Trung Chánh
Trong khi có nhiều ý kiến lý giải cho việc xuất khẩu cà phê giảm ở hai tháng đầu năm 2015, thì theo một số nhà chuyên môn, ngành hàng này phải tạo được sự khác biệt và sáng tạo trong việc tiếp cận thị trường, nếu muốn tiếp tục đi lên.
Do đâu xuất khẩu giảm?
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hai tháng đầu năm 2015, xuất khẩu cà phê cả nước đạt 241.000 tấn, trị giá đạt 511 triệu đô la Mỹ, giảm 25% về lượng và 16,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Có nhiều ý kiến lý giải cho việc xuất khẩu cà phê giảm. Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA), cho biết cùng với Brazil, sản lượng cà phê của Việt Nam và Indonesia cũng sẽ bị sụt giảm mạnh do chịu ảnh hưởng bất lợi của thời tiết.
Cụ thể, theo ông Tự, ba tỉnh của Tây Nguyên, gồm Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai, đang đối mặt với việc thiếu nước tưới nghiêm trọng vì khô hạn. Do đó, dự báo niên vụ 2014-2015, sản lượng cà phê cả nước có thể giảm đến 20% so với con số 27,5 triệu bao (60 kg/bao) của niên vụ trước do lượng cà phê arabica giảm 30% và cà phê robusta bị “cúm” khi ra hoa.
Ngoài ra, thông tin từ một số doanh nghiệp chuyên kinh doanh mặt hàng cà phê tại Tây Nguyên cho biết việc có khoảng 120.000 ha cà phê già cỗi khiến khả năng cho trái thấp hoặc không có khả năng cho trái, và nông dân đang găm hàng chờ giá cũng là những nguyên nhân dẫn đến xuất khẩu cà phê giảm mạnh trong những tháng đầu năm nay.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia phân tích thị trường cà phê trong nước và thế giới, cho rằng điều quan trọng hơn, có ảnh hưởng đến xu hướng giá cả và khối lượng xuất khẩu trong nước, đó là lượng cà phê bán ra đã được xuất đi đâu.
Theo ông Bình, nếu các nhà xuất khẩu trong nước xuất đi cho người tiêu thụ thực sự, tức là người sử dụng cuối cùng, thì nó là một chuyện, còn nếu các nhà xuất khẩu bán qua tay những người đầu cơ tài chính thì nó lại là chuyện khác. “Không phải 100% lượng cà phê của mình (các nhà xuất khẩu – PV) xuất đi đều được người tiêu dùng thực sự sử dụng, mà một phần nằm trong tay các nhà đầu cơ tài chính, nghĩa là họ sẽ sử dụng hạt cà phê của mình để kinh doanh hàng giấy trên sàn kỳ hạn”, ông Bình khẳng định.
Theo ông Bình, điều này sẽ tạo ra không ít bất lợi cho ngành cà phê trong nước. Thứ nhất, vì các tay đầu cơ tài chính có lượng hàng, do đó họ sẽ khống chế về giá. Thứ hai, ngược lại các nhà xuất khẩu trong nước sẽ mất thị phần vì họ không đưa hàng đến tận tay người tiêu dùng thực sự được. “Do đó, họ (người tiêu dùng thực sự hay người sử dụng cuối cùng – PV) phải đi mua của người khác”, ông Bình nhận định.
Mà lý do của vấn đề trên, theo ông Bình, đó là vì các nhà xuất khẩu trong nước không phân định được giữa đâu là những tay đầu cơ tài chính, họ sử dụng hạt cà phê của mình để kinh doanh trên sàn, ép giá và đâu là người sử dụng hàng của mình để chế biến và tiêu thụ bằng những tách cà phê. “Khó khăn của mình (các nhà xuất khẩu cà phê trong nước, kể cả VICOFA – PV) nó nằm ở đó và mình thường chơi với các tay đầu cơ nhiều hơn. Mình cứ nghĩ, ai có tiền thì mình đưa hàng tới đó, nhưng chính chuyện này đã gây nên những cái khó khăn cho bản thân giá cả và cho thị phần của mình”, ông khẳng định.
Đi tìm sự khác biệt và sáng tạo
Mục tiêu của ngành cà phê trong nước thời gian tới là tiếp tục duy trì ổn định về mặt diện tích và sản lượng, tức vẫn giữ diện tích trồng 600.000 ha và sản lượng đạt khoảng 1,6-1,7 triệu tấn/năm. Còn về kim ngạch xuất khẩu, ngành cà phê trong nước muốn nâng kim ngạch lên 4-5 tỉ đô la Mỹ trong 1-2 năm tới và sẽ đạt khoảng 9-10 tỉ đô la Mỹ ở những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, muốn làm được điều này, theo một số nhà chuyên môn, về mặt chế biến xuất khẩu phải giảm hoặc xóa tình trạng bán thô và nên đẩy mạnh đi theo hướng giá trị gia tăng cao như rang xay, chế biến cà phê hòa tan, bởi theo thống kê của Bộ NN&PTNT hiện tổng công suất các nhà máy chế biến cà phê hòa tan cả nước chỉ đạt trên 166.000 tấn, tức chỉ bằng 1/10 lượng cà phê được sản xuất ra (1,6 triệu tấn/năm).
Ông Phan Thế Công, Trưởng bộ môn Kinh tế vi mô, trường Đại học Thương mại, cho rằng đi theo hướng giá trị gia tăng là điều tất yếu, nhưng phải sáng tạo và có sự khác biệt. “Chẳng hạn, đối với Hàn Quốc, họ là một quốc gia gần như phải nhập khẩu 100% cà phê thô, nhưng các doanh nghiệp của họ đã sáng tạo bằng cách chế biến thành những kiểu cà phê riêng của họ, theo phong cách, tiêu chuẩn của họ nên rất thành công”, ông nói.
Đối với Việt Nam cũng vậy, theo ông Công, về sản xuất nông dân đã có nền tảng rất tốt (tính đến nay đã có 40% sản lượng cà phê cả nước đạt các chứng nhận sản xuất bền vững như UTZ, 4C... – PV), và điều cần làm hiện nay là phải chú trọng phát triển thị trường, mà muốn làm được điều này thì phải xây dựng thương hiệu. “Tuy nhiên, làm thương hiệu thì cũng phải có tính sáng tạo và sự khác biệt để có được tên tuổi độc đáo của chúng ta ở thị trường nào đó”, ông cho biết.
Có cùng quan điểm, ông Đinh Văn Khiết, Phó chủ tịch UBND Đắk Lắk, cho rằng hiện có khoảng 90% lượng cà phê cả nước được xuất bán dưới dạng thô, nhưng đã mang về lượng kim ngạch dẫn đầu (3,4 tỉ đô la Mỹ – PV) của nhóm ngành nông sản. “Nếu chúng ta chuyển sang sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng, ví dụ mỗi kí lô gam cà phê rang xay pha được 50 ly, bán với giá 5.000 đồng/ly thôi, thì giá trị thu được cũng đã có sự khác biệt rất xa so với bán thô rồi”, ông Khiết nhận định.
Song song đó, theo một số nhà chuyên môn, cần phải đa dạng hóa sản phẩm cà phê khi xuất bán dựa trên những nghiên cứu thị trường, điều tra nhu cầu của người tiêu dùng để cho ra những dòng sản phẩm khác nhau mang tính sáng tạo và khác biệt, đáp ứng đúng vào nhu cầu của từng phân khúc. Như vậy, việc chinh phục thị trường, gia tăng kim ngạch xuất khẩu sẽ trở nên dễ dàng hơn.