(SGTT) - Nếu có dịp đến thành phố Móng Cái, Quảng Ninh, du khách đừng bỏ lỡ chuyến thăm đến phường Trà Cổ. Nơi đây có đình Trà Cổ, ngôi đình gần 600 năm tuổi, cũng chính là nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Nguyễn Cường viết nên ca khúc Mái đình làng biển.
- Lễ hội Đình làng Hải Châu, nét đẹp văn hóa giữa lòng phố biển Đà Nẵng
- Thong dong dạo chơi làng sinh thái Thái Lai, nơi có đình làng cổ niên đại 300 năm
- Dưới mái đình xưa
Di chuyển đến đình Trà Cổ
Đình Trà Cổ cách trung tâm thành phố Móng Cái khoảng 8km. Đi thẳng đường Trần Nhân Tông, đến ngã ba có biểu tượng du lịch Trà Cổ - Bình Ngọc lại tiếp tục đi thẳng, lúc này tên đường đổi thành đường Tràng Vĩ. Đi thêm khoảng 1km, đường Tràng Vĩ sẽ có một góc cua. Từ đây đi thêm khoảng 200m, rẽ trái ở ngã tư đầu tiên rồi đi 100m là đến đình Trà Cổ, cũng nằm bên tay trái.
Truyền thuyết về đình Trà Cổ
Đình Trà Cổ được xây dựng vào năm Quang Thuận thứ 2 – năm 1461, dưới thời vua Lê Thánh Tông (là vị vua trị vì lâu nhất thời Hậu Lê – giai đoạn Lê Sơ). Đình gắn liền với truyền thuyết “Người Trà Cổ, tổ Đồ Sơn”, nghĩa là người dân sinh sống tại đất Trà Cổ ngày nay có nguồn gốc từ Đồ Sơn, Hải Phòng.
Chuyện xưa kể rằng, những ngư dân đất Đồ Sơn (Hải Phòng) trong một lần di cư tránh bão đã ghé vào đây, từ đó bắt đầu khai hoang, lập nghiệp, biến Trà Cổ thành một vùng đất trù phú. Vì thế, đình thờ 6 vị Thành hoàng đã có công gầy dựng đất Trà Cổ xưa. Đình cũng thờ Quận He Nguyễn Hữu Cầu – vị thủ lĩnh kiệt xuất của phong trào khởi nghĩa nông dân ở Đàng Ngoài giữa thế kỷ 18, dưới thời vua Lê – chúa Trịnh.
Mái đình làng biển
Sau nhiều lần trùng tu, đình Trà Cổ vẫn giữ lại nét đặc trưng của kiến trúc đình làng Bắc Bộ. Đình dài 29,8m, rộng 18,5m, mặt quay về phía Nam, thiết kể kiểu chữ “đinh”. Tiền đường gồm 5 gian 2 chái bái đường và hậu cung 3 gian. Mái đình lợp ngói đỏ dạng vẩy cá, nhiều chỗ đã nhuốm màu rêu phong, làm cho khung cảnh thêm phần cổ xưa. Phía trên bờ nóc đắp lưỡng long chầu nhật, thân mình khảm sứ xanh, từng đường nét điêu khắc tỉ mỉ.
Các họa tiết rồng, phượng, mây, lửa được chạm trổ một cách uyển chuyển, mềm mại trên các đầu bẩy, đầu đao. Điểm đặc biệt là đình Trà Cổ, cùng với đình Bảng (Bắc Ninh) là 2 đình cuối cùng ở nước ta vẫn còn bộ ván sàn gỗ. Năm 1974, đình Trà Cổ được công nhận là di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp quốc gia và là di tích đầu tiên của thành phố Móng Cái được xếp hạng.
Không chỉ về kiến trúc, ngôi đình này còn là một thiết chế văn hóa tín ngưỡng, trung tâm văn hóa, nơi tập hợp các sinh hoạt cộng đồng của cả làng. Lễ hội truyền thống của đình cũng vì thế mà gắn liền với tập tục của bà con nơi đây. Lễ hội đình Trà Cổ diễn ra từ 30-5 đến 3-6 Âm lịch hằng năm với nhiều hoạt động đặc sắc, mang đậm dấu ấn của vùng biển.
Cụ thể, nghi thức rước thần trên biển, hội thi Ông Voi (là cuộc thi giữa 12 con heo của 12 ông cai đám được chăm sóc cẩn thận) là những nét đặc trưng văn hóa mà du khách không nên bỏ qua khi tham gia lễ hội. Với giá trị đó, năm 2019, lễ hội đình Trà Cổ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Qua hơn 560 năm tồn tại, đình Trà Cổ vẫn lặng lẽ đứng ở một góc trời biên cương. Đây cũng là công trình tín ngưỡng được xây dựng quy mô (tại thời điểm thế kỷ 15) nơi địa đầu tổ quốc. Vì thế, nếu có dịp về Trà Cổ, du khách đừng quên ghé qua nơi này, bởi ngoài giá trị kiến trúc, lễ hội, đây còn là dấu ấn văn hóa để khẳng định chủ quyền lãnh thổ đất nước.
Việt An