(SGTT) - Giá xăng dầu tăng đã khiến các doanh nghiệp du lịch đứng ngồi không yên, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn chưa khống chế hoàn toàn.
- TPHCM lập đoàn kiểm tra việc kinh doanh xăng dầu
- Giá bán lẻ xăng dầu tăng lên mức cao nhất trong 8 năm qua
Hiện nay, trên thế giới, các nền kinh tế đang dần phục hồi, bắt đầu mở cửa, khởi động lại hoạt động kinh doanh, giao thương, giao thông vận tải, du lịch… Nhiều nước trên thế giới sử dụng thẻ xanh Covid-19 và dần coi Covid-19 như bệnh cúm thông thường vì đã tiêm vắc xin diện rộng và có thuốc hỗ trợ điều trị.
Ở Việt Nam, mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp bàn về phương án mở cửa lại hoạt động du lịch.
Thông báo nêu rõ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ý kiến các Bộ, cơ quan tại cuộc họp về thời gian mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về "thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19" từ ngày 15-3-2022.
Với những tín hiệu lạc quan đó, các đơn vị lữ hành đang kỳ vọng vào sự thành công của du lịch trong thời gian tới, đặc biệt là Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5. Đó sẽ là dịp thuận lợi để các doanh nghiệp du lịch, điểm đến thu hút khách, tăng doanh thu trong bối cảnh dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt ở trong nước. Trong thời gian qua, các hãng hàng không và nhiều đơn vị lữ hành đã giới thiệu sản phẩm kích cầu hấp dẫn, phù hợp xu hướng và tâm lý của du khách.
Đau đầu chuyện xăng dầu
Tuy nhiên, ngoài việc đón nhận những tín hiệu tích cực trong thời gian qua thì ngành du lịch lại phải đón nhận một thông tin không thể vui, đó là chuyện giá cả xăng dầu.
Chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây, giá xăng dầu ở Việt Nam đã tăng 3 lần liên tiếp. Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả và có thể vô hiệu hoá chính sách tài khoá giảm 2% thuế VAT đang triển khai nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty Du lịch Duy Nhất Đông Dương (Đà Nẵng) cho rằng, giá xăng tăng thì giá vận chuyển cũng tăng và giá tour du lịch cũng sẽ tăng vì vận chuyển chiếm tỷ trọng chi phí lớn trong cơ cấu tour. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp lữ hành sẽ rất đau đầu trong việc xây dựng giá tour, giá tour cao thì khách hàng sẽ quay lưng, còn nếu giá tour thấp thì các công ty phải chịu thiệt.
Ngoài ra, ông Thủy còn cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang có những kế hoạch tích cực trong việc mở cửa du lịch trở lại, việc các công ty lữ hành xây dựng giá tour cao do ảnh hưởng của xăng dầu sẽ khiến chúng ta mất lợi thế điểm đến quốc gia.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần phát triển Golden Smile Travel (TPHCM), cho biết, công ty của ông hiện đang khởi động lại các tour du lịch, và chi phí cấu thành tour cũng tăng từng ngày theo giá xăng. Những tour kích cầu, trợ giá, chi phí tốt, hầu như không còn mặc dù nhu cầu ngày càng tăng.
Theo ông Phương, hiện tại, giá tour của các công ty du lịch biến động tăng từ 15-20% mặc dù các đơn vị này cố gắng giảm lợi nhuận, giữ mặt bằng giá tốt. Không chỉ bất lợi từ giá xe mà các vấn đề ăn uống, tham quan, lưu trú cũng tăng theo xu thế chung. Vì thế, nếu các cơ quan hữu quan không có chính sách kiểm soát giá cả (đặc biệt là giá xăng dầu) hiệu quả, nạn “chặt chém” phát sinh, dẫn đến tình trạng “loạn giá” hay nói cách khác là thả nổi thị trường.
Ông Phương chia sẻ: “Công ty đưa ra chính sách giảm lợi nhuận, bằng mọi cách giữ giá tốt nhất cho khách hàng. Không thể tăng giá bất thường, việc đấy dễ gây mất thiện cảm trong lòng du khách. Việc cố gắng giữ bình ổn giá rất quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp dịch vụ. Điều này thể hiện được sự cố gắng, tâm huyết cũng như uy tín đối với không chỉ đối tác mà cả khách hàng”.
Tình hình xăng dầu ở các nước trên thế giới
Giá xăng dầu hiện cũng đang ảnh hưởng đến rất nhiều các quốc gia trên thế giới. Điển hình là ở vương quốc Anh, rất nhiều hãng hàng không đã đưa ra lời khuyên với người dân Xứ sở sương mù nên đặt vé sớm khi các quy định phòng Covid-19 được nới lỏng và nhu cầu đi lại tăng lên.
Theo phân tích của các chuyên gia, lượng đặt chỗ tới các địa điểm du lịch ấm áp trong mùa đông như Dubai (UAE), Mỹ và Thái Lan của du khách châu Âu hiện nay là rất lớn. Nhu cầu cho các chuyến bay trong lễ Phục Sinh và mùa hè 2022 cũng tăng đáng kể.
Chia sẻ với BBC, lãnh đạo Hãng hàng không Air France (Pháp) nhận định, chi phí đi lại bằng đường hàng không sẽ tăng trong năm 2022 trong bối cảnh các hãng hàng không đang đối mặt với chi phí tăng cao. Ông này cho biết, Air France đang đối mặt khó khăn khi giá nhiên liệu và sân bay cao hơn đang kể. Do đó, chi phí đi lại bằng đường hàng không tăng lên là điều không thể tránh khỏi.
Ở một số quốc gia thuộc Châu Á, giá xăng, dầu lại không tăng và đang được trợ giá từ chính phủ khá nhiều nhằm kích thích, phát triển lại du lịch. Ví dụ như ở Thái Lan, những cây xăng dầu thường xuyên khuyến mãi và đa dạng hóa dịch vụ nhằm tăng cường du lịch nội địa.
Giá tour quốc tế tăng không phải do giá xăng, dầu tăng hay lạm phát mà phát sinh từ Bảo hiểm du lịch, Chính sách an toàn, những khoản test Covid-19 theo quy định chính phủ. Thế nên, khi mở cửa toàn diện, giá tour quốc tế sẽ giảm mạnh, còn tour nội địa nếu không khéo léo sẽ gặp phản ứng ngược gây mất thiện cảm trong mắt du khách.
Nhiều du khách sẽ cảm thấy, khi dịch bùng phát, du lịch ế ẩm, thì các doanh nghiệp ve vãn, giảm giá để hút khách. Khi du lịch trở lại lại thì giá tour tăng, chặt chém khách hàng. Trong khi đó, thực tế là các doanh nghiệp lữ hành rơi vào tình cảnh “lực bất, tòng tâm”.
Giá xăng tăng cao là thách thức đối với các doanh nghiệp du lịch trong giai đoạn nước rút để phục hồi sau đại dịch. Trải qua 2 năm vật lộn với đại dịch Covid-19, hệ thống nhà xe, bến bãi, vận chuyển… bị ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng. Những tưởng giá xăng dầu sẽ bình ổn, nhưng do tình hình chính trị thế giới có nhiều bất ổn, giá xăng, dầu tăng cao và hơn ai hết, du lịch là một trong những ngành phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Đinh Nam