(SGTT) - Ngành du lịch và lữ hành sẽ đóng góp con số kỷ lục là hơn 11.000 tỉ đô la Mỹ cho nền kinh tế toàn cầu trong năm 2024. Theo Hội đồng Lữ hành và du lịch thế giới (WTTC), sự phục hồi nhanh chóng của ngành du lịch đã giúp củng cố tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở thời kỳ hậu Covid-19.
Báo cáo thường niên mới công bố của WTTC ước tính, mức đóng góp của ngành du lịch và lữ hành đối với GDP toàn cầu trong năm 2024 sẽ tăng 12,1%, lên mức cao kỷ lục 11,1 nghìn tỉ đô la Mỹ. Con số này tương đương 10% GDP toàn cầu. Có nghĩa là trung bình cứ mỗi 10 đô la chi tiêu trên toàn cầu, có 1 đô la chi tiêu cho du lịch, trong đó có vé máy bay, vé du thuyền, phòng khách sạn.
“Có một số lo ngại vào năm ngoái về nguy cơ chúng ta sẽ rơi vào cơn suy thoái kinh tế toàn cầu và lạm phát cao. Tuy nhiên, năm nay, chúng tôi nhận thấy, du lịch và lữ hành là một trụ cột kinh tế thực sự của nền kinh tế toàn cầu”, Julia Simpson, CEO WTTC nói.
Bà nhấn mạnh, ngành du lịch và lữ hành giúp thúc đẩy tăng trưởng việc làm, phục hồi và ổn định kinh tế ở thời kỳ hậu Covid-19. Mức tăng trưởng mạnh mẽ của ngành cho thấy, các ưu tiên của người tiêu dùng đang chuyển hướng sang những trải nghiệm.
Theo báo cáo của WTTC, chi tiêu du lịch ở các nền kinh tế Mỹ, Trung Quốc và Đức dự kiến đóng góp cho GDP của những nước này ở mức cao nhất trong năm 2024.
Sự bật dậy mạnh mẽ của ngành du lịch chủ yếu là nhờ niềm tin của người tiêu dùng cải thiện nhanh chóng sau đại dịch Covid-19. Khi tỷ lệ tiêm ngừa Covid-19 tăng lên và những hạn chế đi lại được nới lỏng, người tiêu dùng háo hức khám phá những điểm đến mới, thăm gia đình và bạn bè cũng như trải nghiệm thế giới. Điều này dẫn đến lượng đặt phòng khách sạn, du thuyền và chuyến bay tăng đột biến.
Sau đại dịch, nhiều công ty trong ngành tăng cường áp dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm của khách hàng và tối ưu hóa hoạt động. Công nghệ đang đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành du lịch, trong đó những dịch vụ như đăng ký nhận phòng không tiếp xú, các chuyến tham quan ảo và đề xuất du lịch được cá nhân hóa, đang giúp du khách thuận tiện hơn khi đi du lịch.
Bên cạnh đó, nhiều công ty du lịch đang tập trung vào tính bền vững, nhấn mạnh tầm quan trọng của du lịch có trách nhiệm. Các sáng kiến nhằm giảm lượng khí thải carbon, quảng bá văn hóa địa phương và hỗ trợ nỗ lực bảo tồn đang ngày càng thu hút sự quan tâm của du khách.
Sau đại dịch, nhiều chính phủ trên thế giới cũng hỗ trợ tài chính và chính sách để giúp ngành du lịch phục hồi. Ngành du lịch và lữ hành không chỉ là nguồn tuyển dụng lớn mà còn là nguồn tạo thu nhập quan trọng cho nhiều cộng đồng. Các công việc được ngành hỗ trợ trải rộng từ các vị trí trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng và hàng không cho đến các vai trò trong các công ty lữ hành, điều hành tour du lịch và nhiều dịch vụ hỗ trợ khác. Những công việc náy góp phần củng cố sức sống tổng thể của nền kinh tế quốc gia và địa phương.
WTTC ước tính, ngành du lịch và lữ hành hỗ trợ gần 348 triệu việc làm trong năm 2024, cao hơn 13,6 triệu việc làm so với mức cao kỷ lục trước đây vào năm 2019.
Các công ty trong ngành vẫn đang tuyển dụng để lấp đầy các vị trí còn trống. Tại Mỹ, hiện có 1 triệu cơ hội việc làm trong ngành giải trí, khách sạn và nhà hàng, theo Hiệp hội Lữ hành Mỹ. Tổng theo WTTC, ngành du lịch và lữ hành hỗ trợ khoảng 27 triệu việc làm ở Mỹ vào năm 2023.
Bất chấp những thách thức vẫn còn, ngành du lịch và lữ hành dự kiến tăng trưởng mạnh mẽ trong thập niên tới. WTTC dự báo, đến năm 2034, ngành sẽ đóng góp 16 nghìn tỉ đô la Mỹ cho nền kinh tế toàn cầu và hỗ trợ 449 triệu việc làm. Triển vọng này hứa hẹn mang sự thịnh vượng và đổi mới ở quy mô chưa từng có.
Theo Reuters, travelandtourworld.com