Văn Thánh Miếu là một công trình kiến trúc tiêu biểu còn sót lại từ thời Nguyễn, sau khi quân Pháp chiếm thành Vĩnh Long. Nơi đây được mệnh danh là “Quốc Tử Giám phương Nam”, lưu giữ nhiều dấu ấn về tinh thần hiếu học của cha ông ta thời xưa.
Theo Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Vĩnh Long, ở Nam Bộ chỉ có ba Văn miếu được xây dựng: ở Biên Hòa (1715), Gia Định (1824) và Vĩnh Long (1866). Ảnh: Ngọc Khuyến
So với các Văn miếu khác ở Nam Bộ thì Văn miếu ở Vĩnh Long xây dựng muộn nhất và là công trình duy nhất còn tồn tại cho đến hôm nay. Hiện, Văn Thánh Miếu tọa lạc tại đường Trần Phú, phường 4, thành phố Vĩnh Long. Ảnh: Ngọc Khuyến
Phía trước là Cổng tam quan và hai cổng phụ được xây dựng theo lối cổ lầu, có ba tầng mái. Trên đỉnh nóc có trang trí lưỡng long chầu nhật bằng gốm màu xanh, mái lợp ngói. Hai bên cột có liễn đối bằng chữ Hán đắp nổi mang ý nghĩa đề cao đức Khổng Phu tử và Nho giáo. Ảnh: Trúc Nhã
Trải qua hơn 150 năm với nhiều biến cố của lịch sử, tuy đã được tu bổ nhiều lần nhưng ngôi miếu vẫn gần như không đánh mất nét kiến trúc cổ. Ảnh: Trúc Nhã
Hai hàng cây cao thẳng tắp tạo cho khuôn viên vườn cảnh và khu di tích một bề sâu và không gian xanh mát, uy nghiêm. Con đường nhỏ dưới hai hàng cây dẫn tới Khổng Thánh Miếu - đền thờ Đức Khổng Tử. Ảnh: Ngọc Khuyến
Trên con đường đó, giữa hoa lá đan xen, khách có thể chiêm ngưỡng ba tấm bia đá đã phôi pha với thời gian. Ảnh: Ngọc Khuyến
Văn Xương Các là một công trình văn hóa đặc sắc, được xây dựng theo kiểu "trùng thiềm điệp ốc" (công trình ghép từ hai tòa nhà theo lối nối mái) làm nên diện mạo riêng của Văn Thánh Miếu. Ảnh: Ngọc Khuyến
Với những giá trị văn hóa truyền thống còn lưu giữ được, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích văn hóa cấp quốc gia vào năm 1991. Ảnh: Ngọc Khuyến
Đăng Huy tổng hợp
Theo TTXTDL Vĩnh Long, Báo Điện tử ĐCSVN