(SGTT) – Trận đấu bóng đá vòng loại World Cup 2022 giữa Việt Nam và UAE đang diễn ra, trong lúc hàng triệu người dân thành phố đang chăm chú nhìn màn hình xem trận đấu thì các nhân viên Trung tâm Y tế quận 5 nhận được tin có ca nghi nghiễm dương tính với Covid-19 trên địa bàn. Vậy là họ lại tức tốc đến hiện trường dù là giữa khuya, và đó là công việc rất thường ngày của những người tuyến đầu chống dịch.
- Kinh tế Sài Gòn phát động chương trình ‘Nối vòng tay lớn – Đồng hành chống dịch’
- Đồng hành cùng những ‘chiến sĩ áo trắng’ nơi tuyến đầu chống dịch
- Doanh nghiệp đồng hành cùng ‘Saigon Times – Nối vòng tay lớn’ trao tặng 8 tấn gạo cho cư dân Ehome Bình Tân
Chiếc xe chở hàng hóa là quà tặng của doanh nghiệp – bạn đọc báo của chúng tôi sáng nay 17-6, lăn bánh đến Khu cách ly kiểm dịch số 314 Trần Phú, phường 8, quận 5. Xe đến cổng, các anh chị bác sĩ Trung tâm Y tế quận 5, cơ quan quản lý khu cách ly tiếp chúng tôi và đó là cơ hội để chúng tôi gặp những người tuyến đầu chống dịch, nhân vật chính trong các câu truyền miệng vui thời dịch bệnh: “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Y tế phường chưa đến giăng dây”.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Quốc Việt, Phó giám đốc Trung tâm y tế quận 5, cho biết hiện trên địa bàn quận, tình hình dịch đang diễn biến phức tạp. Trung tâm y tế quận đã dùng trụ sở của Công ty môi trường đô thị quận, nơi chúng tôi đang đứng ở cổng nói chuyện, làm khu cách ly. Khu này có chừng 40 giường nhưng đang bị quá tải và trung tâm đang lấy một trường tiểu học gần đó để mở thêm một khu cách ly.
Hiện đội ngũ y bác sĩ ở các trạm y tế phường và văn phòng trung tâm, tức đội ngũ “y tế phường đến giăng dây” của quận chừng 300 người đang căng mình ra kiểm soát bệnh tật. Không chỉ lực lượng y tế phải túc trực, anh công an phường đang trực ở khu cách ly cũng cho biết, lực lượng công an phường của anh ứng trực 100% nhiều ngày qua, chưa ai biết về thăm nhà là gì.
Mà đâu chỉ y tế, công an, lực lượng bảo vệ khu phố ở các phường thuộc thành phần phối hợp cùng y tế mà theo bác sĩ Việt, nhiều ngày qua họ chịu rất nhiều vất vả.
Đang nói chuyện với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng khoa kiểm soát bệnh tật của trung tâm chỉ cho tôi những người mặc đồ bảo hộ kín mít đang lấy mẫu, cho biết họ là người trực tiếp lấy mẫu nên ăn mặc như vậy, còn anh em đang phụ chúng tôi bê hàng trên xe xuống, ăn mặc rất đơn giản, thậm chí quần ngắn, nhìn không ai nghĩ là bác sĩ.
“Họ là bác sĩ cả đấy nhưng làm nghề chống dịch mấy ngày này tiếp xúc quá nhiều chất khử khuẩn cloramin B phun xịt hàng ngày thấm vào quần áo là hư nhanh lắm. Ăn mặc đơn giản rồi tắm rửa sẽ tiện hơn mặc đồ nghiêm túc, bởi không quần áo nào chịu nổi chất này nếu tiếp xúc hàng ngày”, bác sĩ Sơn giải thích.
Trong lúc chúng tôi đứng ở cổng nói chuyện thì nhân viên trung tâm, người thì gọi tên người dân đứng lề đường vào lấy mẫu, người thì lo phun xịt khử khuẩn, người thì phụ chúng tôi khuân vác. Gần đó, một chiếc xe tải đang trờ tới, thì ra xe chở giường để trung tâm nâng công suất giường khu cách ly thêm 60-70 giường.
Là người chống dịch hơn 30 năm trong nghề, bác sĩ Sơn kể nghề này rất khổ, rủi ro rất cao. Những ngày này số ca nghi nghiễm, nhiễm đã được xác nhận ngày một nhiều thì càng vất vả. Lấy mẫu gửi đi xét nghiệm, tầm soát ở 3 nơi là Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM, Bệnh viện Nhi đồng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, nếu dương tính chỉ được xem là nghi nhiễm. Sau đó mẫu nghi nhiễm gửi đến Viện Pasteur TPHCM “chạy” để xác nhận lại. Nhưng chỉ cần nhận thông tin có ca nghi nhiễm là người trung tâm bắt đầu chạy đôn chạy đáo đi khoanh vùng mà bà con mình hay có câu “y tế phường đến để giăng dây”.
"Trên báo xuống ban ngày thì đỡ khổ nhưng báo ca nhiễm 11-12 giờ đêm thì anh em trực khỏi ngủ cả đêm", bác sĩ Sơn nói.
Ở quận 5 mới vài hôm trước, qua tầm soát phát hiện một ca dương tính ở nơi khác đang làm việc văn phòng tại một công ty, vậy là lo khoanh vùng chống dịch, phát hiện 19/20 người văn phòng này dương tính, rồi lại phải lo tầm soát văn phòng công ty bên cạnh. Cứ một người nghi nhiễm, dương tính Covid-19 thì người trong nhà cộng với hai nhà hai bên và nhà đối diện thuộc diện F1, các nhà khác phong tỏa theo quy định.
Đang nói chuyện với tôi thì một nữ bác sĩ trao đổi với bác sĩ Sơn, dường như có một ca nghi nhiễm trên địa bàn thành phố là nhân viên giao nhận mà điểm đến của nhân viên này trong mấy ngày qua tới 20 cơ quan đơn vị. Vậy là họ phải cuống cuồng xem trong danh sách quận mình có nơi nào nhân viên giao nhận đó tiếp xúc hay không.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Sơn, anh em trong lực lượng phòng chống dịch của trung tâm đều đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 nhưng ông cho rằng, dù đã tiêm thì vẫn phải tuân thủ 5K trong phòng dịch. “Vắc-xin không phải là thuốc tiên mà nó chỉ có khả năng bảo vệ 70-80%, nên nếu không tuân thủ 5K thì y bác sĩ được tiêm trong quá trình chống dịch vẫn có thể bị lây nhiễm dù không gây bệnh nhưng có khả năng trở thành “vật trung gian” lây nhiễm cho người khác. Nếu gặp trường hợp nằm trong nhóm người vắc-xin không đáp ứng thì có khả năng lây bệnh cho người khác và chính mình bị nhiễm bệnh”.
Sáng ngày 17-6, trong khuôn khổ chương trình Saigon Times - Nối vòng tay lớn - Đồng hành chống dịch, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tiếp tục trao tặng vật phẩm, nhu yếu phẩm cho đội ngũ y bác sĩ đang công tác tại Trung tâm Y tế quận 5.
Thông tin tiếp nhận hỗ trợ:
- TẠP CHÍ KINH TẾ SÀI GÒN
- STK: 1007 1485 1003318
- Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) - Chi nhánh Hoà Bình - TPHCM
- Nội dung chuyển khoản:Họ tên_UnghoSaigon Times-NVTL-Donghanhchongdich
Quý doanh nghiệp, bạn đọc có nhu cầu ủng hộ hiện vật vui lòng liên hệ chị Huỳnh Hương (0913118711) hoặc anh Huy Hân (0902696617).