Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, tính chung 5 tháng của năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 4,6 triệu lượt người, gấp 12,6 lần cùng kỳ năm trước.
- ‘Tháo gỡ’ chính sách thị thực, mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong tầm tay?
- Nhu cầu du lịch nước ngoài của khách Ấn Độ tăng mạnh nhất thế giới
Trong đó, lượng khách đến Việt Nam theo đường hàng không trong 5 tháng qua là chủ yếu, với hơn 4 triệu lượt, gấp 12,6 lần so với cùng kỳ. Tiếp đến là lượng khách nhập cảnh bằng đường bộ, đạt 503.200 lượt, tăng gấp 11,3 lần so với cùng kỳ. Trong khi đó, lượng khách đến bằng đường biển dù chỉ đạt 50.900 lượt nhưng con số này đã gấp 535,5 lần so với cùng kỳ 2022.
Tính theo vùng lãnh thổ, trong 5 tháng qua, lượng khách châu Á tiếp tục dẫn đầu số lượt người đến Việt Nam với hơn 3,4 triệu lượt. Tiếp đến lần lượt là châu Âu (621.00 lượt), châu Mỹ (396.000 lượt), châu Úc (172.100 lượt) và châu Phi (10.500 lượt).
Theo Báo Điện tử Chính phủ, trong năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế, đến nay, cả nước đã đón được gần 4,6 triệu lượt. Như vậy, trong 7 tháng còn lại của năm nay, cả nước hoàn toàn có thể đạt và vượt mục tiêu đã đề ra.
TTXVN đưa tin, thời gian qua, du lịch Việt Nam cũng được nhiều cơ quan báo chí, truyền thông nước ngoài vinh danh, góp phần tăng sức hấp dẫn của điểm đến Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế.
Trong số đó, Cát Bà (Hải Phòng) đứng thứ 2 trong danh sách 10 bãi biển ngoạn mục nhất châu Á vừa được chuyên trang về du lịch của Microsoft đề xuất. Ninh Bình cũng được chuyên trang du lịch nổi tiếng The Travel (Canada) đề xuất là 1 trong 10 điểm đến nghỉ dưỡng dành cho gia đình tuyệt vời nhất thế giới năm 2023.
Chuyên trang du lịch quốc tế nổi tiếng Lonely Planet gọi tên tuyến đường sắt Thống Nhất (đường sắt Bắc Nam) của Việt Nam ở vị trí đầu tiên trong 8 hành trình du lịch bằng tàu ngoạn mục nhất thế giới, khởi hành từ thủ đô Hà Nội và kết thúc tại Thành phố Hồ Chí Minh với quãng đường khoảng 1.730km.
Đặc biệt, trong tháng 5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Nghị quyết đề ra nhiều nhóm giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới theo phương châm "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện"... Trong số này có nhóm giải pháp về phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch.
Đăng Huy tổng hợp
Theo Tổng cục Thống kê, Báo Điện tử Chính phủ, TTXVN