VŨ YẾN -
Xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn là vấn đề được TPHCM chú trọng, và sau nhiều động thái kết nối giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, đến nay trên địa bàn thành phố bước đầu đã có được gần 300 điểm mua bán thực phẩm sạch, đạt các chuẩn an toàn như VietGAP, GlobalGAP.... Đây cũng là một hoạt động trọng tâm trong năm 2015 được Sở Công Thương TPHCM nhấn mạnh tại hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa với các tỉnh, thành, vừa diễn ra ngày 23-12.
Giới thiệu sản phẩm tại hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành, diễn ra sáng 23-12.
Bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, nói tại hội nghị rằng bên cạnh việc mở rộng số lượng, chủng loại mặt hàng thì chương trình kết nối cung cầu đã ưu tiên hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đạt chuẩn an toàn, đưa vào nhiều kênh phân phối, từ kênh hiện đại như siêu thị đến các cửa hàng, chợ truyền thống, kể cả giới thiệu sản phẩm sạch tới nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể…
Theo bà Đào, số lượng và chủng loại hàng hóa trong chương trình kết nối cung cầu ngày càng phong phú một phần do số địa phương, doanh nghiệp tham gia ngày càng tăng; sự hợp tác giữa TPHCM và các tỉnh, thành Đông-Tây Nam bộ, cũng như với miền Bắc, miền Trung đã được mở rộng hơn. Và trong số mặt hàng đó, rất nhiều mặt hàng thực phẩm đạt chứng nhận an toàn.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó tổng giám đốc Liên hiệp hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cho biết nhiều sản phẩm an toàn, đặc sản vùng miền trên khắp cả nước đã được đưa vào cung ứng tại hệ thống siêu thị Co.opMart. Về sản phẩm nói chung của chương trình kết nối cung cầu mà Sở Công Thương TPHCM phát động thì trung bình mỗi tháng Saigon Co.op tiêu thụ khoảng 6.000 tấn hàng, tương đương 150 tỉ đồng.
Với Tết Nguyên đán sắp tới, Saigon Co.op sẽ cung ứng hơn 4.000 mặt hàng thiết yếu, thực phẩm tươi sống đạt chuẩn an toàn tại 176 điểm bán, trong đó có 78 siêu thị Co.opMart, hai Co.opXtra, và 96 cửa hàng thực phẩm Co.opFood…
Bên cạnh trọng tâm là cung ứng thực phẩm an toàn, các doanh nghiệp tại hội nghị cũng tỏ ra lạc quan về hiệu quả kinh tế mang lại từ chương trình kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM và các địa phương khác trong bốn năm qua. Ông Tạ Minh Sơn, Giám đốc siêu thị Tứ Sơn, An Giang, cho biết đơn vị ông hiện đã tăng cường thêm số lượng, chủng loại mặt hàng, và sẽ mở rộng diện tích sử dụng của siêu thị lên 17.500 m² trong năm 2016.
Còn theo bà Lê Thị Thanh Lâm, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Sài Gòn Food, qua chương trình kết nối cung cầu, công ty đã có thêm nhiều khách hàng mới, nhiều nguồn cung cấp nguyên liệu (rau củ quả ở Đà Lạt, thủy sản ở An Giang…) để sản xuất ra các sản phẩm hiện tại cũng như sản phẩm chuẩn bị ra thị trường.
“Trước nay hơn 70% sản lượng chúng tôi chỉ phân phối vào kênh hiện đại chứ không phân phối vào kênh truyền thống. Nay Sài Gòn Food sẽ tập trung phát triển vào kênh truyền thống”, bà Lâm nói thêm.
Bà Bùi Thị Thanh Hải, thành viên Hội đồng quản trị của Salinda Group, chủ của thương hiệu nước mắm Ông Kỳ, cho biết thông qua các cuộc gặp gỡ và kết nối, sản phẩm nước mắm truyền thống của công ty đã được biết tới nhiều hơn. Theo đó, giúp công ty mở rộng thị trường vào khu vực phía Nam, đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối lớn như Big C, Co.opMart, VinMart, Lotte Mart, Metro…
Nhận xét thêm về chương trình kết nối cung cầu, bà Lê Ngọc Đào nói rằng hệ thống phân phối, các đơn vị tiêu thụ tại TPHCM tìm kiếm được nhiều nhà cung cấp có uy tín, các sản phẩm chất lượng, sản phẩm làng nghề, hàng đặc sản…, qua đó góp phần cung ứng, bình ổn hàng hóa thị trường. Đồng thời, hỗ trợ nhà sản xuất tìm được đầu ra ổn định, bền vững, từ đó mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, bà Đào cũng cho là vẫn còn một số hạn chế như chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh nhà sản xuất của từng địa phương, thiếu sự gắn kết đồng bộ trong công tác quy hoạch vùng, phân vùng, nhiều vướng mắc về công tác giao nhận, phương thức thanh toán, thủ tục... nên khó đáp ứng được yêu cầu của nhà phân phối.
[box] Theo báo cáo tại hội nghị kết nối cung cầu giữa TPHCM với các tỉnh, thành, sau bốn năm thực hiện, tính đến nay đã có gần 1.440 hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm được ký kết giữa các địa phương, tổng trị giá trên 20.000 tỉ đồng. Trong đó TPHCM – đơn vị cần tới 70-80% sản lượng hàng hóa từ tỉnh, thành đã tiêu thụ tổng lượng hàng hóa trị giá trên 13.500 tỉ đồng. TPHCM cũng cung ứng hàng hóa cho các tỉnh, thành trên 6.500 tỉ đồng.
Theo số liệu báo cáo, nếu như năm 2012 mới chỉ có 15 địa phương tham gia, 43 hợp đồng được ký kết thì năm 2013 đã có tổng cộng 394 hợp đồng được ký kết thông qua các hoạt động kết nối cung cầu, trong đó hội nghị kết nối cung cầu có 23 địa phương tham gia với 229 hợp đồng được ký kết. Năm 2014 có 430 hợp đồng được ký kết, trong đó hội nghị kết nối cung cầu có 38 địa phương tham gia với 347 hợp đồng ký kết.[/box]
Thời gian tới, để khắc phục vấn đề này, một số hệ thống phân phối tại TPHCM đã có chủ trương, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hộ nông dân chuẩn hóa quy trình sản xuất, nuôi trồng, cải tiến bao bì, xây dựng thương hiệu...