(SGTT) - Ban tổ chức Festival nghề truyền thống Huế 2019 vừa công bố các hoạt động chính của chương trình lễ hội diễn ra từ ngày 26-4 đến ngày 2-5 tới. Trong các năm qua, lễ hội được xem là một sân chơi dành cho các nghệ nhân của thành phố miền Trung này.
Qua mỗi kỳ lễ hội, Huế lại dành một khoảng không gian để giới thiệu những nghề truyền thống nổi bật của xứ kinh kỳ và vinh danh những nghệ nhân đã giúp giữ gìn những nghề này và truyền lại cho con cháu mai sau.
Điểm nhấn của những lễ hội đầu tiên
Festival nghề truyền thống Huế lần thứ 1 diễn ra vào năm 2005, và không gian giới thiệu nghề thêu và nghề chằm nón đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với du khách bằng những phối cảnh nên thơ tại ngôi trường Đồng Khánh xưa (nay là trường THPT Hai Bà Trưng) - ngôi trường có truyền thống dạy và học nữ công gia chánh nổi tiếng của Huế 90 năm trước.
Đến lễ hội lần thứ 2 được tổ chức vào năm 2007 với chủ đề “320 năm Phú Xuân Huế, nghề truyền thống - Bản sắc và phát triển”, các nghề đúc đồng, kim hoàn và chạm khắc được giới thiệu và tôn vinh. Tại sự kiện, các nghệ nhân thực hiện việc giới thiệu nghề trong không gian nhà rường Huế và hàng tre xanh của làng quê Việt Nam.
Vào năm 2009, Festival nghề truyền thống Huế là cuộc gặp gỡ, tôn vinh những nghệ nhân của nghề gốm, pháp lam và sơn mài. Khác với các lễ hội nghề truyền thống trước đó, không gian Festival nghề truyền thống Huế 2009 được thiết kế mở rộng, trải dài dọc hai bờ sông Hương.
Không gian tôn vinh nghề và trưng bày giới thiệu ẩm thực - cây kiểng trở thành điểm nhấn của Festival nghề truyền thống Huế lần thứ 4.
Những giá trị đặc sắc của nghề ẩm thực được tôn vinh tại khu vực quảng trường Ngọ Môn trong khi nghề cây kiểng được giới thiệu tại đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu.
Để thu hút khách du lịch
Từ năm 2013 đến nay, sau khi tuyến đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu được đưa và sử dụng, Ban tổ chức Festival nghề truyền thống Huế hằng năm đã chọn địa điểm này để thiết kế không gian tôn vinh các nghệ nhân và làng nghề. “Không gian này được kết nối với công viên Tứ Tượng, công viên 3/2 nhằm thu hút nhiều khách du lịch và người mua sắm hơn”, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế, nói.
Ông cho biết từ nơi tổ chức này, du khách dễ dàng thăm một số điểm xung quanh như Bia Quốc Học, Bảo tàng Văn hóa Huế, Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Lữ Quán…
Một trong những điểm nhấn của Festival nghề truyền thống Huế lần thứ 8 diễn ra trong năm nay là cách bố trí không gian giới thiệu các nghề truyền thống của Việt Nam.
Nhiều không gian được thiết kế, trang trí đẹp, mang tính nghệ thuật như: Không gian tôn vinh nghệ nhân và các làng nghề; không gian sen; không gian lụa và thổ cẩm; không gian áo dài; không gian nghề đông y; không gian lồng đèn, diều, thư pháp; không gian giới thiệu sản phẩm nghề truyền thống của các thành phố từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Các khu không gian này sẽ kết nối với không gian ẩm thực tại công viên Thương Bạc và công viên 3/2. Mỗi không gian là một câu chuyện về nghề, giới thiệu tập trung những sản phẩm thủ công truyền thống mang dấu ấn Việt cũng như sự hội nhập quốc tế.
Có thể nói, trải qua 15 năm và tám lần tổ chức, Festival nghề truyền thống Huế không chỉ là ngày hội dành cho du khách mà còn thể hiện tâm huyết của người Huế trong việc giữ gìn và quảng bá các làng nghề truyền thống của mình.
Nhân Tâm
Chương trình Festival nghề truyền thống Huế 2019Lễ Khai mạc và chương trình nghệ thuật chào mừng Festival nghề truyền thống Huế 2019 từ 20 giờ 30 ngày 26-4 tại sân khấu quảng trường trước trường Quốc Học (trực tiếp VTV).Khai mạc không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tôn vinh nghệ nhân và làng nghề; không gian ẩm thực từ ngày 26-4 đến 2-5 tại công viên Tứ Tượng.Khai mạc không gian trưng bày và thao diễn các sản phẩm nghề thủ công truyền thống của các thành phố quốc tế từ ngày 26-4 đến 2-5 Bảo tàng Văn hóa Huế, số 25 Lê Lợi.Lễ hội Hoa 2019 từ ngày 27-4 đến 2-5 tại đường Phạm Hồng TháiChương trình nghệ thuật đặc sắc của các ca sĩ nổi tiếng đến từ Hàn Quốc 20 giờ ngày 27-4 tại sân khấu quảng trường trước trường Quốc Học.Lễ hội Áo Dài “Áo dài trên con đường di sản” lúc 20 giờ ngày 28-4 tại Cửa Ngọ Môn.Lễ Tế tổ bách nghệ - Lễ rước tôn vinh nghề lúc 16 giờ ngày 29-4 tại công viên Tứ Tượng.Chương trình Nghệ thuật “Giai điệu Tổ quốc” lúc 20 giờ ngày 30-4 tại sân khấu quảng trường trước trường Quốc Học.Lễ vinh danh - Bế mạc Festival nghề truyền thống Huế 2019 từ 20 giờ ngày 1-5 tại sân khấu quảng trường trước trường Quốc Học.Lễ hội ẩm thực từ ngày 26-4 đến 2-5 tại công viên Thương Bạc.Liên hoan “Sắc màu tuổi thơ” từ ngày 25-4 đến 1-5 tại Nhà Thiếu nhi Huế, số 8 Lê Lợi.Triển lãm tranh chân dung “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” từ ngày 25-4 đến 15-5 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, số 7 Lê Lợi.Không gian giới thiệu Đông y Huế từ ngày 25-4 đến 2-5 Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, số 15 Lê Lợi.Âm nhạc đường phố 20 – 22 giờ từ ngày 26-4 đến 28-4 Phố đi bộ Phạm Ngũ Lão - Chu Văn An - Võ Thị Sáu.Lễ hội Diều Huế từ ngày 28-4 đến 1-5 Công viên Phu Văn Lâu & Công viên Lý Tự Trọng.Thi đấu Cờ người từ 15 – 18 giờ vào các ngày 28-4 và 30-4 tại công viên Thương Bạc.Lễ hội Bia từ ngày 26-4 đến 2-5 tại công viên 3/2.Không gian ẩm thực 3 miền Từ ngày 26-4 đến 2-5 Công viên 3/2.Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế Huế: Khai mạc lúc 6 giờ ngày 27-4 và kéo dài đến 29-4 tại sân Hàm Nghi.Triển lãm ảnh nghệ thuật “Tinh hoa nghề Việt”:Khai mạc lúc 8 giờ ngày 25-4 và kéo dài đến 2-5 tại công viên Phan Bội Châu.Trưng bày Tem “Huế - Di sản - Du lịch” từ ngày 26-4 đến 2-5 tại Trung tâm xúc tiến Du lịch tỉnh 4 Hoàng Hoa Thám.Triển lãm về tinh hoa nghề Việt trong cung đình Nguyễn: Khai mạc lúc 9 giờ ngày 5-4, và kéo dài đến 30-5 tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, số 1 Lê Trực - TP Huế.Trưng bày các tác phẩm tranh thêu nghệ thuật từ ngày 26-4 đến 2-5 tại Bảo tàng thêu XQ, số 1 Phạm Hồng Thái.Không gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ kim hoàn Huế từ ngày 26-4 đến 2-5 tại Tịnh Tâm Kim cổ, số 278 Đinh Tiên Hoàng, Huế.