Thứ hai, Tháng mười một 18, 2024

Du lịch xứ Tuyên khởi sắc với nhiều điểm đến ấn tượng

Sự đa dạng về địa hình, khí hậu, lịch sử, văn hóa và con người đã tạo cho Tuyên Quang nhiều loại hình du lịch độc đáo. Mỗi một loại hình du lịch có nét độc đáo riêng, tạo nên bản sắc của du lịch “xứ Tuyên”.

Trước đây, du khách chỉ biết đến Tuyên Quang thông qua du lịch lịch sử, tín ngưỡng với hệ thống các điểm di tích thờ tự nằm dọc theo đôi bờ sông Lô. Tuy nhiên, nơi này còn là vùng đất giàu bản sắc văn hóa truyền thống bản địa, được thiên nhiên ưu đãi những cảnh sắc ấn tượng, cuốn hút.

Vẻ đẹp hoàng hôn tại Hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình.

Theo Cổng thông tin Đối ngoại tỉnh Tuyên Quang, những năm về trước, du lịch Tuyên Quang chưa thực sự phát triển, “mờ nhạt” trên bản đồ du lịch Việt Nam. Điều này có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng là tỉnh chưa có được cơ chế phù hợp để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển nhanh và bền vững; đồng thời đây lại là tỉnh miền núi nằm sâu trong nội địa, xa cửa khẩu, bến cảng, xa các trung tâm kinh tế lớn của cả nước.

Văn hóa bản địa, bản làng trù phú, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp là điểm thu hút du khách đến Tuyên Quang.

Trong những năm qua, Tuyên Quang đã chú trọng liên kết với các đơn vị doanh nghiệp, các công ty lữ hành và các địa phương trong khu vực để hình thành nên các tour, tuyến, với các trụ cột chính của du lịch là du lịch lịch sử; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch tâm linh.

Ngoài ra, việc triển khai xây dựng đường tốc độ cao Tuyên Quang - Hà Giang kết nối vào cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; xây dựng đường Na Hang - Ba Bể (Bắc Kạn) hình thành tuyến đường 2 điểm đến, tạo dấu ấn, thu hút du khách. Tuyến cao tốc này đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn thời gian, khoảng cách địa lí giữa Tuyên Quang và Hà Nội và các tỉnh thành khác trong nước.

Du khách chèo thuyền kayak khám phá Hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình.

Du khách đến Tuyên Quang sẽ có dịp tận hưởng cuộc sống thanh bình, yên ả nơi núi rừng, sông nước gần như còn nguyên sơ, chưa bị tác động bởi cuộc sống đô thị hóa, đặc biệt là hồ sinh thái Na Hang – Lâm Bình.

Tại đây còn lưu giữ được hàng ngàn loài thực vật gỗ quý hiếm như bách xanh, hoàng đàn, đinh, lim, thông lá tre... và hàng trăm loài động vật đặc hữu như gấu, hươu, nai, lợn rừng…  Quỹ Bảo tồn thế giới của Mỹ (WWF-US) đã xác định đây là một trong những hệ sinh thái có giá trị đa dạng sinh học thuộc nhóm cao nhất trên thế giới.

Trải nghiệm cắm trại ngắm cảnh đầy thú vị ở nơi đại ngàn sơn cước.

Ẩm thực của vùng đất nơi đây cũng vô cùng phong phú và độc đáo như xôi ngũ sắc được làm từ lá cây rừng ngâm với gạo nếp nương thơm nức; rượu ngô được ủ bằng men lá tạo hương vị nồng say dịu mát; thịt trâu khô được tẩm ướp đủ gia vị thiên nhiên và được treo bảo quản trên gác bếp củi hàng năm trời làm cho khổ thịt săn chắc, quắt lại, đen sậm như khúc rễ khô, khi dùng đem ngâm nước cho mềm ra rồi thái mỏng xào với măng rừng ủ chua...

Chia sẻ trên Trang thông tin Đối ngoại tỉnh Tuyên Quang, ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang, cho biết với gần 500 di tích lịch sử, văn hóa cùng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, Tuyên Quang được đánh giá là “địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống và là địa điểm tham quan hấp dẫn của du khách với nhiều loại hình du lịch hấp dẫn.

Xác định du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, tỉnh đã xây dựng 5 sản phẩm du lịch đặc sắc gồm du lịch hoài niệm (Khu Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, Di tích quốc gia đặc biệt Kim Bình); du lịch nghỉ dưỡng (suối khoáng Mỹ Lâm); du lịch tâm linh (các đền, chùa tại thành phố Tuyên Quang); du lịch sinh thái (Na Hang, Lâm Bình); du lịch lễ hội (Lễ hội thành Tuyên, Lễ hội nhảy lửa).

Thác Bản Ba - điểm đến ấn tượng tại xứ Tuyên. Ảnh: Khu du lịch thác Bản Ba

Bên cạnh việc duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có, tỉnh xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch mới. Đó là du lịch mạo hiểm - bay khinh khí cầu, đua xe đạp địa hình, khám phá hang động, khám phá, du lịch trải nghiệm trong rừng tại huyện Na Hang; bơi mảng - Hát Then trên hồ Nà Nưa tại Tân Trào, huyện Sơn Dương.

Tỉnh hình thành, đầu tư điểm check-in tại các điểm du lịch tại Na Hang, Lâm Bình; phát triển mô hình đón khách du lịch trải nghiệm theo mùa như lễ hội hoa lê, mùa vàng Hồng Thái (huyện Na Hang); khai trương tuyến phố đi bộ tại huyện Hàm Yên, thành phố Tuyên Quang; chú trọng phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nghề truyền thống phục vụ du lịch.

Thời gian qua, du lịch Tuyên Quang đang có bước phát triển khá ấn tượng. Năm 2010, chỉ có khoảng 500.000 lượt khách du lịch thì đến năm 2019, đã thu hút gần 2 triệu lượt khách, tổng thu xã hội từ du lịch đạt khoảng 1.750 tỉ đồng. Riêng năm 2022, Tuyên Quang đón gần 2,4 triệu lượt du khách. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt gần 2.500 tỉ đồng.

Đăng Huy

Theo Cổng thông tin Đối ngoại tỉnh Tuyên Quang

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Trekking xuyên rừng khám phá thác Lụa ở Tuyên Quang

0
(SGTT) - Nằm tại huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, cách trung tâm huyện hơn 20km, thác Lụa là điểm đến còn khá hoang...

Thu phí tham quan khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang...

0
Từ ngày 15-8, huyện Na Hang sẽ thu phí tham quan tại Di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh khu bảo...

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên của Tuyên Quang

0
(SGTT) - Tuyên Quang cách Hà Nội khoảng 150km về phía Bắc, được du khách biết đến bởi cảnh quan còn hoang sơ. Trong...

Khám phá hang Khuổi Pín giữa núi rừng xứ Tuyên

0
(SGTT) - Hang Khuổi Pín thuộc xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, cách hồ thủy điện Na Hang khoảng 2,5 km,...

Ghé thăm khu đền 285 tuổi, nằm bên dòng sông Lô...

0
(SGTT) – Có dịp ghé thăm thành phố Tuyên Quang, du khách có thể dành thời gian giá thăm khu di tích đền Hạ...

Về Na Hang tham gia Lễ hội mùa vàng, bay dù...

0
Vào đầu tháng 10 hằng năm, khi lúa chín vàng trên những thửa ruộng bậc thang, du khách có thể đến xã Hồng Thái,...

Kết nối