Trung Chánh
Vụ lúa đông xuân 2014-2015 tại ĐBSCL dù mới bắt đầu thu hoạch nhưng giá đã liên tục lao dốc. Theo một số người trong cuộc, nhu cầu tăng mạnh trở lại từ Philippines, thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam, vẫn chưa đủ để ngăn đà suy giảm của giá lúa, gạo trên thị trường nội địa.
Mất giá ngay đầu vụ
Thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy tính đến cuối tháng 1-2015, ĐBSCL chỉ mới thu hoạch được 125.000 ha trong tổng số 1,6 triệu héc ta lúa đông xuân đã xuống giống, tập trung nhiều ở An Giang, Đồng Tháp, Long An... Tuy vậy, giá lúa gạo đã liên tục giảm mạnh trong những ngày gần đây.
Bà Ngô Ngọc Yến, Giám đốc doanh nghiệp gạo Yến Ngọc (TPHCM), cho biết hiện lúa IR 50404 tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp tại Đồng Tháp, Long An được thương lái mua tại ruộng chỉ còn 3.900-4.100 đồng/kg, giảm 300-500 đồng/kg so với cách đây hơn nửa tháng và giảm đến 1.200-1.300 đồng/kg so với tháng 7 năm ngoái.
Giá gạo nguyên liệu tại Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ cũng sụt giảm mạnh. Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu đang mua tại kho chỉ khoảng 6.100-6.300 đồng/kg đối với gạo của giống IR 50404, dùng chế biến thành gạo 5% và 15% tấm.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu cho biết nguyên nhân khiến giá lúa gạo sụt giảm là do vụ đông xuân 2014-2015 chuẩn bị thu hoạch rộ, sản lượng tăng mạnh; thiếu vắng những hợp đồng tập trung từ năm 2014 chuyển sang; Thái Lan đang xả kho gạo khổng lồ với giá thấp và nhu cầu gạo tiểu ngạch xuất sang Trung Quốc bị ngưng trệ.
Tuy nhiên, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát, cho rằng nếu so với giá thành vừa được Bộ Tài chính công bố (bình quân khoảng hơn 3.500 đồng/kg đối với lúa khô – PV) thì hiện nay giá lúa ở ĐBSCL vẫn không phải là thấp, đảm bảo cho nông dân có lãi 30% theo chủ trương của Chính phủ. “Với mức giá 4.000 đồng/kg đối với lúa IR 50404 tươi so với giá thành bình quân được Bộ Tài chính công bố thì giá lúa hiện tại vẫn cao”, ông nói.
[box type="bio"] Theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong 20 ngày đầu tháng 1-2015, xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp hội viên VFA đạt gần 66.000 tấn, trị giá FOB gần 31 triệu đô la Mỹ.[/box]
Khó phục hồi trong ngắn hạn
Mới đây, trang thông tin chuyên nghiên cứu và phân tích thị trường lúa gạo thế giới (Oryza.com) cho biết Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA) đang lên kế hoạch mua 500.000 tấn gạo, nhận giao hàng từ tháng 5-2015 nhằm gia tăng nguồn dự trữ trong mùa giáp hạt (tháng 6 đến tháng 8-2015). Việc nhập khẩu này dự kiến chia thành ba lô hàng, gồm hai lô 200.000 tấn và một lô 100.000 tấn theo thỏa thuận liên chính phủ (G2G).
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Lâm Anh Tuấn xác nhận thông tin Philippines đang có nhu cầu mua gạo là chính xác. Thế nhưng, thông tin này vẫn chưa đủ để giúp thị trường lúa gạo nội địa tăng giá trở lại trong ngắn hạn.
Lý do, theo ông Tuấn, Philippines dự định nhập gạo từ tháng 5-2015 trong khi vụ lúa đông xuân 2014-2015 ở ĐBSCL sẽ thu hoạch rộ trong tháng 2 và tháng 3-2015. Và nếu Việt Nam muốn giành được hợp đồng thì bắt buộc doanh nghiệp phải hạ giá bán vì mặt bằng chung giá thế giới đang ở mức thấp.
Trên thực tế, trong phiên đấu thầu bán ra 1 triệu tấn gạo từ kho dự trữ được tổ chức vào cuối tháng 1-2015, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra mức giá sàn rất thấp, chỉ khoảng 245-307 đô la Mỹ/tấn đối với gạo trắng, trong khi giá thị trường là 399 đô la Mỹ/tấn. Giá sàn của gạo thơm Hom Mali cũng chỉ có 613-644 đô la Mỹ/tấn trong khi giá thị trường là 950-1.012 đô la Mỹ/tấn.
Ngoài ra, theo một số nhà chuyên môn, gạo xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc cũng là yếu tố quyết định diễn biến giá trên thị trường nội địa ở ĐBSCL. Do đó, giá lúa gạo tại ĐBSCL sẽ khó có chuyển biến tích cực hơn trong ngắn hạn.