(SGTT) - Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết năm nhà mạng (Viettel, VNPT/VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile, I Telecom) đã phát hiện và ngăn chặn hơn 72 ngàn thuê bao phát tán cuộc gọi rác, đồng thời ngăn chặn hơn 17 triệu cuộc gọi lừa đảo.
- Cảnh báo website lừa đảo bán vé máy bay giả trong mùa Tết
- Nhà mạng hỗ trợ thuê bao 11 số chuyển qua 10 số
Cụ thể, theo số liệu thống kê trên Vietnamplus tính đến hết tháng 11-2020, năm nhà mạng (Viettel, VNPT/VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile, I Telecom) đã phát hiện và ngăn chặn 72.359 thuê bao phát tán cuộc gọi rác, đồng thời ngăn chặn 17.154.622 cuộc gọi lừa đảo.
Riêng trong tháng 11-2020, cả năm nhà mạng đã ngăn chặn 20.235 thuê bao phát tán cuộc gọi rác. Trong đó, Viettel ngăn chặn được 9.975 thuê bao (tương đương 49%), VNPT/VinaPhone chặn 7.562 thuê bao (37%), I Telecom chặn 1.362 thuê bao (37%), MobiFone chặn 1.189 thuê bao (6%), Vietnamobile 147 thuê bao (1%).
Cục Viễn thông cũng đã thực hiện 13 cuộc thanh tra chuyên ngành về viễn thông, Internet, bao gồm: giấy phép viễn thông, giá cước viễn thông, sử dụng đầu số, mã số viễn thông, thông tin thuê bao, ngăn chặn sim rác, chất lượng sản phẩm hàng hóa và kiểm định trạm BTS. Trong đó thanh tra theo kế hoạch là chín cuộc và bốn cuộc thanh tra đột xuất.
Đồng thời, Cục đã ban hành 14 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về chứng nhận, công bố hợp quy, giá cước, thông tin thuê bao, SIM rác, phí sử dụng kho số viễn thông, tổng số tiền xử phạt là 685.400.000 đồng.
Diễn biến phức tạp của cuộc gọi lừa đảo
Trước đó cũng trên Vietnamplus ghi nhận tình hình phức tạp của các cuộc gọi từ đầu số nước ngoài, cuộc gọi mạo danh công an, tòa án, quân đội, ngân hàng, bưu điện thông báo có quà bưu phẩm từ nước ngoài, thông báo nợ cước viễn thông... cũng như các cuộc gọi nháy máy từ các ứng dụng OTT, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Theo đại diện VNPT, các cuộc gọi nhỡ từ các đầu số nước ngoài như: Moldova (+373), Tunisia (+216), Guinea Xích đạo (+240), Burkina Faso (+226) thực chất là các cuộc gọi nháy máy từ thuê bao nước ngoài đến thuê bao VinaPhone, bao gồm cả cuộc gọi nháy máy từ các ứng dụng OTT nhằm mục đích lôi kéo lừa đảo khách hàng gọi lại để phát sinh cước viễn thông ngoài ý muốn.
Một hình thức lừa đảo nữa đó là mạo danh các cơ quan nhằm chiếm đoạt tài sản. Kịch bản quen thuộc của tội phạm đó là gọi điện nhắn tin mạo danh công an, Viện kiểm sát "dọa" nạn nhân liên quan đến vụ án ma túy yêu cầu nạn nhân cung cấp tài khoản, mật khẩu để phục vụ công tác điều tra. Một số trường hợp cuộc gọi, tin nhắn thông báo có quà từ nước ngoài nên yêu cầu người nhận chuyển khoản tiền phí mới nhận được quà.
Theo Cục Viễn thông, tình trạng sim rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi giả mạo đã giảm nhiều nhưng vẫn còn tồn tại. Trong đó, nguyên nhân chính là doanh nghiệp thực thi giải pháp khắc phục chưa triệt để; chế tài chưa đủ sức răn đe. Ngoài ra, một bộ phận người sử dụng nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa của việc sử dụng SIM thuê bao chính danh, cũng như sự cần thiết của việc chặn lọc cuộc gọi rác.
Dung Trần tổng hợp