NGUYỄN HUỆ NGHI -
Mỗi ngày, lướt qua các trang mạng xã hội, chúng ta gặp vô số sự kiện từ cá nhân đến cộng đồng, vô số bình luận và chia sẻ. Chúng ta dễ dàng bị nhấn chìm, làm nhiễu trước thực tế “trăm nhà đua tiếng” ấy và có khi bị hút vào trong những đám đông hỗn loạn, ở đó, dễ dàng đánh mất sự thấu đáo, độc lập cần thiết khi nhìn về thực tế.
Nhà phê bình xã hội, rất cần trong những bối cảnh sự bùng nổ của những mô hình truyền thông mới, kéo theo đó là nguy cơ về sự mất chủ động và độc lập của những cá nhân trong đời sống. Việc đưa ra những tiếng nói sắc bén, lý trí, trỗi vượt trên đám đông để giúp người khác sáng sủa hơn, độ lượng và tĩnh táo hơn trước cuộc sống là vô cùng cần thiết.
Thể tài tiểu luận-bình luận báo chí gần đây được đề cao. Điều này ứng với quan điểm trong cuốn Hơn cả tin tức: tương lai của báo chí (tác giả Mitchell Stephens, do Dương Hiếu, Kim Phượng, Hiếu Trung dịch, NXB Trẻ ấn hành 2015) báo chí không chỉ dừng lại ở tính report (thông tin) mà cần phải làm tốt vai trò báo chí trí tuệ (wisdom journalism).
Đặng Hoàng Giang là một cái tên trở nên đặc biệt trong bối cảnh đó, với những lý do đó, bằng những bài chính luận, phê bình xã hội xuất hiện trên các tờ báo: Tuổi trẻ cuối tuần, Vietnamnet, Thời báo Kinh tế Sài Gòn… thời gian gần đây đã tạo được nhiều dấu ấn với công chúng. Có những bài viết của anh đi ngược hoàn toàn với các luồng dư luận thông thường, để chỉ ra “thói thường” là một thứ gì đó đầy cảm tính, cần tránh (như chuyện người Việt tôn sùng, thiêng hóa sách vở, nhưng tỷ lệ đọc sách thấp), có những mổ xẻ hiện tượng xã hội khá sắc lạnh, chỉ ra cái giả, cái diễn, cái đáng buồn (từ thiện câu “like”, vì sao giới showbiz thích “hát múa với người nghèo”…) đến những chuyện lớn hơn như phát triển đất nước (coi phát triển là những con số báo cáo GDP, nhưng không trả lời được câu hỏi điều gì làm cho cuộc sống này đáng sống?, chuyện Việt Nam có tỉ phú đô la thì nên vui hay nên buồn?)
Trong quyển sách Bức xúc không làm ta vô can, tập hợp 26 bài viết của Đặng Hoàng Giang đem đến cho người đọc bức tranh thời sự hôm nay qua những góc nhìn sắc sảo, những cách dẫn dắt thuyết phục bởi lý tính của một người làm khoa học quan tâm và có thái độ trước đời sống.
Lẽ dĩ nhiên, với những bài viết thời luận bám theo các sự kiện cụ thể này, thì tính “nhất thời” là khó tránh khỏi, nhưng cũng có những bài viết trong cuốn sách có giá trị lâu dài, bởi chúng hướng đến tâm tính, thói quen, tập quán người Việt Nam, những hiện tượng xã hội mới, hay những tồn đọng trầm kha trong văn hóa cộng đồng. Chẳng hạn, khi nói về thói ưa kêu ca của người Việt hôm nay – đụng đâu cũng thấy bức xúc – ông đồng thời chỉ ra một thứ tâm lý mà nhiều người đội lốt “phản biện” hẳn không muốn nghe: người ta gào thét bức xúc là bởi cho người khác thấy mình vô can với cái vũng lầy thực tế mà mình can dự, nôm na, là một cách đào thoát khỏi thực tế. Nhưng liệu đó có là một thái độ sòng phẳng và xây dựng? Cuối cùng, tự chúng ta phải trả lời cho bằng được nguồn cơn, tránh làm cho cuộc sống bản thân u tối bùng nhùng bởi những tự huyễn đầy tai hại: “Vì sao chúng ta lại ưu tiên tin xấu, đắm đuối với chúng, thay vì chú ý tới những điều tốt lành? Vì sao chúng ta muốn kêu ca, phàn nàn thay vì vui tươi chuyền tay nhau những tin vui, những câu chuyện đẹp?”.
Quyển sách mỏng, hơi “tạp pí lù” từ chuyện giải trí đại chúng như Ngọc Trinh, Đàm Vĩnh Hưng, Lê Hoàng… đến chính sách, thể chế nhưng thống nhất với một giọng văn đầy lý tính, hài hước, không chỉ gợi ý với ta những góc nhìn mới mà còn hướng ta đến lối tư duy mới trước đời sống “thập diện mai phục’’ bởi thông tin và “comment” (ý kiến) hôm nay.
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang hiện là Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ cộng đồng nghiên cứu phát triển (CECODES), là chuyên gia phát triển, từng học tập, nghiên cứu và làm việc tại châu Âu 20 năm.
(Đọc Bức xúc không làm ta vô can, Đặng Hoàng Giang, Nhã Nam & NXB Hội nhà văn, 2015).