CHÍNH KỲ -
Màn sương bao phủ dãy núi đột nhiên tan biến, lộ ra làn nước xanh như ngọc lục bảo, những tiếng hò reo nổi lên. Bà Park Jae-hee, 50 tuổi, người Hàn Quốc ở trên đỉnh dãy núi Baekdusan trong tiếng Triều Tiên (núi Trường Bạch trong tiếng Trung Quốc) chờ giây phút này từ lâu. “Tôi cố kìm dòng lệ, chỉ những người Triều Tiên mới hiểu cảm giác của tôi thế nào”, bà Park Jae-hee nói với The New York Times.
Ở độ cao 2.190 m so với mực nước biển, hồ Cheonji (Thiên Trì trong tiếng Trung) rộng 10 km2 vốn là một miệng núi lửa được tạo ra từ hơn 1.000 năm trước qua một đợt phun trào. Giống như hồ Loch Ness ở Scotland, hồ Cheonji sâu 384 m được xem như ngôi nhà của một loài thủy quái hoang đường. Người Trung Quốc nói rằng họ đã thấy một sinh vật khổng lồ giống như hải cẩu và có sừng bơi trong hồ, dù các nhà khoa học nói rằng nước hồ quá lạnh cho các loại sinh vật lớn.
Nhưng với người Triều Tiên (cả Bắc và Nam), hồ Cheonji lẫn ngọn Baekdusan còn có ý nghĩa hơn nhiều một kỳ quan thiên nhiên. Họ đều xem đó là biểu tượng tâm linh đáng tôn kính.
Bắc Triều Tiên gửi lính hành hương đến dãy núi để thực hiện lời thề trung thành với lãnh đạo của họ khi ông Kim Chính Nhật qua đời vào mùa đông 2011, truyền thông Bắc Triều Tiên đưa tin lớp băng rất dày trên mặt hồ vỡ, phát ra một tiếng lớn làm rung chuyển đất trời như lời than tiếc lãnh tụ.
Còn quốc ca của Hàn Quốc cũng bắt đầu với Baekdusan và trên các bức tường ở các cơ quan chính phủ đều trang trí cảnh sắc Baekdusan với Cheonji.
Baekdusan đứng đầu danh sách điểm cần đi của người Hàn Quốc trước khi họ từ giã cõi đời. Nhưng trong hàng thập kỷ, từ sau chiến tranh Nam-Bắc Triều Tiên vào đầu thập niên 1950, người Hàn Quốc bị cấm đi đến Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Theo hiệp định biên giới năm 1962 phân định Bắc Triều Tiên và Trung Quốc ,mỗi bên sở hữu một nửa dãy núi và hồ Cheonji.
Năm 1992, Hàn Quốc và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ, người Hàn bắt đầu hối hả hành hương đến Baekdusan, trèo lên dãy núi từ phía sườn của Trung Quốc. Đây có lẽ là con đường vòng duy nhất của họ để đến dãy núi linh thiêng trong nhiều năm nữa, vì tình hình hòa giải giữa hai miền chưa có tiến triển nhiều.
Nhưng không phải chuyện viếng thăm bao giờ cũng suôn sẻ. Khi lên đến đỉnh núi, nhiều người Hàn thường reo hò, vẫy cờ và hát quốc gia, khiến những người lính miền Bắc Triều Tiên gác biên giới gần đó “cáu tiết”. Ngày nay, những người dẫn đường địa phương, hầu hết là người Trung Quốc gốc Triều Tiên thường phải khuyến nghị du khách Hàn những điều Chính phủ Trung Quốc cấm đoán nghiêm ngặt.
Máy bay từ Hàn Quốc thường hạ cánh xuống thành phố Diên Cát trong khu tự trị Diên Biên của người Triều Tiên ở vùng Đông Bắc Trung Quốc. Tổ tiên những người ở đây là những người Triều Tiên chạy nạn Nhật Bản vào đầu thế kỷ 20. Tại Diên Biên, tất cả các cửa hàng đều treo bảng tiếng Triều Tiên và tiếng Trung Quốc, đồng won cũng như đồng nhân dân tệ đều dùng được.
Ở Diên Biên, không được qua biên giới nhưng người Hàn có thể nhìn sang phía Bắc Triều Tiên trong một tầm ném đá. Đặc biệt, cảnh trí rất đẹp ở Đồ Môn, thị trấn mang tên con sông phân giới giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc.
Park Jong-ae, 29 tuổi, người địa phương sống bằng nghề đưa du khách Hàn Quốc đi thăm Baekdusan nói gần đây số lượng người Hàn Quốc du lịch Baekdusan có giảm xuống vì lý do an ninh. Còn bà Park Jae-hee kể bà phải tranh thủ đến Baekdusan thật nhanh: “Càng già tôi càng muốn thăm Baekdusan, tôi phải đi thật nhanh để đảm bảo hoàn thành ước nguyện cuối của đời mình”.