QUỐC ANH -
Tại ĐBSCL, hiện nay nhiều loại trái cây đã có thể được thu hái quanh năm, chẳng hạn thời điểm này trái chôm chôm đang ra vụ nghịch với chất lượng không thua kém trái chôm chôm vụ thuận.
Anh Trần Văn Đạt, người ở thị trấn Phong Điền – Cần Thơ, buôn bán trái cây ven đường dọc quốc lộ Cần Thơ – Hậu Giang, cho biết tại sạp bán trái cây của anh có đủ loại trái bất kể mùa nào, từ quýt, chôm chôm, cho đến thanh long, sầu riêng… Bên cạnh đó cũng có trái cây nhập khẩu như táo và nho của Trung Quốc. Anh nói thêm: “Bây giờ miệt vườn sản xuất trái cây bốn mùa nên trái cây ngoại cũng không còn tiêu thụ mạnh như trước kia”.
Chôm chôm được bày bán ven quốc lộ 1, địa phận quận Cái Răng (Cần Thơ).
Cũng theo anh Đạt, chôm chôm mùa nghịch giá bán trung bình 10.000-12.000 đồng/kg, cao hơn mùa thuận khoảng 5.000-6.000 đồng. Trong khi đó, nông dân bán tại vườn giá 6.500-8.000 đồng/kg, với giá này nông dân vẫn có lời gần gấp hai lần giá bán vào mùa thuận. Có điều, do trái vụ nghịch không còn là chuyện hiếm, đồng thời thị trường giảm nhu cầu nên lợi nhuận không bằng những năm trước.
Trước đây, vào vụ nghịch từ tháng 10 đến tháng 2 Âm lịch, nông dân các vùng trồng chôm chôm ép cây ra hoa, cho trái vụ nghịch và bán được giá cao do chôm chôm ngoài tiêu thụ trong nước còn được xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc. Còn hiện nay, theo ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách (Bến Tre), chỉ riêng huyện này đang có hơn 4.000 ha vườn trồng chôm chôm, hàng năm cung ứng cho thị trường cả vạn tấn chôm chôm. Trong đó, hơn một nửa diện tích vườn chôm chôm của huyện cho ra trái vụ nghịch. Năm nay thị trường Trung Quốc không ăn hàng nên chôm chôm Chợ Lách và các tỉnh trong vùng ĐBSCL như Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Tiền Giang… chủ yếu bán cho thị trường nội địa. Mặc dù vậy nhưng so với mùa thuận thì giá hiện nay cũng còn cao hơn gấp hai lần.
Ông Liêm cho rằng tuy giá chôm chôm vụ nghịch không còn cao gấp ba, bốn lần so với vụ thuận như trước kia, nhưng nói về đáp ứng nhu cầu thị trường thì chôm chôm nói riêng hay các loại cây trái khác được nông dân cho ra hoa và thu hoạch quanh năm đã tạo nguồn cung trái cây dồi dào, đa dạng, có thể thay thế trái cây nhập khẩu. Trái cây nội địa có giá cả không cao, phần lớn được sản xuất sạch, an toàn, chưa kể một số được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap…
Theo ông Nguyễn Văn Liêm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, những tiến bộ kỹ thuật như cho cây ra hoa và thu hoạch trái bốn mùa hiện nay đã được nông dân nắm bắt và thực hiện khá tốt. Trong tương lai, nếu thị trường xuất khẩu nông sản Việt Nam rộng mở thì đây cũng là cơ hội cho vùng ĐBSCL tạo ra được những vùng sản xuất trái cây rộng lớn, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa vừa hướng đến đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều nước hơn nữa.