Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, ngày 4-9, bệnh viện điều trị cho 2 ca mắc bệnh Whitmore (thường gọi là nhiễm vi khuẩn ăn thịt người). Trước đó cuối tháng 8, tỉnh Đồng Nai cũng ghi nhận một trường hợp nhiễm vi khuẩn Whitmore là bé gái 14 tuổi. Hiện vẫn chưa rõ nguồn lây của ca bệnh này.
- Thời tiết xấu, dịch bệnh làm giảm sản lượng thanh long Bình Thuận
- Tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi: vũ khí chống dịch sởi hiệu quả nhất
- Những điều cần biết về bệnh đậu mùa khỉ khi WHO ‘gióng lên hồi chuông cảnh báo'
Theo đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, các bệnh nhân mắc Whitmore nhập viện trong tình trạng nặng: suy hô hấp phải thở máy, nhiễm trùng huyết, suy đa tạng, viêm-tràn dịch màng phổi, có ổ áp xe ở gan và mô mềm.
Các bệnh nhân: H.N.T, 43 tuổi, trú tại huyện Đà Bắc và B.T.C, 59 tuổi trú tại huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình). Người bệnh được chẩn đoán kịp thời, điều trị tích cực theo phác đồ, hội chẩn nhiều chuyên khoa.
Trước đó, bệnh nhân T bị sốt cao liên tục, đi khám và điều trị thì tình trạng bệnh giảm nhưng không khỏi hẳn. Ngày 28-8, ông trở về nhà và nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình trong tình trạng sốt cao, rét run, suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn-suy đa tạng.
Bệnh nhân nhanh chóng được thở máy, lọc máu liên tục, dùng thuốc vận mạch, sử dụng kháng sinh phổ rộng. Kết quả cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân bị viêm-tràn dịch màng phổi 2 bên, áp xe gan, nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn gây bệnh Whitmore (Burkholderia pseudomalle).
Bệnh nhân thứ 2 là chị C, có tiền sử bị bệnh đái tháo đường. Cách vào viện 1 tuần, người bệnh xuất hiện triệu chứng sốt cao, sưng-nóng-đỏ-đau vùng cổ tay bên phải, ho và khó thở tăng dần.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy hô hấp phải hỗ trợ bằng thở máy không xâm nhập, sốt cao liên tục, rét run, thể trạng nhiễm trùng-nhiễm độc, ho nhiều đờm, có ổ áp xe vùng cổ tay bên phải.
Bệnh nhân nhanh chóng được cấy máu, nội soi phế quản bơm rửa phổi lấy bệnh phẩm làm xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm máu và dịch phế quản cho thấy bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh Whitmore (Burkholderia pseudomalle).
Trước đó cuối tháng 8, tỉnh Đồng Nai cũng ghi nhận một trường hợp nhiễm vi khuẩn Whitmore là bé gái 14 tuổi. Hiện vẫn chưa rõ nguồn lây của ca bệnh này. Vào đầu tháng 8-2024, bệnh nhân có nổi hạch ở vùng cổ. Sau đó, gia đình đưa đi khám, được chẩn đoán viêm hạch và được chỉ định cho thuốc điều trị tại nhà.
Đến ngày 22-8, bệnh nhi không đỡ, bị áp xe phần mềm vùng cổ bên phải nên được nhập viện Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để mổ lấy hạch. Bệnh viện đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM để làm xét nghiệm. Ngày 29-8, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhi dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, là vi khuẩn gây bệnh Whitmore. Sau khi được điều trị bằng kháng sinh, hiện tại, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi cơ bản ổn định.
Người nhà bệnh nhi cho biết, trước khi phát hiện bệnh, bệnh nhi chỉ ở nhà, không đi khỏi địa phương. Hằng ngày bé đi học ở gần nhà, không tiếp xúc với người lạ.
Bệnh Whitmore là một bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Vi khuẩn sống trong đất, nước bị nhiễm khuẩn và xâm nhập vào cơ thể con người chủ yếu qua các vết thương ở da, niêm mạc. Bệnh thường gặp ở các nước trong khu vực Đông Nam Á. Hiện chưa có bằng chứng về việc lây truyền vi khuẩn từ người sang người hoặc từ động vật sang người.
Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán và tỷ lệ tử vong cao ở những trường hợp viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng. Những người có bệnh nền (tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính) có nguy cơ cao mắc bệnh.
Đặc biệt, bệnh rất dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh nhiễm khuẩn khác, dẫn đến chậm trễ trong điều trị. Vi khuẩn gây bệnh Whitmore phải được điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu, quá trình điều trị kéo dài (thường từ 3 đến 6 tháng) mới đảm bảo bệnh không tái phát.
Theo TTXVN, Sức khoẻ và Đời sống