NGUYỄN ĐƯỚC -
Mỗi khi biết tôi ở thành phố sắp về, cháu tôi thường gọi điện thoại dặn mua truyện tranh và sách về cho cháu đọc trong thời gian nghỉ hè hay khi rảnh rỗi.
Đến giờ cháu tôi đã có được một tủ sách nho nhỏ, là những truyện tranh cổ tích, truyện về đề tài trinh thám hoặc các nhân vật lịch sử để có thể đọc mỗi khi cháu học bài xong hoặc khi có thời gian rảnh rỗi.
Khi tôi mang sách về, nhìn những đứa trẻ cùng đọc truyện cổ tích hoặc cứ đọc đi đọc lại những câu chuyện về các nhân vật lịch sử tôi có cảm giác rất vui. Có lẽ cũng vì ham thích đọc sách nên cháu tôi có năng khiếu kể chuyện và học giỏi môn văn tiếng Việt và cả môn lịch sử.
Hiện nay tình trạng trẻ em hầu hết ở các vùng thôn quê như ở quê tôi, trong đó có cháu tôi, thường rất ít có điều kiện tiếp xúc nhiều với chuyện đọc sách, thậm chí là chúng “khát” sách, trong khi sách là nguồn kiến thức vô hạn, rất cần để bồi bổ tư duy cho trẻ.
Một phần nguyên nhân là nhiều gia đình ở thôn quê không có điều kiện mua sách cho trẻ. Nhưng cũng có thể do cha mẹ, người thân ít quan tâm đến sở thích hay khao khát được đọc sách, vì cho rằng trẻ chỉ cần học sách giáo khoa là đủ, không cần mua thêm sách để trẻ đọc sách mà bỏ bê chuyện học hành.
Tôi cho rằng nhu cầu đọc sách hay các câu chuyện cổ tích là nhu cầu rất chính đáng của trẻ, do đó người thân hay cha mẹ hãy quan tâm nhiều hơn nữa đến nhu cầu đọc sách của trẻ. Cùng với đó, các nhà văn hóa xã, huyện… nên có những thư viện sách, để nếu không có điều kiện mua, trẻ em có thể mượn về đọc. Mang tri thức đến với trẻ em cũng là một trong những vấn đề quan trọng để giúp chúng hiểu biết về xã hội, con người, kiến thức tự nhiên, lịch sử. Đây cũng là cách để nâng cao nhận thức cho thế hệ tương lai.