Thứ Ba, Tháng 7 15, 2025

Du lịch sinh thái: Khái niệm bị lạm dụng

A.I
(SGTT) - Trong những năm gần đây, cụm từ “du lịch sinh thái” đã trở nên quen thuộc đến mức gần như “phổ cập” khắp mọi ngóc ngách ở Việt Nam. Từ vùng núi cao đến đồng bằng, từ ven biển đến miền sông nước, đâu đâu cũng có “khu du lịch sinh thái”.

Nhưng thực chất, có bao nhiêu phần trăm trong số đó đúng nghĩa là du lịch sinh thái thực thụ, và bao nhiêu chỉ là chiếc áo khoác tiếp thị cho các mô hình khai thác du lịch truyền thống?

Theo định nghĩa của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), du lịch sinh thái (ecotourism) là “du lịch có trách nhiệm với môi trường tự nhiên, giúp bảo tồn môi trường và cải thiện đời sống của người dân địa phương”. Đây không chỉ là việc đi đến nơi có cây cối, chim muông, mà còn là cách đi, cách lưu trú, cách tương tác và đóng góp vào hệ sinh thái - theo cả nghĩa đen và bóng.

Vườn chim Thung Nham ở Ninh Bình. Ảnh: Vương Lộc

Một chương trình du lịch sinh thái đúng nghĩa cần đảm bảo các yếu tố như: Diễn ra ở vùng thiên nhiên nguyên sơ hoặc có giá trị bảo tồn cao; Giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và văn hóa bản địa; Mang lại lợi ích kinh tế bền vững cho cộng đồng địa phương; Có yếu tố giáo dục, giúp du khách hiểu hơn về thiên nhiên và môi trường; Có cơ chế quản lý và giám sát hiệu quả, đảm bảo sự bền vững.

Sự lạm dụng khái niệm

Không khó để bắt gặp cụm từ “du lịch sinh thái” ở bất cứ đâu tại Việt Nam - từ bảng hiệu bên quốc lộ đến các khu vui chơi gần đô thị, từ các trang mạng quảng bá khu nghỉ dưỡng đến cả những tụ điểm ăn uống cạnh ao hồ. Thế nhưng, nếu chiếu theo định nghĩa quốc tế nêu trên, rất ít điểm đến ở Việt Nam đạt được tiêu chuẩn của một địa điểm du lịch sinh thái đúng nghĩa.

Cụm từ “du lịch sinh thái” đang bị lạm dụng đến mức tràn lan, trở thành một cách tiếp thị thay vì phản ánh nội hàm thực chất. Rất nhiều khu du lịch nhân tạo - được dựng lên chỉ với hai ba chiếc chòi lá, nuôi vài con cá, trồng ít tre hay cây xanh và có hồ bơi xi măng - cũng tự nhận là “khu du lịch sinh thái”.

Không hiếm trường hợp các quán ăn nhậu cạnh sông, có chỗ câu cá giải trí và karaoke ồn ào cũng gắn mác “khu du lịch sinh thái”. Thậm chí, nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng với sân golf và biệt thự bê tông hóa rừng cũng tự quảng bá là “khu du lịch sinh thái cao cấp”.

Ngay cả tại các vườn quốc gia hay khu bảo tồn thiên nhiên - vốn được xem là nơi dễ triển khai du lịch sinh thái nhất - phần lớn hoạt động vẫn chỉ dừng ở mức “du lịch thiên nhiên”. Du khách đến, tham quan, chụp ảnh, đôi khi vứt rác, rồi rời đi mà không hề có sự giáo dục về hệ sinh thái, không có sự tham gia của cộng đồng bản địa trong việc điều hành hay hưởng lợi kinh tế một cách công bằng.

Cụm từ “du lịch sinh thái” đã trở nên phổ biến đến mức, trong nhận thức của không ít người, từ “sinh thái” gần như đồng nghĩa với “du lịch”. Sự phổ cập tràn lan này dẫn đến những nhầm lẫn thú vị mà cũng đáng lo ngại: khi nhắc đến “nghiên cứu sinh thái”, nhiều người mặc nhiên hiểu là nghiên cứu về du lịch; khi nói đến “bảo tồn hệ sinh thái”, không ít người lại hình dung đó là nỗ lực bảo tồn các điểm đến du lịch.

Một số người cho rằng định nghĩa du lịch sinh thái theo chuẩn quốc tế là quá lý tưởng, không phù hợp với thực tế ở Việt Nam, và rằng ở đây “sinh thái” chỉ cần có cây cối, sông suối, không khí trong lành là đủ. Quan điểm này dẫn đến việc lạm dụng khái niệm, biến “du lịch sinh thái” thành một nhãn dán tiếp thị thay vì một định hướng phát triển bền vững. Nếu tiếp tục dễ dãi với định nghĩa này, chúng ta không chỉ làm rỗng nội hàm của khái niệm này mà còn gây tổn hại đến môi trường và cộng đồng địa phương.

Hệ lụy của sự lạm dụng khái niệm

Việc hiểu sai và lạm dụng khái niệm du lịch sinh thái mang lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Trước hết là mất lòng tin của du khách. Du khách ngày càng mất niềm tin vào những gì được quảng bá. Khi những trải nghiệm thực tế khác xa với hình ảnh “sinh thái” trên bảng hiệu, sự hoài nghi và thất vọng sẽ tích tụ.

Tiếp theo là tác động tiêu cực đến môi trường. Những khu tự nhận là sinh thái nhưng không có quy trình quản lý môi trường dẫn đến xả rác, xâm lấn sinh cảnh tự nhiên, gây ô nhiễm nguồn nước, tiếng ồn, thậm chí ảnh hưởng đến động vật hoang dã.

Các sáng kiến thực sự làm du lịch sinh thái đúng nghĩa bị hòa lẫn và mất đi lợi thế cạnh tranh, do không thể quảng bá rầm rộ như các mô hình thương mại hóa giả danh.

Khu bảo tồn Đồng Tháp Mười. Ảnh: Lữ Duy Tường

Sự lạm dụng cũng dẫn đến việc giảm hiệu quả trong giáo dục cộng đồng. Thay vì nâng cao nhận thức môi trường, các mô hình “giả sinh thái” khiến cộng đồng tiếp tục hiểu sai, thậm chí coi việc hủy hoại môi trường là bình thường trong hoạt động du lịch.

Có nhiều nguyên nhân khiến khái niệm du lịch sinh thái bị hiểu sai và lạm dụng ở Việt Nam: (i) Thiếu khung pháp lý rõ ràng: Hiện tại, Việt Nam chưa có những tiêu chí thống nhất, cụ thể để đánh giá và chứng nhận một khu du lịch sinh thái. Điều này khiến ai cũng có thể tự nhận danh xưng mà không qua kiểm định. (ii) Tư duy phát triển du lịch ngắn hạn: Nhiều địa phương và nhà đầu tư chỉ xem du lịch như công cụ tăng thu nhanh, thiếu chiến lược dài hạn về bảo tồn và bền vững. (iii) Thiếu năng lực quản lý và giám sát: Việc vận hành du lịch trong vùng nhạy cảm sinh thái đòi hỏi kỹ năng, kiến thức và sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều bên - điều mà nhiều địa phương chưa đáp ứng được. (iv) Hiểu sai khái niệm từ đầu: Không ít cán bộ quản lý lẫn doanh nghiệp kinh doanh du lịch bản thân đã hiểu nhầm du lịch sinh thái là đi tới vùng có cây xanh, sông suối là đủ.

Một số mô hình gần đúng tiêu chuẩn

Dù số lượng còn ít, Việt Nam vẫn có một số mô hình du lịch sinh thái đúng nghĩa hoặc gần đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ví dụ:

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Thanh Hóa): Phát triển homestay cộng đồng, người dân bản địa trực tiếp vận hành, có các tour trekking có hướng dẫn viên bản xứ, giáo dục về văn hóa - sinh thái địa phương.

Khu du lịch Cù Lao Chàm (Quảng Nam): Hạn chế rác nhựa, kiểm soát lượng khách, tuyên truyền về bảo vệ san hô, đời sống biển.

Khu Ramsar Tràm Chim (Đồng Tháp): Có hoạt động giáo dục môi trường, bảo tồn chim nước và kết nối với cộng đồng ngư dân địa phương.

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Thanh Hóa). Ảnh: Nguyễn Trọng Cung

Tuy nhiên, những mô hình như vậy vẫn còn ít, chưa trở thành dòng chủ lưu trong phát triển du lịch Việt Nam. Các khu này còn một số điểm cần quản lý tốt hơn như việc số lượng khách tăng quá cao vào mùa cao điểm có thể ảnh hưởng đến môi trường.

Để du lịch sinh thái không còn là chiếc áo khoác rỗng

Du lịch sinh thái không phải là một cái mác để dán. Nó là một cam kết nghiêm túc về bảo vệ thiên nhiên, phát triển cộng đồng và tạo dựng một mô hình du lịch bền vững. Nếu tiếp tục hiểu sai và sử dụng sai khái niệm này, Việt Nam sẽ đánh mất không chỉ tài nguyên môi trường, mà còn cả uy tín và tiềm năng phát triển dài hạn của ngành du lịch và hơn thế nữa là chúng ta không cùng hệ với thế giới.

Vì vậy, để du lịch sinh thái không còn là chiếc áo rỗng cần thực hiện những điều như sau: (i) Ban hành tiêu chuẩn quốc gia cho du lịch sinh thái: Cần có một khung tiêu chí cụ thể, có cơ chế cấp chứng nhận và kiểm định định kỳ các cơ sở tự nhận là du lịch sinh thái. (ii) Tăng cường kiểm tra và xử phạt sai phạm: Những nơi quảng bá sai sự thật, làm tổn hại môi trường cần bị xử lý nghiêm để răn đe. (iii) Đào tạo cho cán bộ và doanh nghiệp: Tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về du lịch sinh thái, bảo tồn, quản trị tài nguyên thiên nhiên cho các bên liên quan. (iv) Khuyến khích mô hình cộng đồng: Ưu tiên hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các dự án do cộng đồng địa phương vận hành, có sự gắn bó thực chất với thiên nhiên và văn hóa bản địa. (v) Truyền thông đúng về khái niệm: Cần có chiến dịch truyền thông đại chúng để làm rõ du lịch sinh thái là gì? - Như thế nào là không phải? - nhằm định hình lại nhận thức xã hội.

Nguyễn Hữu Thiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Khám phá thác Dương Cầm – ‘cung đàn’ giữa đại ngàn...

0
(SGTT) – Nằm trong khu dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong, tỉnh Quảng Trị (mới), thác Dương Cầm là điểm...

Du lịch không rác thải cần mạng lưới rộng hơn

0
(SGTT) – Nhiều ý kiến tại hội thảo ra mắt Mạng lưới Du lịch Không Rác Việt Nam tại Đà Nẵng chỉ ra, mô...

Khách sạn tại Hà Nội không sử dụng sản phẩm nhựa...

0
(SGTT) - Tại Hà Nội, khách sạn, khu du lịch không lưu hành và sử dụng các sản phẩm từ nhựa sử dụng một...

Khách Việt ưu tiên du lịch không rác thải nhựa

0
(SGTT) - Báo cáo Du lịch và Phát triển bền vững 2025 của Booking.com cho thấy 41% du khách Việt xem việc giảm thiểu...

Khám phá 20 thành phố ‘xanh’ nhất thế giới

0
(SGTT) – Theo khảo sát của tạp chí Time Out với hơn 18.500 người tại nhiều quốc gia, Medellín (Colombia), Boston (Mỹ) và Sydney...

‘Trốn phố’ lên Y Tý tắm thác, ngắm lúa xanh

0
(SGTT) – Tháng 6-2025, anh Tuyên Parafu (Phạm Quang Tuyên), travel blogger đến từ Thái Bình, cùng bạn bè rời thành phố Hà Nội...

Kết nối