NHẬT LINH -
Sử dụng dung dịch rửa tay là một trong những thói quen của nhiều người, nhất là những người sống ở thành thị. Tuy nhiên, giới chuyên môn cảnh báo, đi kèm với sự tiện lợi của dung dịch rửa tay là những nguy cơ tiềm ẩn có hại cho sức khỏe người dùng.
Thích sự tiện dụng
Dung dịch rửa tay khô có thành phần như cồn, chất diệt khuẩn triclosan, chất giữ ẩm, hương liệu tạo mùi thơm…
Hơn một năm nay, dù đi làm hay đi chơi, trong túi xách chị Ái Vân nhà ở đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TPHCM lúc nào cũng có chai dung dịch rửa tay của một thương hiệu trong nước. Theo chị Vân, sản phẩm này khá tiện dụng, hữu ích đối với người làm kinh doanh, hay đi ngoài đường nhiều như chị. Mỗi khi thấy tay dơ, dính bụi bẩn, chị “rửa tay” bằng dung dịch này trước khi gặp đối tác.
“Trước đây thấy một số bạn bè dùng tôi không quan tâm lắm, nhưng khi dùng thử thấy cũng tiện. Xài riết thành quen, giờ đi đâu cũng phải có nó, kể cả khi tới những chỗ có xà bông tôi vẫn sử dụng dung dịch rửa tay, vừa có cảm giác sạch hơn lại vừa có mùi thơm”, chị Vân cho biết.
Giống như chị Vân, chị Ánh Chi nhà ở đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp, TPHCM không chỉ dùng dung dịch rửa tay cho mình mà còn mua cho cả chồng và hai đứa con của chị. Đứa bảy tuổi thì chị cho sử dụng sản phẩm dành cho người lớn, còn đứa ba tuổi thì chị chọn sản phẩm dành riêng cho trẻ em.
Chị Chi cho biết, hai đứa con trai của chị rất hiếu động, nhất là đứa nhỏ hay cho tay vào miệng. Để giữ cho tay bé luôn sạch sẽ, trước đây mỗi khi đi đâu chị thường mang khăn vải hoặc khăn giấy ướt để lau. Tuy nhiên, khăn vải muốn lau phải thấm nước nên bất tiện, còn khăn giấy ướt thì lo ngại trước thông tin chứa paraben gây hại. Do vậy, chị chuyển qua dùng dung dịch rửa tay khô mang một nhãn hiệu của Mỹ. Theo chị Chi, việc sử dụng sản phẩm rửa tay diệt khuẩn cho cả gia đình giúp chị yên tâm hơn. Bàn tay của hai con được bảo vệ, nếu bé có đút tay vào miệng thì cũng không quá lo lắng chuyện bị vi khuẩn xâm nhập.
Đó chỉ là hai trong số nhiều người tiêu dùng hiện nay chuộng sử dụng các sản phẩm gel, dung dịch rửa tay khô, thay vì rửa tay bằng nước với xà bông. Ghi nhận thực tế cho thấy trên thị trường có khá nhiều sản phẩm rửa tay khô, với các thương hiệu trong nước và nước ngoài.
Giá cả sản phẩm cũng rất đa dạng, từ 10.000 đồng đến 200.000 đồng/chai tùy dung tích và thương hiệu. Theo thông tin ghi trên nhãn mác sản phẩm, dung dịch rửa tay khô có thành phần tương tự nhau như cồn, chất diệt khuẩn triclosan, chất giữ ẩm, hương liệu tạo mùi thơm (với hơn 50 mùi hương khác nhau như khuynh diệp, oải hương, lựu, dâu…).
Cẩn thận vẫn hơn
Dung dịch rửa tay khô có thể khiến khô da, sản phẩm giả có thể chứa các tạp chất gây độc.
Tiến sĩ Huỳnh Khánh Duy, khoa Kỹ thuật hóa học của trường Đại học Bách khoa TPHCM, cho biết sử dụng nước rửa tay khô là một phương án bổ sung hoặc thay thế cho việc rửa tay với xà phòng và nước. Nước rửa tay khô có các thành phần chính là các hợp chất cồn (isopropanol, ethanol, n-propanol), hoặc/và povidone-iodine, các chất làm đặc, chất giữ ẩm (glycerin, propylene glycol) và các chất tạo hương. Ethanol có hiệu quả chống lại hầu hết các vi khuẩn, nấm và nhiều loại vi rút, nhưng không có hiệu quả chống lại các bào tử vi khuẩn.
Ông Duy phân tích, tác dụng của n-propanol với cơ thể người tương tự như ethanol nhưng độc tính của nó cao hơn ethanol 2-4 lần. Tuy ít độc, nhưng isopropanol lại là một chất có thể gây kích ứng da. Ngoài khả năng dễ gây cháy nổ, nước rửa tay khô không gây nguy cơ đáng kể nào cho sức khỏe trừ khi nuốt phải hoặc rơi vào mắt, nhất là khi để sản phẩm này ở trong tầm với của trẻ em.
Tuy nhiên, điều cần lưu ý là các sản phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ do sử dụng các nguyên liệu không tinh khiết, có thể chứa các tạp chất gây độc, có thể làm chết người. Chẳng hạn như có thể bị nhiễm diethylene glycol, một chất độc gây suy thận cấp, suy gan cấp, có thể gây hôn mê và tử vong.
Theo ông Duy, việc thường xuyên sử dụng nước rửa tay khô có chất cồn có thể gây khô da, trừ trường hợp sử dụng các sản phẩm có bổ sung chất làm mềm da hoặc chất giữ ẩm cho da. Tùy theo cơ địa của người sử dụng, sự viêm da tiếp xúc, dị ứng, nổi mề đay hoặc các hội chứng liên hệ với sự nhạy cảm với các hợp chất cồn hoặc các chất phụ gia có trong sản phẩm nước rửa tay khô có thể xảy xảy ra, dù hiếm gặp.
“Mặc dù tỏ ra khá hiệu quả trong việc loại bỏ mầm bệnh, nhưng nước rửa tay khô chỉ khử trùng mà không loại bỏ các chất bẩn ra khỏi tay. Nên rõ ràng việc vệ sinh tay không hiệu quả như xà phòng và nước trong việc ngăn chặn sự truyền của nhiều loại mầm bệnh vì khi đó tác nhân gây bệnh vẫn còn ở trên tay”, ông Duy cho biết.