Vân Lê -
Đối diện nhà chúng tôi ở có một gia đình mà họ là dân lao động nghèo. Hai vợ chồng và hai đứa con gái sống chung trong một căn phòng thuê chưa đến 20 mét vuông. Người vợ làm tạp vụ trong một nhà hàng khách sạn nào đó, chồng ở nhà chăm sóc hai đứa con, đưa đón con đi học, đưa vợ đi làm, và… hàng tháng kiểm tra lương vợ đem về có đủ không.
“Bạn” của người chồng là vài con gà đá mà ông nuôi trước cửa phòng trọ, vài chai bia uống vài lần trong tuần, dàn máy karaoke ồn ào mỗi khi ông nhậu. Tiếng ồn của dàn máy karaoke từ nhà ông phát ra thì nhà tôi hứng trọn vì phòng trọ thì làm gì có cách âm và khoảng cách từ nhà tôi qua nhà họ chỉ bằng chiều ngang của con hẻm 3 m.
Đứa con gái nhỏ nhà ấy năm nay khoảng 5 tuổi, đứa lớn tôi đoán 7-8 tuổi, thường sang nhà tôi chơi sau khi tôi dọn đến đây. Con gái tôi ngày vừa dọn đến rất thích chơi với con gái nhà họ. Nhìn nó, nhìn người mẹ, người cha, tôi vừa thấy thương vừa thấy tội. Nó tròn người, da đen xì do hay tự đạp xe đạp đi chơi giữa trời nắng lòng vòng trong xóm. Gương mặt nó toát lên vẻ già dặn hơn cái tuổi đáng lẽ nó chỉ nên dừng ở sự ngây thơ, bé bỏng. Thấy nó mà thương nên tôi hay cho bánh, trái, hễ con gái mình có gì ăn ngon khi nó qua chơi tôi cũng đều kêu con gái cầm mời chị ăn với. Con gái tôi thích có người chơi chung nên rất thích con bé chị của nhà ấy.
Về sau tôi thấy bé không thật, hay lén lén người lớn không để ý lấy đồ chơi của con tôi chạy về nhà, hoặc chơi đồ chơi xong không dọn dẹp vào vị trí ban đầu như yêu cầu của người lớn mà lẻn đi về không chào hỏi. Từ những việc nhỏ như vậy tôi thường hạn chế không cho bé vào nhà chơi thường xuyên như trước nữa.
Thường thì vợ chồng tôi đi cả ngày không có nhiều thời gian ở nhà. Lâu lâu ở nhà thì lại được nghe ông bố dạy con theo kiểu “chợ búa”. Rất nhiều từ văng tục được ông tuôn ra, xả vào tai đứa con bé bỏng của mình, kêu con gái bằng “mày”, cái đại từ danh xưng mà tôi chưa bao giờ dám mở miệng gọi con mình và cũng luôn dặn người lớn ở nhà không được nói với con như vậy kẻo con học theo quen miệng. Rồi rất nhiều từ ngữ chỉ thường được dùng để chửi nhau hoặc nói với người trưởng thành thì tất cả đều được ông dùng để “dạy con”. Tôi nhìn thấy nét mặt bé con lấm lét, sợ sệt. Có lẽ sau những câu từ như vậy nó cũng không còn thiết tha gì việc học chữ, vì mỗi lần bày bàn ra học là y như rằng nó được bố dạy những từ ngữ, thái độ mà chẳng con trẻ nào muốn nghe. Nhìn gương mặt hơn cả rám nắng, đang lấm lét vì sợ sệt tiếng chửi xung quanh của nó, tôi luôn tự hỏi sao ông “lại dùng những từ ngữ như vậy với con của mình”.
Từ đó tôi sợ, sợ cho con mình tiếp xúc nhiều với họ. Mà không thể nào ngăn hay đuổi bé con ra khỏi nhà khi nó vào nhà mình chơi được. Trẻ con không có lỗi, tuổi thơ của chúng nó cũng không có lỗi.
Nhớ hồi xưa có vài lần tôi cũng bị má tôi la bằng những từ ngữ mà tôi không mong muốn, lúc nhỏ xíu, tuy không phải “chợ búa” như cái cách ông hàng xóm đang nói với con gái nhưng đã làm tâm hồn trẻ thơ của tôi cảm thấy tổn thương kinh khủng. Cái cảm giác còn nhỏ không nói lại được, tức lắm và cũng không hiểu sao người lớn lại thích “làm nhục” mình như vậy. Tôi hiểu cảm giác của cô bé ấy, nó là một cái gì đó hằn sâu trong ký ức của trẻ thơ, không thay đổi được vể người cha, người mẹ của mình. Vì thế tôi và chồng luôn tâm niệm không la mắng con lớn tiếng cho dù có bực cỡ nào, mỗi lần la con xong phải giải thích cho con gái tại sao lại như vậy. Nhìn bé gái ấy, nhìn con mình, tôi lại thấy xót cho nó. Cũng là trẻ thơ nhưng con tôi lại sung sướng hơn nhiều. Tôi thấy ánh mắt thèm thuồng của con bé khi thấy con tôi được ba mẹ chở đi chơi, được mặc quần áo đẹp, được mẹ mua bánh ngon cho ăn, được ba mẹ nói năng nhỏ nhẹ, chỉ bảo ân cần.
Mỗi lần thấy con gái nói “mẹ ơi cho chị T., vô chơi với con đi”, rồi con gái lấy bánh cho chị ăn, tôi mong con mình và mình làm được gì đó nhỏ xíu để tuổi thơ xám xịt của bé gái có vài niềm vui nho nhỏ, ít ra là ngoài những trận đòn, những cơn chửi đầy xúc phạm của người cha, vẫn còn có những người nói vói nó những lời nhỏ nhẹ, cười với nó và chia sẻ những niềm vui cỏn con cùng với nó.
Nhiều lần con bé qua chơi, tôi hay nhìn vào gương mặt, ánh mắt của nó, tôi đoán có lẽ nhiều lần lắm nó muốn thốt lên rằng “ba ơi, đừng chửi, đừng đánh con nữa!”.