đó, Quảng Nam là nơi có khu công nghiệp Chu Lai, nơi đặt nhà máy sản xuất các mẫu xe thương hiệu Mazda, KIA, Peugeot... của Thaco.
Hồi tháng 5-2021, cũng liên quan phí trước bạ, trong kiến nghị một số chính sách hỗ trợ bổ sung cho doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, VAMA có kiến nghị Bộ Tài chính xem xét giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe đăng ký mới để tháo gỡ khó khăn cho thị trường ô tô. Tuy nhiên, Bộ Tài chính khi đó đã bác đề xuất này.
Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái có văn bản yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu kiến nghị của doanh nghiệp, đề xuất hướng tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, trong bối cảnh dịch COVID-19, trong đó có đề xuất giảm 50% phí trước bạ. Đồng thời đánh giá và tính toán kỹ tác động, trên cơ sở đó đề xuất hướng xử lý kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho ngành này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8-2021. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến cho dự thảo nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Nhận định liên quan đến các kiến nghị, đề xuất giảm phí trước bạ, đại diện một nhà sản xuất xe trong nước cho rằng, nếu ngành sản xuất ô tô gặp khó khăn, doanh số sụt giảm mạnh, nộp ngân sách sẽ giảm theo. Việc ưu đãi lệ phí trước bạ, sẽ giúp tăng doanh số bán và tăng nguồn thu cho ngân sách.
Hãng xe nhập khẩu... bơ vơ
Liên quan đến chuyện giảm phí trước bạ, trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ Việt Nam, Công ty TNHH Ô tô Á châu - nhà nhập khẩu xe Audi chính hãng tại Việt Nam (Audi Việt Nam) nêu ý kiến việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo và đang lấy ý kiến đóng góp chỉ đề cập đến giải pháp giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là có sự phân biệt đối xử.
"Chỉ giảm 50% lệ phí trước bạ đối với các xe lắp ráp trong nước đã cho thấy sự hiệu quả nhưng cũng là sự phân biệt đối xử ưu tiên xét trên toàn quốc”, văn bản của Audi Việt Nam viết.
Trong văn bản do ông Laurent Genet, Tổng giám đốc Audi Việt Nam gửi đến Thủ tướng Chính phủ, bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ: năm 2021, quy định cách ly xã hội nghiêm ngặt tại Việt Nam đang buộc tất cả các nhà nhập khẩu và nhà phân phối ô tô nguyên chiếc (CBU) phải tạm ngừng kinh doanh. Sự phân biệt đối xử ưu tiên chỉ riêng với xe sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD) là thiếu công bằng đối với các nhà nhập khẩu cũng như nhà phân phối CBU. Đây cũng là những đơn vị đang phải gánh nhiều tổn thất từ các văn phòng đăng ký, đăng kiểm xe hiện đang ngưng hoạt động, trong khi các doanh nghiệp này vẫn phải tiếp tục chi trả chi phí cho việc thuê cơ sở thương mại, thuế, lưu kho và nguồn nhân lực.
Trao đổi với KTSG Online, đại diện một hãng xe nhập khẩu xin không nêu tên cho rằng, chính sách giảm mức thu lệ phí trước bạ cần được áp dụng chung cho cả loại hình xe sản xuất, lắp ráp trong nước lẫn xe nhập khẩu nguyên chiếc nhằm đảm bảo tính công bằng giữa các doanh nghiệp, người tiêu dùng. "Chúng tôi cũng sử dụng rất nhiều nhân sự trong nước, các kho bãi, dịch vụ và thực hiện nghĩa vụ thuế, xe chúng tôi cũng bán trong nước nhưng lại không được đề cập đến. Phí trước bạ là người mua đóng, nếu chỉ áp dụng cho xe sản xuất trong nước thì người mua xe nhập khẩu sẽ thiệt thòi", vị này nói.
Năm ngoái, sau khi Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) kiến nghị và các bộ, ngành trình Chính phủ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2020/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu theo quy định, áp dụng từ ngày 29-6 đến hết ngày 31-12-2020.
Thời diểm đó, các nhà nhập khẩu và phân phối ô tô tại Việt Nam cũng có phản ứng. Trong "Sách trắng 2020", Phòng thương mại và Công nghiệp châu Âu (Euro Charm) cũng có phản ứng khi cho rằng việc Việt Nam chỉ giảm 50% phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước là phân biệt đối xử, Euro Charm đề nghị áp dụng giảm 50% lệ phí trước bạ cho tất cả doanh nghiệp nhập khẩu, lắp ráp và phân phối ô tô mới.
Theo báo cáo của VAMA, doanh số bán ô tô tháng 7-2021 của các doanh nghiệp thành viên đạt 16.035 chiếc, giảm 32% so với tháng 6.2021.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, doanh số bán của các doanh nghiệp thành viên VAMA đạt 166.516 chiếc các loại, trong đó xe lắp ráp trong nước đạt 94.109 xe, nhập khẩu đạt 72.407 chiếc. Như vậy, tổng nguồn cung ôt ô 7 tháng đầu năm 2021 cả sản xuất trong nước và nhập khẩu là hơn 283.000 chiếc các loại.
Nam Hưng
Theo KTSG Online