(SGTT) - Giữa lòng thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, có một khu chợ thắm đượm hồn quê sông nước miền Tây, người dân gọi với cái tên “ngồ ngộ”: chợ “chồm hổm”.
- Làng trầu Vị Thủy, điểm đến mới khi du lịch Hậu Giang
- Trải nghiệm thu hoạch sen mùa nước nổi ở Hậu Giang
- Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn ở Hậu Giang, Quảng Ninh
Cái tên chợ “chồm hổm” vì người bán, người mua ngồi chồm hổm giữa trời để trao đổi hàng hóa. Chợ quê này nằm ngay tại chợ nông sản Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, họp chợ từ khoảng 6:00 giờ sáng đến hơn 10:00 giờ là tan.
Cái thú vị là chợ nông sản vẫn có khu nhà lồng chợ, với quầy sạp bán sỉ lẻ như các chợ khác nhưng ở khu vực chính giữa chợ không mái che lại quy tụ bà con cô bác nông dân chính hiệu mang “đồ nhà” ra bán.
Hàng hóa mọi người mang ra bán không nhiều, vì toàn “của nhà trồng được” như mấy con cá mới dỡ chài sáng sớm, mớ tép nhảy tanh tách, trái xoài, trái mận, trái mít chín cây… rồi mấy rổ rau diếp cá, rau má, rau ngót… tươi rói.
Dân thành thị cứ mà trố mắt với các loại sản vật “miệt vườn” từ lươn đồng, cá lòng tong, cá rô, cá sặc, các lóc, cá trê… mùa nước nổi còn thêm cá linh, rắn, rùa, chuột đồng… đến bông súng, bông sen, điên điển, lục bình, bông bí…
Người bán và người mua dường như quen biết lâu năm, chuyện trò rôm rả và “tư vấn” cho nhau món ăn chiều nay ra sao, nấu gì cho ngon và lạ miệng, rồi sẵn sàng chỉ khách qua hàng bên vì hàng mình không có, hay không đủ cái khách cần.
Từ trước 6:00 sáng, chợ đã đông vui. Đi mua sớm, đồ nông sản càng ngon. Đi chợ lúc này vừa mát, vừa có cơ hội đón bình mình lên và tận hưởng nhịp sống miền Tây. Du khách đi trễ hơn vào lúc sắp tan chợ cũng có cái vui riêng; vẫn nhộn nhịp nhưng không quá xô bồ, vội vã và không có cái cảm giác buồn buồn kiểu chợ chiều đã vãn…
Yến Ly