Trong khi hổ trong tự nhiên ở Việt Nam được nhiều cơ quan chức năng không còn ghi nhận được từ hơn chục năm qua, tức rất có khả năng đã tuyệt chủng, nhưng hiện có tới 364 cá thể hổ đang nuôi nhốt “không vì mục đích thương mại” có đăng ký, và lâu lâu cơ quan công an, kiểm lâm lại phát hiện có cơ sở nuôi nhốt hổ trái phép.
Năm 2010, tai hội nghị thượng đỉnh về hổ diễn ra ở Nga, 13 quốc gia có phân bố tự nhiên của hổ, bao gồm Bhutan, Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Nepal, Nga, Thái Lan và Việt Nam đã cam kết tăng gấp đôi số lượng hổ hoang dã trên thế giới vào năm 2022, là năm Hổ theo lịch âm.
Tám năm trước, Thủ tướng đã phê duyệt Chương trình quốc gia về bảo tồn hổ giai đoạn 2014 – 2022, với mục tiêu bảo vệ, bảo tồn hổ, sinh cảnh và con mồi của hổ, góp phần ngăn chặn sự suy giảm, từng bước phục hồi, cải thiện và tăng số lượng hổ tự nhiên đến năm 2022 theo mục tiêu của hội nghị thượng định về hổ nói trên.
Tuy nhiên, trong khi các quốc gia khác đã đạt được thành công nhất định trong việc gia tăng số lượng hổ hoang dã như ở Ấn Độ, Nepal, Bhutan, Nga và Trung Quốc, giúp đưa số lượng hổ trên toàn cầu từ khoảng 3.200 cá thể (năm 2010) lên ít nhất 3.890 cá thể (năm 2016), thì Việt Nam lại đang phải đối diện với khả năng hổ đã tuyệt chủng trong tự nhiên.
Theo Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF), năm 2016 Việt Nam ước tính chỉ còn ít hơn 5 cá thể hổ trong tự nhiên nhưng thống kê này của WWF cũng được lấy ước tính vào năm 2015, bởi do kể từ năm 2009, không có ghi nhận nào về hổ hoang dã tại Việt Nam và Việt Nam cũng không thực hiện khảo sát quốc gia về hổ tự nhiên. Mặc dù chưa có tuyên bố chính thức nhưng tính tới thời điểm hiện tại, nhiều nhận định cho rằng hổ trong tự nhiên có thể đã tuyệt chủng tại Việt Nam.
Trong bối cảnh hổ đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng rất lớn, hoạt động nuôi hổ để bảo tồn được đánh giá là một giải pháp cần thiết để góp phần phục hồi quần thể hổ tự nhiên tại Việt Nam, nhưng rất tiếc, dường như chưa có hoạt động này, mà lại chỉ có nuôi nhốt hổ thuần túy.
Nuôi hổ để bảo tồn có nghĩa hổ được nuôi với mục tiêu phục hồi, tái thả về môi trường tự nhiên. Đây là một quá trình lâu dài, tốn kém và đòi hỏi phải có kế hoạch cụ thể cũng như đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đảm bảo hổ được nuôi nhốt phải có nguồn gen thuần chủng của phân loài hổ Đông Dương; hổ cần phải có sức khỏe đảm bảo, mang đầy đủ bản năng tự nhiên cũng như xác định được môi trường tái thả và kế hoạch tái thả phù hợp.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), trong hơn 10 năm qua, số lượng hổ nuôi nhốt có đăng ký tại Việt Nam đã tăng mạnh từ 97 cá thể (năm 2010) lên tới 364 cá thể (2021) tại 22 cơ sở, chủ yếu là các trang trại và sở thú tư nhân. Dù tất cả các cơ sở này đều đã được đăng ký hoặc đặt dưới sự quản lý của các cơ quan có thẩm quyền để nuôi hổ “không vì mục đích thương mại” nhưng đối chiếu với các điều kiện và mục tiêu của hoạt động “nuôi hổ bảo tồn”, dường như không có bất cứ cơ sở nào trong những cơ sở nuôi nhốt hổ tại Việt Nam đang thực hiện hoạt động bảo tồn đúng nghĩa.
Chục năm trước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành đánh giá các cơ sở nuôi nhốt hổ để báo cáo Thủ tướng, cho rằng: “hiện nay, các cơ sở không phân biệt được các phụ loài hổ, việc nuôi nhốt chung giữa các phân loài dẫn đến di truyền cận huyết, lai chéo giữa ba phân loài hổ, thế hệ F1 sinh ra không có khả năng thích nghi và không có ý nghĩa đối với bảo tồn hổ tự nhiên ở Việt Nam”.
Theo quy định hiện hành, tại những cơ sở nuôi hổ “không vì mục đích thương mại” này, chủ cơ sở không bị yêu cầu kiểm soát sinh sản hay đảm bảo nguồn gen thuần chủng, khỏe mạnh của hổ mà chỉ cần thực hiện việc ghi chép sổ theo dõi. Việc xử lý hổ bị chết tại những cơ sở này hay trong trường hợp cơ sở bị hủy mã số/rút giấy phép cũng chưa được quy định.
Rất có thể có người sẽ cho rằng nuôi nhốt hổ “không vì mục đích thương mại” là tiền đề cho bảo tồn hổ nhưng thực sự hơn chục năm qua điều đó không hề xảy ra. Việc thiếu các quy định để quản lý hoạt động này sẽ là cơ hội cho các đối tượng buôn bán hổ trái phép lợi dụng, núp bóng được cấp phép để lén lút mua bán, trao đổi hổ vì mục đích lợi nhuận.
Sắp tới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiến hành hoạt động điều tra, thống kê và lập hồ sơ quản lý toàn bộ số hổ đang được nuôi tại Việt Nam; thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia để quản lý, nhận dạng các cá thể hổ nuôi (thực hiện qua hồ sơ gen, hình ảnh, gắn chip điện tử và gắn thẻ đánh dấu). Nhưng, việc lập hồ sơ quản lý, nhận dạng hổ sẽ chỉ thực sự phát huy hiệu quả nếu được tiến hành đồng thời với một chính sách rõ ràng nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động sinh sản của hổ cũng như xử lý các trường hợp hổ chết tại các cơ sở nuôi nhốt đã đăng ký, trong bối cảnh hiện nay chưa có một văn bản pháp lý nào đề cập chi tiết về các vấn đề quan trọng này.
Về lâu dài, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật riêng để quản lý toàn diện hoạt động của các cơ sở nuôi hổ không vì mục đích thương mại trong mục tiêu tiến tới phục vụ bảo tồn và ngăn chặn các đối tượng lợi dụng vỏ bọc “cơ sở nuôi hổ không vì mục đích thương mại” để thực hiện các hoạt động buôn bán hổ trái phép.
Hồng Văn
Theo KTSG Online