NGUYỄN HUY -
Gameshow truyền hình nở rộ và ngày càng lấn lướt các loại hình giải trí khác tại Việt Nam. Tình hình này dường như ngày càng tăng khi các gameshow mới liên tục xuất hiện. Không ít người làm nghệ thuật lo ngại đến một ngày nào đó gameshow sẽ giết chết tất cả, và giải trí Việt rơi vào tình trạng khủng hoảng vừa thừa lại vừa thiếu.
Trên thực tế thì chỉ ở Hà Nội và Sài Gòn là có các loại hình giải trí thực sự đa dạng, còn rất nhiều tỉnh, thành khác, nhất là các vùng nông thôn xa xôi, cách giải trí phổ biến nhất vẫn là xem ti vi. Các kênh truyền hình lại phục vụ miễn phí và được phủ sóng mọi ngóc ngách. Vì vậy, tất cả các gameshow đều có người xem. Nếu hay thì lượng người xem đông, nếu không hay lượng người xem ít.
Rộng khắp và miễn phí
Ở một đất nước có hơn 90 triệu dân chỉ cần phân nửa, hoặc chỉ cần 10% dân số theo dõi gameshow thì tỷ lệ người xem đã rất “khủng” so với rạp chiếu phim hay nhà hát. Đương nhiên đây là con số khán giả quá lý tưởng để truyền hình bán quảng cáo trước, giữa và sau mỗi giờ phát sóng gameshow. Trên thực tế thì kênh nào phát sóng gameshow đều bán quảng cáo tốt. Kênh càng hấp dẫn bán càng nhiều. Nhờ ăn nên làm ra nên các nhà sản xuất hăng hái tìm mua các gameshow hay, mới, và truyền hình cũng hết mình phát sóng để thu lợi nhuận.
Bên cạnh việc phục vụ đám đông công chúng rộng lớn, yếu tố cốt lõi để gameshow đè bẹp các loại hình giải trí khác trên truyền hình là vì hấp dẫn, đa dạng. Đa số kịch bản (dân trong nghề gọi là format) chương trình là mua lại bản quyền của các gameshow đình đám ở nước ngoài, và đương nhiên sức hấp dẫn này phát huy tác dụng đối với công chúng Việt. Mỗi gameshow có tính chất riêng như ca hát, hài hước, trí tuệ, vận động cơ bắp, khiêu vũ nên khán giả tha hồ lựa chọn.
Hơn nữa, các gameshow nổi tiếng luôn có sự xuất hiện của các ngôi sao nổi tiếng hàng đầu. Không mất tiền mà được xem thần tượng thì còn món quà nào hấp dẫn hơn. Như một quy luật tất yếu, khi các gameshow kiếm được quá nhiều tiền thì họ trả catse (thù lao) cho nghệ sĩ cao. Đây là lý do nghệ sĩ sẵn sàng gác lại lời mời phim ảnh, sân khấu hay sự kiện khác để tham gia gameshow. Vừa được tiền mà hình ảnh được phổ biến thì còn gì lý tưởng hơn đối với những ai làm trong lĩnh vực nghệ thuật? Do đó không có gì ngạc nhiên khi những ngôi sao hàng đầu như Hoài Linh, Trấn Thành, Việt Hương, Trường Giang, Chí Tài, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm… đua nhau xuất hiện trong gameshow.
Ảnh hưởng nhưng không chết
Sự nở rộ của các gameshow truyền hình khiến nhiều người lo xa e ngại rằng rồi đến một ngày tất cả các loại hình giải trí khác sẽ ngưng phục vụ, và khán giả chỉ còn giải trí với mỗi gameshow truyền hình. Nghĩa là quá thừa gameshow nhưng thiếu nhiều môn giải trí thuộc tính nghệ thuật khác. Tấu hài sân khấu vốn rất mạnh nay chết lâm sàng là một ví dụ điển hình. Tuy nhiên, vẫn còn những người làm nghệ thuật nghĩ khác.
Nghệ sĩ ưu tú Công Ninh cho biết: “Riêng ở loại hình sân khấu, đêm nào có gameshow hay là tôi có cảm giác khán giả xem ít hơn bình thường. Có lúc tôi cũng sợ rằng gameshow truyền hình sẽ làm nghèo nàn đi nhu cầu giải trí của công chúng. May thay, điều tôi nghĩ có lẽ đã sai. Bằng chứng là khán giả vẫn dành thời gian đi xem những vở diễn hay, hoặc những bộ phim độc đáo. Nói cách nào đó, nhu cầu của khán giả rất đa dạng chứ không phải ai cũng chú trọng gameshow hơn tất cả”.
Theo nhiều người am hiểu nghệ thuật, làn sóng cạnh tranh của gameshow truyền hình cũng có mặt tích cực của nó. Nghĩa là nó tạo nên một sự nỗ lực cho người làm nghệ thuật. Muốn kéo khán giả rời khỏi chiếc ti vi thì người làm chương trình phải động não tạo ra những nét mới lạ và hấp dẫn. Không ít người đã thành công. Chẳng hạn, trong lĩnh vực sân khấu như Idecaf, Thế Giới Trẻ và Kịch Sài Gòn lúc nào cũng bán hết vé trong các xuất diễn.
Thậm chí, nhiều chương trình ca nhạc tổng hợp ở các tỉnh lẻ vẫn thu hút được lượng người xem đông đảo ngay trong những ngày phát sóng gameshow tên tuổi. Vì rằng khán giả ở nông thôn, ở tỉnh xa, vẫn ước ao được xem thần tượng, nghệ sĩ mình yêu thích bằng xương bằng thịt ngoài sân khấu. Vì thế họ tranh thủ cơ hội tốt nhất để thực hiện ước mơ đó bằng cách mua vé xem ở rạp dã chiến, hoặc rạp hát tạm bợ không chuyên nghiệp kiểu nông thôn. Còn gameshow thì đến hẹn lại lên, không xem đúng giờ thì hôm sau xem lại cũng chẳng sao.
Từ đây, có thể thấy rằng gameshow truyền hình dù đang làm mưa làm gió khiến các loại hình giải trí khác lao đao, nhưng không có nghĩa là sự áp đảo này sẽ giết chết các loại hình giải trí nghệ thuật khác. Bởi vì, khán giả có sự khác nhau về trình độ, gu thẩm mỹ. Họ vẫn xem gameshow nhưng vẫn xem các bộ môn nghệ thuật họ yêu thích nếu như đó là những sự kiện hay và có chất lượng tốt.