Thứ bảy, Tháng mười một 16, 2024

Du mục kỹ thuật số tìm cơ hội trong đại dịch Covid-19

(SGTTO) – Đại dịch Covid-19 hoành hành kéo theo những hạn chế trong việc di chuyển đã làm ảnh hưởng tới những người đang du lịch khám phá thế giới nhưng cũng đem đến cho họ nhiều cơ hội với vị trí như một du mục kỹ thuật số.

Những người không "dậm chân tại chỗ"

Vốn lên kế hoạch vòng quanh thế giới, Hannah Maussang – đến từ Paris – đã đến Malaysia tháng 2-2020. Cô dự định vòng quanh Đông Nam Á trước khi đến Nepal, Ấn Độ và Nam Mỹ. Hành trình của cô đứt quãng khi Malaysia giãn cách xã hội phòng ngừa dịch bệnh Covid-19.

Hannah Maussang - một du mục kỹ thuật số khá thành công. Ảnh: Thomas Bird

Trong quãng thời gian kẹt trên đảo Langkawi, Maussang gặp gỡ Anne Hallaert – một thông dịch viên tự do người Bỉ - đang duy trì công việc của mình thông qua các trang web như Upwork. “Anne và những người khác đang kiếm tiền trong suốt thời gian hạn chế đi lại, trong khi tôi không làm gì khác ngoài sử dụng những đồng tiền tiết kiệm còn lại của mình”, cô nhớ lại.

Không muốn quay lại Pháp – nơi mà nhiều đồng nghiệp cũ cũng đang thất nghiệp – Maussang tham gia một hội thảo trực tuyến về chủ nghĩa du mục kỹ thuật số và quyết định tìm kiếm cơ hội. Từng có 5 năm làm việc trong lĩnh vực quảng cáo nhưng cô cho biết: “Ban đầu, tôi đã cảm thấy sợ hãi. Tôi biết mình có các kỹ năng và kiến thức, nhưng cái tôi cần nhất chính là khách hàng”.

Thay vì liên hệ những công ty đa quốc gia mình từng làm việc, Maussang lựa chọn những công ty độc lập chuyên sản xuất các sản phẩm của người dân tộc hoặc sản phẩm thân thiện môi trường (zero-waste). Cô tiếp cận mọi thứ thông qua Facebook cùng Instagram và đưa ra những chiến lược quảng cáo kỹ thuật số cho hai công ty. Cứ như thế, Maussang trở thành một du mục kỹ thuật số - lĩnh vực mới mẻ với những cơ hội khó đoán trước trong đại dịch.

Rolf Potts - tác giả cuốn sách hướng dẫn du lịch Vagabonding: An uncommon guide to the art of long-term world travel. Ảnh: Rolf Potts

Rolf Potts, tác giả cuốn sách hướng dẫn du lịch Vagabonding: An uncommon guide to the art of long-term world travel, nhận xét: “Những người du lịch nói chung và dân du mục kỹ thuật số nói riêng luôn biết rằng thích nghi là những yếu tố quan trọng trong mọi chuyến đi. Họ đang phải đối mặt với những thách thức mới trong bối cảnh đại dịch có nhiều chuẩn mực mới được đưa ra”.

Cây bút du lịch người Anh Rosie Bell cũng là người chịu nhiều ảnh hưởng của việc giãn cách xã hội mùa dịch. Năm 2020 của cô trở nên bế tắc và hoàn toàn khác so với dự tính. Bell trở thành một dân du mục kỹ thuật số toàn thời gian từ năm 2015, sau khi ghé thăm bờ biển Caribean của Panama.

Cô chia sẻ: “Tận hưởng sự tự do trong chuyến đi ấy, tôi không muốn quay trở lại cuộc sống lúc trước nữa. Tôi nghĩ rằng mô hình công việc 5 ngày làm, 2 ngày nghỉ không còn là quy chuẩn với nhiều người. Sự gia tăng số lượng dân du mục kỹ thuật số là minh chứng cho điều đó”.

Trong những chuyến du lịch sau đó, Bell đã đến Brazil, Bali và Barcelona nhưng mọi thứ chấm dứt vào tháng 3, chỉ vài ngày sau khi cô tới Argentina để thực hiện loạt bài viết du lịch. “Tôi kẹt lại Buenos Aires gần 3 tháng trước khi trở về Anh”, cô nói. Trong 3 tháng đó, Bell đã phát triển khóa học Travel Writing 101 cho trang skillshare.com.

Không phải ai cũng có cơ hội trở về nhà

Không phải ai cũng có cơ hội trở về nhà. Đông Nam Á hiện là nơi làm việc của nhiều dân du mục kỹ thuật số trong lúc chờ mở cửa biên giới.

Bryan Myers trong những ngày ở Đà Nẵng. Ảnh: Bryan Myers

Năm 2019, Bryan Myers đã đi qua 12 quốc gia trước khi dừng chân tại Việt Nam vào đầu tháng 1. Anh ở lại Đà Nẵng, làm giáo viên tiếng Anh thông qua trang cambly.com và viết bài cho vài website như MyWorldAbroad, study.com và một số tựa sách viễn tưởng nhỏ. Anh cũng đưa tin về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua cho một công ty có tên Born Again Media.

Annh Myers chia sẻ: “Tuy làn sóng Covid-19 tại Việt Nam diễn ra ngay tại Đà Nẵng nhưng mọi thứ nhanh chóng được kiểm soát nhờ giãn cách xã hội. Tại đây, tôi có nhiều thời gian hơn để sáng tạo từ âm nhạc, vẽ tranh đến viết lách. Đúng là tôi đã phải trải qua nhiều thăng trầm nhưng ở Mỹ hiện còn có nhiều bất ổn xã hội hơn”.

Những du mục kỹ thuật số ở Langkawi, Malaysia hồi tháng 3-2020. Ảnh: Thomas Bird

Breanna Wilson, nhà văn, nhiếp ảnh gia và là một nhà quảng cáo, cũng phải thay đổi hoàn toàn lịch trình vì dịch bênh. Vào tháng 3, cô đến Mông Cổ và dự định sẽ ở đến hết mùa hè trước khi tới Iran và khu vực Kurdistan. Wilson rời Mông Cổ ngay trước khi biên giới đóng cửa nhưng mắc kẹt tại Istanbul vì 2 điểm đến kế tiếp của cô đang chịu tác động của Covid-19. “Tôi đã phải nhanh chóng quyết định xem mình sẽ ở lại Istanbul hay đến một nơi khác. Georgia chỉ cách đó 1,5 giờ bay và tôi biết một vài người bạn ở thủ đô Tbilisi. Vì vậy, tôi đã bay tới đó vào hôm sau”, cô kể lại.

Wilson cho biết đất nước Tây Á Georgia đã thực hiện kiểm soát dịch tốt: “Chính phủ nhanh chóng cách ly những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, đặt lệnh giới nghiêm và yêu cầu khách sạn, nhà hàng phải kiểm tra sức khỏe nghiêm ngặt. Tuy gần đây số ca nhiễm có dấu hiệu tăng khi mỗi ngày có hơn 1.000 ca được ghi nhận, mọi thứ tại quốc gia này vẫn vận hành bình thường”.

Những vấn đề về công việc và tài chính xuất hiện nhưng Wilson đã biến những khủng hoảng thành cơ hội bằng việc bắt đầu với trang meanwhileingeorgia.com chuyên cung cấp thông tin du lịch, nhằm biến đất nước nhỏ bé này thành điểm đến hấp dẫn.

Một chương trình mang tên Removely from Georgia (tạm dịch: làm việc từ xa tại Georgia) được đưa ra với nội dung: “Dân du mục kỹ thuật số từ 95 quốc gia có thể đến Georgia du lịch và làm việc từ xa khi phần lớn thế giới đang đóng cửa với họ”. Wilson khẳng định: “Chương trình này đã giúp Georgia khẳng định vị trí của mình đối với cộng đồng du mục kỹ thuật số”.

Việc trở thành một du khách dài hạn và làm quen với đời sống công việc mới mẻ là lựa chọn khá an toàn trong dịch bệnh. Những năm gần đây, một số nơi như Anguilla, Barbados, Bermuda, quần đảo Cayman, Dubai và Estonia cũng đã triển khai những thị thực công tác tương tự nhằm tìm kiếm lợi ích từ mô hình du lịch kỹ thuật số này, nhất là trong thời điểm đại dịch.

Một số “du mục” cho rằng dịch bệnh này đã thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa du mục kỹ thuật số. Du lịch ngắn hạn trở nên phức tạp vì các yêu cầu cách ly và sự hạn chế đi lại.Covid-19 đã cho chúng ta thấy nhiều công việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau đều có thể tiến hành từ xa. Những người du mục kỹ thuật số đã nắm bắt được những kỹ năng và nhịp độ của xu thế này, từ đó tạo nên lợi thế cho bản thân ngay từ bây giờ.

Thuý An

Theo South China Morning Post

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

“Kẻ Du Mục” và hành trình vòng quanh thế giới: Vượt...

0
(SGTT) – “Những khoảnh khắc sinh tử, chỉ cần một sai sót cũng có thể khiến tôi không quay về được. Tôi đã bị...

Blogger du lịch rủ bạn về Trà Vinh để quảng bá...

0
(SGTT) - Chưa thực hiện được nhiều chuyến du lịch do dịch bệnh Covid-19, blogger du lịch Nguyễn Thanh Tuấn chọn cách quảng bá...

Blogger Hà là lạ: hành trình từ kiến trúc sư đến...

0
(SGTT) – Chị Bùi Việt Hà là một kiến trúc sư tại TPHCM và đã có hơn 12 năm kinh nghiệm. Dù vậy, niềm...

Blogger Tô Đi Đâu và giấc mơ kích cầu du lịch...

0
(SGTT) - Blogger du lịch Tô Thái Hùng sinh năm 1996, quê ở Hà Nội, hiện sinh sống tại TPHCM. Dù tốt nghiệp loại...

Blogger du lịch Ngô Trần Hải An: Sẽ cẩn trọng hơn...

0
(SGTT) - Mặc dù khẳng định vẫn đi tour bình thường nhưng blogger du lịch nổi tiếng Ngô Trần Hải An (biệt danh Quỷ...

Blogger du lịch chia sẻ bí quyết để có bức ảnh...

0
(SGTT) - Được cộng đồng yêu xê dịch biết đến qua những bộ ảnh du lịch đầy tính sáng tạo và mang đậm dấu...

Kết nối