Trung Chánh -
Thời gian gần đây, giá dừa đã cải thiện đáng kể, nông dân bắt đầu chú ý đến việc chăm sóc cây dừa nhiều hơn. Trong khi đó, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh đầu tư dây chuyền sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường.
Giá tăng
Nông đang chuẩn bị sản phẩm cung cấp cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.
Cách đây 3-4 năm, mỗi chục dừa khô (12 trái) có giá trên dưới 20.000 đồng, thậm chí có thời điểm chỉ còn 12.000-14.000 đồng/chục. Lúc bấy giờ, sự phát triển của loại cây này hầu như được nông dân phó mặc hoàn toàn cho tự nhiên. Thế nhưng, mấy năm gần đây, giá dừa khô liên tục tăng, có lúc đạt 40.000-50.000 đồng/chục, thậm chí lên đến 120.000-140.000 đồng/chục. Nông dân bắt đầu chú ý đến việc chăm sóc cây dừa nhiều hơn.
Theo báo cáo của Hiệp hội Dừa Bến Tre (BTCA), giá dừa khô, (loại được doanh nghiệp sử dụng chế biến thành các sản phẩm như bột sữa dừa, cơm dừa nạo sấy, dầu dừa để xuất khẩu) hiện có giá 70.000-120.000 đồng/chục (tùy khu vực và tùy loại lớn hay nhỏ). Riêng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) mua tại nhà máy có giá cao nhất đối với dừa loại một là 140.000 đồng/chục. Dừa uống nước có giá mua tại vườn là 50.000-55.000 đồng/chục đối với dừa xiêm xanh, 84.000-90.000 đồng/chục đối với dừa dứa, còn các loại dừa uống nước khác có giá 40.000-45.000 đồng/chục.
Theo tìm hiểu của Sài Gòn Tiếp Thị, hiện các nhà máy chế biến xuất khẩu ở Bến Tre thu mua ở mức 24.000 đồng/kg đối với cơm dừa nạo sấy. Riêng đối với hai đơn vị là Betrimex và Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới mua cơm dừa khô trắng (loại một – tại nhà máy) với giá 28.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá bán bình quân ở một số thị trường nhập khẩu trong tháng 9 vừa qua vẫn ổn định so với tháng trước. Hiện cơm dừa nạo sấy có giá 1.784-3.425 đô la Mỹ/tấn, bột sữa dừa là 4.985-7.590 đô la Mỹ/tấn (tùy thị trường). Đặc biệt, các sản phẩm phụ từ cây dừa trước đây được xem là “đồ bỏ”, hiện cũng được các doanh nghiệp tận dụng để xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị của cây dừa như than hoạt tính (giá bình quân 1.419-1.609 đô la Mỹ/tấn), chỉ sơ dừa (205-207 đô la Mỹ/tấn), lưới sơ dừa (0,437 đô la Mỹ/m2), mụn dừa (142-231 đô la Mỹ/tấn). Ngoài ra còn nhiều sản phẩm khác như thảm sơ dừa, gối xơ dừa, dây dừa…
Ông Phạm Văn Bảy, một nông dân trồng dừa ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, cho biết bên cạnh bưởi da xanh, dừa là loại cây trồng đã được nông dân chú ý phát triển mạnh trong những năm gần đây. “Không chỉ mở rộng diện tích sản xuất, nông dân không còn phó mặc vườn dừa cho tự nhiên, thay vào đó đã chăm sóc, bón phân thường xuyên hơn”, ông Bảy cho biết. Hiện tỉnh Bến Tre có khoảng 68.000 ha dừa.
Một số nông dân cho biết nếu như trước đây một cây dừa đem lại cho họ một đồng lợi nhuận, thì hiện nay con số này đã tăng lên 3-4 đồng. Ngoài yếu tố giá bán ở mức cao, việc tận dụng sử dụng các sản phẩm sau trái dừa như vỏ dừa, gáo dừa, chỉ sơ dừa… góp phần vào mức lợi nhuận đó.
Đổi mới công nghệ
Ông Nguyễn Trường Thịnh, Phó giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, cho biết song song với giá trị ngành dừa được nâng cao, mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực ngày càng gay gắt hơn trong bối cảnh điều kiện thời tiết khó khăn, nguồn cung bị hạn chế. “Trong tình hình cạnh tranh giữa các doanh nghiệp như vậy, quá trình chế biến mình phải tạo ra những sản phẩm giá trị gia tăng cao để tối đa lợi nhuận”, ông Thịnh cho biết. Khi thế giới mở cửa, hàng rào kỹ thuật sẽ ngày càng khắt khe hơn, nên sản phẩm xuất khẩu sang các nước phải được nâng lên để đáp ứng.
Tuy nhiên, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, cho rằng không thể gọi những quy định của thị trường nhập khẩu là hàng rào kỹ thuật, bởi những quy định mà doanh nghiệp Việt Nam bị áp dụng cũng đồng thời quy định cho cả doanh nghiệp trong nước của họ. Việc doanh nghiệp chủ động đầu tư vào khoa học kỹ thuật, dây chuyền sản xuất để cho ra sản phẩm có giá trị cao hơn, đáp ứng yêu cầu mới của thị trường là điều rất tốt.
Đại diện Công ty Dừa Lương Quới cho biết đã bắt đầu đổi mới công nghệ từ năm 2011. Sau khoảng năm năm, từ chỗ doanh số xuất khẩu 3 triệu đô la Mỹ/năm nay đã tăng lên 30 triệu đô la Mỹ/năm. Theo ông Thịnh, thời gian qua, dừa Lương Quới có phát triển thêm dây chuyền công nghệ sản xuất sản phẩm nước dừa đóng hộp xuất khẩu vào châu Âu, Mỹ. “Hiện nay chúng tôi chuyển sang công nghệ đóng hộp giấy, thay vì đóng lon. Bởi nước dừa đóng lon chỉ giữ được khoảng 70% chất lượng so với sản phẩm tự nhiên, còn nếu đóng trong hợp giấy có thể giữ 95% chất lượng”, ông Thịnh cho biết.
Tháng 7 vừa qua, Betrimex cũng đầu tư nhà máy sản xuất nước dừa đóng hộp với kỳ vọng sẽ gia tăng doanh thu và lợi nhuận từ cây dừa. Hiện công suất của nhà máy có thể đạt 8.000 lít/giờ với các sản phẩm nước dừa đóng hộp nguyên chất mang thương hiệu Cocoxim cho thị trường nội địa và xuất khẩu.