(SGTT) - Phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh ở “vựa lúa” của cả nước đồng nghĩa Việt Nam chọn hướng đi “gạo xanh – sống lành”. Đây là xu thế tiêu dùng tất yếu đang và sẽ tiếp tục được các quốc gia nhập khẩu thiết lập, nhất là khi “rào cản” thuế được dỡ bỏ theo các hiệp định thương mại tự do (FTA).
- Làm nông thời kinh tế xanh: Trồng lúa bán tín chỉ khí… carbon
- Nhà sản xuất thực phẩm chuyển sang sử dụng ‘phân bón xanh’ để giảm dấu ấn carbon
Nhìn tổng thể các thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam ở thời điểm hiện nay có thể xu hướng “gạo xanh- sống lành” chưa được thể hiện một cách rõ nét. Thế nhưng, đã có những thị trường nhất định thiết lập “rào chắn” về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, tạo ra những tác động tiêu cực đến hiệu quả xuất khẩu gạo của Việt Nam vào những thị trường này…
Xuất khẩu bị tác động tiêu cực bởi “rào chắn” chất lượng
Tại hội thảo “thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới” (sự kiện được tổ chức trong khuôn khổ festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023 – PV) được tổ chức ở tỉnh Hậu Giang vào tuần rồi, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, 11 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo cả nước đạt khoảng 7,75 triệu tấn, với trị giá hơn 4,4 tỉ đô la Mỹ. “Đây là kết quả xuất khẩu cao nhất kể từ khi ngành lúa gạo Việt Nam tham gia thị trường xuất khẩu”, ông nhấn mạnh.
Ông Lê Thanh Hoà, Phó cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, từ năm 2018 đến nay, Việt Nam luôn duy trì là 1 trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. “Riêng năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ đạt 8 triệu tấn, thu về xấp xỉ 5 tỉ đô la Mỹ”, ông dự báo và cho biết, những thị trường nhập khẩu gạo chính của Việt Nam hiện nay, bao gồm Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Bờ Biển Ngà, Malaysia, Singapore…
Tổng thể xuất khẩu gạo Việt Nam đạt kết quả ấn tượng, nhưng theo ông Hoà, có một số thị trường gần đây đã tăng cường quản lý sản phẩm nhập khẩu theo chuẩn mực mới, thậm chí ưu tiên tiêu chí xanh đối với sản phẩm nhập khẩu, cho nên, việc “chinh phục” những thị trường này gặp không ít khó khăn.
Cụ thể, vốn là thị trường xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam, nhưng sau khi Trung Quốc thay đổi chính sách quản lý về thực phẩm đối với lúa gạo, tức doanh nghiệp phải đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong nhà máy chế biến cũng như quy trình giám sát mới đủ điều kiện xuất khẩu vào quốc gia này, đã khiến xuất khẩu vào quốc gia này sụt giảm mạnh so với trước đây. “Trung Quốc cấp cho Việt Nam lượng hạn ngạch 2,5 triệu tấn, nhưng con số tận dụng nhỏ hơn rất nhiều”, ông Hoà dẫn chứng.
Một điển hình đáng chú ý khác, theo ông Hoà, Hàn Quốc cấp cho Việt Nam một lượng hạn ngạch khoảng 170.000 tấn/năm, nhưng sau đó bị thu hẹp lại chỉ còn 70.000 tấn/năm do nguồn cung từ Việt Nam bị “khủng hoảng” về chất lượng cũng như một số vấn đề khác có liên quan. “Đây là những vấn đề phải rất cận thẩn, cần xem xét lại về chất lượng sản phẩm”, ông nói.
Cũng theo ông Hoà, xu thế tiêu dùng trên thế giới đang có những chuyển biến mới, thậm chí yếu tố xanh, tức việc sản xuất phải bền vững về môi trường đang và sẽ là ưu tiên trong nhập khẩu của các nước. “Đây cũng là những yếu tố mà các FTA đặt ra”, ông nói và cho rằng, nếu Việt Nam không chủ động tuân thủ, thì tương lai sẽ rất khó khăn, nhất là khi Việt Nam đã ký 17 FTA, trong đó, 16 FTA đang thực hiện và tương lai có thêm nhiều FTA khác sẽ được ký kết…
Hoá giải bằng chiến lược “gạo xanh – sống lành”
Từ những vấn đề đặt ra, việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có tầm nhìn “gạo xanh- sống lành” trong đề án phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có thể khẳng định là hướng đi phù hợp với đòi hỏi mới của thị trường. “Hy vọng trong thời gian tới, với sự tái cơ cấu lại ngành hàng lúa gạo sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn”, ông Hoà nói.
Nói rõ hơn về vấn đề nêu trên, theo ông Hoà, sau khi Chính phủ phê duyệt đề án gạo chất lượng cao, phát thải thấp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang cụ thể hoá trên đồng ruộng khi phát động triển khai đề án nêu trên. “Tất cả các bên liên quan đều tập trung vào chất lượng thay vì số lượng xuất khẩu; hoàn thiện các tiêu chuẩn về giống, các quy trình canh tác nhằm góp phần tăng chất lượng lúa gạo Việt Nam”, ông cho biết.
Ông V Subramanian, Chuyên gia nghiên cứu thị trường của Công ty Ssresource Media Pte. Ltd của Singapore trao đổi với báo chí bên lề hội thảo nêu trên đánh giá, việc đẩy mạnh phát triển sản xuất lúa gạo bền vững theo hướng xanh, giảm phát thải khí nhà kính cho thấy Việt Nam đang rất năng động để bắt nhịp xu thế tiêu dùng mới cũng như hiện thực hoá cam kết phát triển xanh. “Tôi cho rằng, việc tham gia này (thực hiện đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao- PV) là hướng đi đúng, tức Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc chơi này, bởi vì đây là xu hướng mà toàn cầu đang áp dụng”, ông V Subramanian đánh giá.
Thực tế, theo ông V Subramanian, “điểm sáng” của ngành lúa gạo Việt Nam trong khoảng một thập niên gần đây, đó là dần định hình được các dòng sản phẩm gạo cao cấp, gạo chất lượng cao, giúp mở rộng thị trường xuất khẩu. “Nếu năm 2009, Việt Nam chỉ xuất khẩu khoảng 300.000 tấn gạo thơm, thì hiện nay phân khúc này đã lên đến khoảng 3 triệu tấn”, ông dẫn chứng.
Tại lễ phát động đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao trong khuôn khổ festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam- Hậu Giang 2023, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngành nông nghiệp nói chung và lúa gạo nói riêng đang bị tác động bởi 3 chữ “biến”, đó là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng thế giới.
Theo ông, yêu cầu của thị trường ngày càng cao, quy định của các nước nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt, mà cụ thể là chất lượng gạo phải được nâng cao, phải đảm bảo vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm, tuân thủ trách nhiệm cộng đồng trong bảo vệ môi trường thông qua giảm sử dụng đầu vào có nguồn gốc hóa học, sản xuất giảm phát thải; phải nâng cao thu nhập cho người nông dân trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất.
Mặt khác, vị tư lệnh ngành nông nghiệp cho biết, tại COP 26 (Conference of the Parties, viết tắt của hội nghị các bên tham gia công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 diễn ra vào năm 2021 – PV), Thủ tướng Chính phủ đã ký cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2025. “Như vậy, có thể thấy ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức, khó khăn và yêu cầu phải “chuyển mình””, ông nhấn mạnh.
“Trước những chữ “biến” đó, chúng ta sẽ lựa chọn từ chối, chần chừ, hay chủ động thích ứng?”, ông Hoan đặt câu hỏi và cho biết, chính bối cảnh này, đề án “Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030″ được ban hành.
Theo đó, mục tiêu của đề án nêu trên là hình thành được 1 triệu héc ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Được biết, thời gian qua, một số doanh nghiệp vẫn chần chừ trong “chọn hướng đi bền vững” với lý do điều này sẽ làm tăng chi phí, sản phẩm khó cạnh tranh, nhất là với những doanh nghiệp xuất khẩu gạo với số lượng lên đến hàng trăm nghìn tấn mỗi năm, trong khi thị trường truyền thống chưa yêu cầu quá khắt khe tiêu chuẩn sản phẩm “xanh- lành”.
Tuy nhiên, rõ ràng với xu thế tiêu dùng mới của thị trường như đã nêu ở trên, doanh nghiệp nào không chủ động thích ứng hay nói cách khác chọn “đứng ngoài cuộc chơi”, thì rất có thể sẽ bị “loại khỏi cuộc chơi” trong tương lai không xa…
Trung Chánh