Bộ Tài chính dự báo giá cả của hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trong ngày 23-1 (mùng 2 Tết Nguyên đán) sẽ không biến động bất thường do nhu cầu mua sắm đầu năm của người dân ít hơn.
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng gần 20%
- Đi xem chợ quê Túy Loan sáng sớm 30 tháng Chạp
TTXVN thông tin ở một số tỉnh thành lớn trên cả nước, nhiều hoạt động vui chơi dự kiến mở cửa sẽ thu hút lượng khách đến tham quan. Do vậy, bảng giá dịch vụ như giữ xe, ăn uống… có khả năng tăng hơn so với ngày thường.
Bộ Tài chính nhận định, giá mặt hàng lương thực, thực phẩm cơ bản giữ ổn định. Còn đối với một số mặt hàng thực phẩm tươi sống như cá, thịt, rau xanh… sẽ tăng giá bán trong những ngày Tết.
Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), giá hàng hóa ở các trung tâm thương mại, siêu thị trong ngày đầu năm không có biến động nhiều do hầu hết các hệ thống tạm ngưng phục vụ khách hàng và người dân cũng chưa có nhu cầu mua sắm.
Ở TPHCM, trung tâm thương mại Aeon Mall, Gigamall vẫn mở cửa phục vụ nhu cầu mua sắm, giải trí của người dân. Thời gian phục vụ từ 10:00 giờ đến 22:00 giờ. Các hệ thống cửa hàng tiện lợi như Bs’Mart, CircleK, FamilyMart… vẫn mở cửa phục vụ cả ngày.
Chợ đầu mối, chợ lẻ và các sạp đều nghỉ Tết, chỉ có một số ít tiểu thương mở cửa bán lấy ngày. Các mặt hàng chủ yếu bày bán trong ngày này là rau củ quả, trái cây.
Tại Cần Thơ, cửa hàng tiện ích như chuỗi cửa hàng tiện lợi Circle, Minimart hoạt động xuyên Tết.
Hầu như các cửa hàng, chợ ở Hà Nội đều đóng cửa ngày mùng 1 Tết. Riêng một số cửa hàng tạp hóa bán giỏ quà tết, bia rượu, bánh kẹo còn mở cửa. Giá thị trường Tết tăng nhẹ trung bình khoảng 10% so với ngày bình thường.
Bộ Tài chính đề nghị các ban, ngành liên quan thường xuyên theo dõi diễn biến cung cầu các mặt hàng thiết yếu, giá cả hàng hóa tại các địa phương; chủ động phương án cân đối lượng hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; đồng thời, theo dõi mặt hàng có giá bán tăng cao đột biến để lên phương án xử lý, bình ổn thị trường.
T.Đào
Theo KTSG Online