(SGTTO) - Các doanh nghiệp, cơ sở cung cấp đồ dùng khách sạn (thường gọi là đồ Amenities) cũng đã phải “ngồi chơi xơi nước” trong 10 tháng qua vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Du lịch tạm ngưng, khách sạn vắng khách kéo theo hàng loạt công nhân viên trong ngành cung cấp Amenities cũng bị ảnh hưởng.
- Hàng loạt doanh nghiệp lữ hành, khách sạn tiếp tục báo lỗ trong quí 3
- TPHCM bổ sung thêm khách sạn cách ly có thu phí
Cắt giảm nhân sự, chuyển hướng kinh doanh
Trong kinh doanh khách sạn, amenities được hiểu là đồ tiêu hao, đồ dùng một lần khách sạn, đồ tiêu phí dùng trong khách sạn. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ amenities cung cấp các sản phẩm như dầu gội đầu, sữa tắm, kem, bàn chải đánh rang hay những thỏi sô cô la thường được để đầu giường cho khách.
Các khách sạn thường đặt dịch vụ cung cấp amenities trọn gói từ bên ngoài và cung cấp lại miễn phí cho khách lưu trú. Đơn vị cung cấp amenities tùy theo yêu cầu của khách sạn, nhà nghỉ mà thiết kế bao bì, sử dụng nguyên vật liệu sản xuất... theo tiêu chuẩn khác nhau. Giá thành các bộ sản phẩm amenities do đó cũng khác nhau.
Bà Trần Lê Trúc Quỳnh, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Horecas, cho biết, thông thường, nhà máy của doanh nghiệp hoạt động liên tục mới đủ phục vụ các đơn hàng. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, doanh thu của Horecas đã giảm đến 70% vì hầu hết các khách sạn phải đóng cửa hoặc không có khách; đồ dùng amenities do đó… không cần thay mới.
Dù đã chuẩn bị được một khoản tài chính đủ để xoay xở qua hết năm nay, thế nhưng Horecas cũng phải cắt giảm nhân sự, tạm ngưng sản xuất. Phần còn lại, vẫn còn một số khách hàng của Horecas là các khách sạn phục vụ khách cách ly hoặc một số nhà nghỉ, homestay hoạt đồng cầm chừng nên cần các dịch vụ cung cấp đồ dùng khách sạn.
Còn theo bà Nguyễn Thùy Dương, đại diện Công ty TNHH MTV Kosei Quốc tế, từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, gần như các đơn hàng phục vụ thị trường trong nước lẫn xuất khẩu đều bị đình trệ. Không có việc làm, doanh nghiệp này phải cho 50% số lao động tạm nghỉ hưởng trợ cấp.
Cũng trong thời gian này, Kosei tìm cách tồn tại bằng việc chuyển hướng sang sản xuất các sản phẩm sát khuẩn, gel rửa tay khô… Vừa để cung cấp ra thị trường, vừa dành tặng đối tác là các khách sạn, resort… để chung tay đẩy lùi dịch Covid-19. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng vừa hoàn thành xây dựng một nhà máy sản xuất mỹ phẩm đạt chuẩn CGMP – ASEAN, từng bước lấn sân vào thị trường mỹ phẩm, hóa phẩm cung cấp vào các siêu thị, cửa hàng…
Cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc
Theo một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ amenities, tùy vào “hạng sao” của khách sạn, resort mà các gói dịch vụ đồ dùng tiêu hao được sử dụng cũng khác nhau. Bên cạnh một số khách sạn cao cấp có quan tâm đến chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường… hiện nay, việc cạnh tranh với sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc vẫn khiến nhiều doanh nghiệp Việt chật vật hơn.
Bà Trần Lê Trúc Quỳnh, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Horecas, thông tin, thông thường, các khách sạn từ 4 đến 5 sao, có giá phòng nghỉ ở mức cao, các dịch vụ đi kèm cũng phải có chất lượng tương ứng. Do đó, một số khách sạn hạng này hiện nay bên cạnh chất lượng sản phẩm, họ còn quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, yêu cầu nhà cung cấp amenities sử dụng các nguyên liệu dễ tiêu hủy, thân thiện với môi trường…
“Còn lại, các khách sạn thường nhìn vào bảng giá cung cấp dịch vụ để chọn lựa, ít quan tâm đến chất lượng sản phẩm. Giá càng rẻ càng dễ bán. Vì các sản phẩm này khách sạn phải cung cấp miễn phí cho khách lưu trú”, chị Quỳnh cho biết.
Cũng theo chị Quỳnh, dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, các doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn đang tích cực kích cầu du lịch, khởi động mùa kinh doanh cuối năm. Thế nhưng, với Horecas, doanh nghiệp này vẫn chưa có kế hoạch tìm kiếm thêm khách hàng mới, thị trường mới.
Nguyên nhân, theo chị Quỳnh, là hiện nay trên thị trường dịch vụ amenities, doanh nghiệp Việt đang phải cạnh tranh rất dữ dội với các sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc, giá thành rất rẻ. Mà giá thành rẻ thì chất lượng đi kèm cũng “rất khó xác định”.
Đại diện một cơ sở cung cấp dịch vụ buồng phòng khách sạn ở quận 12 (xin không nêu tên) cũng chia sẻ rằng, trừ những khách sạn, resort cao cấp phải sử dụng sản phẩm amenities có chất lượng, còn lại, hàng Trung Quốc gần như “chiếm sóng” trên thị trường hiện nay.
Các sản phẩm này có giá thành rất rẻ, có loại chỉ chưa bằng một nửa so với giá thành sản phẩm giá rẻ của doanh nghiệp Việt. Nhiều sản phẩm kem, bàn chải đánh răng không có nhãn mác, bao bì không in thành phần cấu tạo sản phẩm, bàn chải thì cứng, thô trong khi kem đánh răng chỉ là những tuýp nhỏ, màu xanh và không có bất cứ thông tin an toàn nào đi kèm.
“Những sản phẩm này giá siêu rẻ nhưng khi sử dụng có thể để lại hậu quả xấu cho người sử dụng, nhất là các sản phẩm vệ sinh răng miệng. Nếu nuốt phải, một số hóa chất có trong các sản phẩm kem đánh răng này thậm chí có thể gây hại cho hệ tiêu hóa, ảnh hưởng tới sức khỏe của người sử dụng”, vị này tiết lộ.
Nam Bình