Festival nghề muối Việt Nam sẽ được tổ chức lần đầu tiên ở Bạc Liêu, từ ngày 26 đến 28-12-2024, với tên gọi "Hành trình trăm năm nghề muối - Đời người", nhằm tôn vinh và bảo tồn nghề muối Việt Nam, TTXVN đưa tin.
- 4 điểm du lịch đáng ghé thăm khi đến Bạc Liêu
- Bạc Liêu: Bảo tồn nghệ thuật Đờn ca tài tử gắn với phát triển du lịch
- Khám phá 4 ngôi chùa rực rỡ tại Sóc Trăng và Bạc Liêu
Theo đó, ngoài lễ khai mạc và bế mạc, Festival còn có chương trình khảo sát thực tế cánh đồng muối tỉnh Bạc Liêu và lễ khánh thành dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối Đông Hải, huyện Đông Hải.
Festival nghề muối Việt Nam cũng diễn ra các sự kiện như hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm và triển lãm thương mại các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp, hợp tác xã; hội nghị xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; hội thảo ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất muối, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Tham gia Festival nghề muối Việt Nam, du khách còn có dịp tham quan không gian trưng bày các mô hình, hiện vật, các tiến bộ kỹ thuật sản xuất, chế biến muối; trải nghiệm tour tham quan các điểm du lịch, di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Là một trong những tỉnh có diện tích sản xuất muối lớn của cả nước, với sản lượng hơn 15.000 tấn/năm, Bạc Liêu nổi tiếng với hạt muối có vị mặn riêng biệt. Không trắng trong như hạt muối ở miền Trung, hạt muối Bạc Liêu có màu trắng hồng, mang đậm hương vị đặc trưng của nước biển phù sa.
Bên cạnh giá trị kinh tế, nghề muối ở Bạc Liêu còn hàm chứa giá trị văn hóa đặc biệt. Nơi đây được xem là “thủ phủ muối” của miền Tây Nam bộ. Những câu chuyện xung quanh nghề làm muối và hạt muối Bạc Liêu có giá trị hữu hình và tiềm năng phát triển du lịch. Năm 2020, nghề làm muối ở Bạc Liêu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.