Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Dùng kiến diệt sâu, hiệu quả bất ngờ

Đức Tâm

Trong lúc nhiều nông dân đang sử dụng, thậm chí lạm dụng thuốc trừ sâu để bảo vệ vườn cây trái của mình thì cũng có những người đã học hỏi kinh nghiệm, chủ động nuôi kiến vàng để diệt sâu bọ. Giải pháp này đã mang lại nhiều hiệu quả bất ngờ.

May mắn tình cờ

Dẫn phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị đi khắp khu vườn rộng 1,2 ha trồng xen canh cây ca cao với một số cây ăn trái khác, bà Lý Thị Phượng vừa chỉ tay vào những trái ca cao láng bóng không vết cắn phá của bọ xít muỗi mà không cần phải dùng thuốc trừ sâu, vừa chia sẻ bí quyết: “Nhờ kiến vàng diệt sâu đó chú à”.

Nhớ lại những ngày đầu, bà Phượng kể vào năm 2007, gia đình bà may mắn được tiến sĩ sinh lý học thực vật Phạm Hồng Đức Phước, công tác tại trường Đại học Nông lâm TPHCM, gợi ý nên nuôi kiến vàng để diệt bọ xít muỗi và sâu bọ thay cho thuốc trừ sâu. Gia đình bà đã mạnh dạn thử nghiệm việc này tại khu vườn ca cao đầu tiên ở huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Lúc đó, nhiều người cười vợ chồng bà. “Ai đời lại đi nuôi kiến để diệt sâu. Kiểu này chắc cả khu vực này nuôi kiến hết quá!”, bà Phượng kể.

Bà Phượng tiết kiệm được 10 triệu đồng tiền mua thuốc trừ sâu cho mỗi héc ta, bằng cách nuôi kiến.
Bà Phượng tiết kiệm được 10 triệu đồng tiền mua thuốc trừ sâu cho mỗi héc ta, bằng cách nuôi kiến.

Năm đầu tiên sử dụng giải pháp này thay cho thuốc trừ sâu, năng suất vụ mùa giảm đáng kể do đàn kiến còn ít, không đủ sức chống lại đàn sâu phá hoại. Điều đó càng khiến mọi người cười gia đình bà Phượng nhiều hơn. Sang mùa thứ hai, đàn kiến đã đông hơn, đủ số lượng để diệt sâu và bọ xít muỗi – một loại côn trùng gây hại phổ biến trên cây công nghiệp như ca cao, điều – nên năng suất vườn cây đã tăng lên ngang bằng với những vụ trước đây. Những năm tiếp theo, cây ra trái nhiều hơn, năng suất tăng thêm, mọi người không còn cười nữa nhưng cũng không vì thế mà họ nuôi kiến làm nông như gia đình bà.

Lợi ích bất ngờ

Từ thành công này, sau khi rời Định Quán, chuyển về khu vườn ở Trảng Bom, vợ chồng bà Phượng tiếp tục nuôi kiến vàng thay cho thuốc trừ sâu, và họ hài lòng với quyết định của mình. Động lực nào đã khiến họ mạo hiểm với một phương pháp mới lạ như vậy? Trả lời câu hỏi này, bà Phượng cho biết trước đây, mùa nào chồng bà cũng xịt thuốc trừ sâu cho vườn. Càng về sau, sức khỏe càng yếu, ông không chịu được thuốc sâu nên khi được gợi ý nuôi kiến vàng, dù mới lạ, gia đình bà đã quyết định thử nghiệm.

Đứng bên cạnh những cây ca cao sai trái trong vườn, bà Phượng cho biết nhờ không dùng thuốc trừ sâu, mỗi năm gia đình bà tiết kiệm được khoảng 10 triệu đồng tiền thuốc cho mỗi héc ta. Điều quan trọng là giải pháp này giúp gia đình bà tránh tiếp xúc với thuốc trừ sâu, vừa bảo vệ sức khỏe, vừa bảo vệ môi trường không khí lẫn đất trồng.

Bà Phượng cho biết, có thể do không dùng thuốc trừ sâu nên vườn ca cao của bà thời gian gần đây xuất hiện nhiều nấm mối. Năm ngoái, gia đình bà hái được số lượng nấm nhiều chưa từng thấy, khoảng 50 kg. Nhà dùng không hết, bà gửi về quê ở Bến Tre làm quà biếu cho bà con.

[box] Kiến vàng có tên khoa học là Oecophylla smaragdina, thuộc bộ cánh màng Hymenoptera, họ Formicidae. Kiến vàng có khả năng tấn công nhiều loại sâu hại phổ biến trên cây ăn trái nhưng không gây hại đến cây trái. Ngoài ca cao, kiến vàng còn thích hợp để nuôi trên các loại cây trái có múi.

Độc giả quan tâm đến nông nghiệp tự nhiên có thể tham khảo cuốn sách Cuộc cách mạng một-cọng-rơm. Sách được viết bởi Mansanobu Fukuoka, người khai sinh nông nghiệp tự nhiên của Nhật Bản. Cuốn sách (đã được dịch ra 25 thứ tiếng) không chỉ là sự trải nghiệm về cách thức nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp trong sự tương tác hài hòa với môi trường tự nhiên mà còn đem đến cho người đọc những suy tưởng thú vị về triết học, về ăn uống, về y học và cuộc sống.[/box]

Kinh nghiệm nuôi kiến

Bà Phượng cho biết, điều may mắn là mảnh đất của gia đình bà nằm cạnh khu rừng tràm, nơi kiến vàng sống rất nhiều. Gia đình bà chỉ việc căng dây điện làm cầu và dùng thức ăn là có thể dụ kiến di chuyển sang khu vườn, và giữa các cây trong vườn cũng được nối dây làm cầu cho kiến di chuyển.

Kiến vàng có một ưu điểm là khi số lượng kiến trong một đàn tăng cao, đến mức nào đó, chúng sẽ tự tách đàn để sống riêng. “Thức ăn dành cho kiến vàng tốt nhất là lòng gà, vịt, hoặc đầu cá biển, nói chung là đồ tanh… Một tháng một lần, chúng tôi phải cho kiến ăn để giữ chúng ở lại”, bà Phượng chia sẻ kinh nghiệm. Trong trường hợp khu vực xung quanh không có kiến vàng, người nuôi có thể bắt các tổ kiến vàng từ nơi khác về thả trong vườn của mình.

Ông Phan Ngọc Hùng, Giám đốc Công ty Tư vấn dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp Đà Lạt – đơn vị từng tư vấn cho nông dân xã Phú Phong, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định nuôi kiến vàng diệt sâu và bọ xít trên cây điều – cho biết thời gian bắt và thả kiến tốt nhất từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, đây là thời điểm kiến ít hoạt động nhất. Ngoài ra nên thả kiến vào mùa khô để chúng dễ thích nghi với môi trường sống.

Mặc dù phương pháp nuôi kiến vàng có hiệu quả, nhưng vẫn chưa có nhiều người mạnh dạn áp dụng phương pháp này. Đem câu chuyện của bà Phượng đến trao đổi với tiến sĩ Phạm Hồng Đức Phước, người có nhiều kinh nghiệm về cây ca cao, ông cho biết nuôi kiến vàng diệt sâu hiệu quả và rất thân thiện với môi trường. Sở dĩ ít nông dân làm được là vì họ không đủ kiên nhẫn để thấy được hiệu quả của việc sử dụng kiến trừ sâu.

Theo tiến sĩ Phước, từ khi bắt đầu nuôi kiến đến khi thấy được kết quả phải mất 4-5 tháng, có khi lâu hơn nếu mật độ đàn kiến không đủ đông. Trong trường hợp kiến có sẵn trong vườn thì thời gian có thể ngắn hơn. Ngoài ra, để nuôi kiến thành công, người nông dân phải thường xuyên theo dõi đàn kiến để có những hỗ trợ kịp thời như bổ sung thức ăn, chủ động phát tán đàn kiến đều khắp vườn.

“Đa số nông dân không thích những khó khăn nêu trên. Họ thích sử dụng thuốc vì hiệu quả nhanh, nhìn thấy rõ. Đó là lý do hiện chưa có nhiều người áp dụng phương pháp nuôi kiến như gia đình bà Phượng”, tiến sĩ Phước nhận định.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Vinh danh những nhà tiếp thị xuất sắc giúp nâng tầm...

0
(SGTT) - Giải thưởng quốc tế Kotler Awards 2024 tôn vinh các nhà tiếp thị kinh doanh, chuyên gia marketing, nhà quản trị chiến...

Mới lạ bánh cuốn Cao Bằng, dùng nước hầm xương thay...

0
(SGTT) - Dù chỉ mới mở bán thời gian gần đây nhưng quán ăn Thủy ở quận 7 lại thu hút sự quan tâm...

Phát động cuộc thi thiết kế áo bà ba lần đầu...

0
(SGTT) - Nhằm lan toả nét đẹp văn hoá trong trang phục áo bà ba của dân tộc đến với thế hệ trẻ, dự...

Chỉ 10% người tiêu dùng thực hiện tuyên bố của họ...

0
(SGTT) - Có 72% người tiêu dùng Việt được khảo sát nói sẵn sàng trả thêm tiền cho sản phẩm thân thiện môi trường,...

Huế công bố 54 sản phẩm du lịch ấn tượng năm...

0
(SGTT) - Sau 4 tháng triển khai, chương trình bình chọn "Top 9 sản phẩm du lịch ấn tượng Huế" năm 2024 đã tìm...

Giá vàng trong nước tiếp tục tăng theo giá vàng thế...

0
(SGTT) - Sáng nay (22-11), giá vàng trong nước tiếp tục tăng giá, trong khi đó giá vàng thế giới chạm mức cao nhất...

Kết nối