(SGTT) - Theo Bộ Tài chính, giá vé máy bay tăng nhưng các công ty kinh doanh dịch vụ hàng không vẫn lỗ. Hiện các hãng bay còn gặp những thách thức do đứt gãy chuỗi cung ứng, nguồn nhân lực từ thời điểm diễn ra dịch Covid-19 khiến động cơ, phụ tùng, cơ sở bảo dưỡng máy bay bị thiếu hụt.
Trong phiên chất vấn về lĩnh vực tài chính của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 18-3 vừa qua, đại biểu từ tỉnh Long An đặt câu hỏi về việc đưa ra giải pháp để người dân thuận tiện hơn trong việc đi lại cũng như kích cầu ngành du lịch Việt Nam trong bối cảnh giá vé máy bay thời gian qua tăng cao, TTXVN đưa tin.
Trả lời đại biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, trên thực tế, giá vé máy bay tăng nhưng các công ty vẫn lỗ. Chẳng hạn, Vietnam Airlines lỗ đến 37.000 tỉ đồng, năm nào lãi nhất cũng chỉ được 3.000 tỉ đồng. Ngoài ra, Bamboo đã cắt giảm nhiều đường bay, còn Vietjet cũng đang gặp khó khăn.
TTXVN dẫn thông tin từ đại diện một số hãng hàng không, các hãng bay còn gặp những thách thức do đứt gãy chuỗi cung ứng, nguồn nhân lực từ khi diễn ra dịch Covid-19 khiến động cơ, phụ tùng, cơ sở bảo dưỡng máy bay bị thiếu hụt.
Liên quan đến cơ sở pháp lý, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng Luật Giá của Việt Nam vẫn quy định giá trần đối với vé máy bay. Khung trần do Bộ Giao thông vận tải quy định. Do vậy, giá vé máy bay đang được các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bay áp dụng đúng quy định.
Trong những năm gần đây, đặc biệt là thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các chuyến bay ngưng trệ, kéo theo lượng khách nội địa và nước ngoài đều giảm mạnh. Để giảm chi phí đầu vào, tái cơ cấu hệ thống dịch vụ bay thì vấn đề quản trị và hạ giá thành đang được doanh nghiệp quan tâm. Đơn cử như ở Vietnam Airlines, Bộ Tài chính cũng đã có các yêu cầu nhằm tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng, đảm bảo được hiệu quả kinh doanh.
Theo Thông tư có hiệu lực từ 1-3 của Bộ Giao thông vận tải, khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản, các đường bay có khoảng cách dưới 500 km có mức giá trần là 1,6 triệu đồng/vé/chiều với đường bay phát triển kinh tế – xã hội và 1,7 triệu đồng/vé/chiều với các đường bay khác. Các nhóm đường bay còn lại có mức tăng giá từ 50.000-250.000 đồng/vé/chiều so với quy định cũ, phụ thuộc vào độ dài từng đường bay.