Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Du lịch sẽ là ngành then chốt trong năm 2023

(SGTT) - Trong báo cáo "Vietnam at a glance" vừa công bố, HSBC nhận định du lịch  nổi lên như một nguồn tăng trưởng mới để xoa dịu một số thách thức trong năm 2023. Các biện pháp thúc đẩy du lịch có thể kể tới giải quyết các hạn chế về chuyến bay, nới lỏng các yêu cầu về thị thực và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.
Bất chấp tình hình thương mại đang chậm lại, vẫn có những yếu tố giữ cho nền kinh tế Việt Nam vững vàng. Du lịch sẽ là một ngành then chốt trong năm 2023.

Trong báo cáo mới nhất, HSBC gọi du lịch là "một phần cứu cánh" cho nền kinh tế Việt Nam năm nay. Giữa lúc thương mại gặp khó, các chuyên gia kinh tế tại tổ chức tài chính này cho rằng du lịch sẽ là một ngành then chốt và là nguồn tăng trưởng mới.

Sau khi mở cửa trở lại vào tháng 3-2022, du lịch nội địa của Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ, nhưng du lịch quốc tế vốn chiếm 60% doanh thu du lịch lại phục hồi không mấy sôi động. Mặc dù vậy, Việt Nam có những lý do chính đáng để kỳ vọng một sự phục hồi mạnh mẽ hơn, đặc biệt là sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại.

"Để hiện thực hóa tiềm năng du lịch và tăng sức hấp dẫn, giải quyết các hạn chế về chuyến bay với các thị trường lớn và nới lỏng các yêu cầu về thị thực là hai trong số các vấn đề chính. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã nỗ lực mở rộng các cơ sở lưu trú, đa dạng hóa sản phẩm du lịch nhằm tiếp tục thúc đẩy dòng khách du lịch", HSBC nhận định.

Sẵn sàng tiếp nhận “cú hích” từ khách Trung Quốc

Sau khi Việt Nam mở cửa trở lại vào tháng 3 năm ngoái, du lịch nội địa đã phục hồi mạnh mẽ, giúp Việt Nam dễ dàng vượt qua mục tiêu 60 triệu lượt khách nội địa trong năm 2022 và thực tế đạt được trên 100 triệu lượt khách du lịch nội địa. Trong khi đó, Việt Nam đón 3,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2022, chủ yếu là du khách đến từ Hàn Quốc (26%) và Mỹ (9%).

Trung Quốc đại lục, nguồn khách du lịch lớn nhất cho Việt Nam trước đại dịch gần đây cũng đã bắt đầu quá trình mở cửa trở lại, tạo thêm thuận lợi cho ngành du lịch đang phát triển mạnh của Việt Nam. Ảnh: Đào Loan

Tuy nhiên, du lịch quốc tế mới chỉ phục hồi phần nào chứ chưa hẳn là hoàn toàn, với lượng khách du lịch đạt 3,6 triệu lượt, chỉ bằng 20% so với mức của năm 2019. Năm 2023, chính phủ đặt mục tiêu thu hút 102 triệu lượt khách du lịch nội địa và 8 triệu lượt khách quốc tế, với doanh thu từ du lịch dự kiến sẽ tăng hơn 30%, mặc dù vẫn thấp hơn mức của năm 2019. Một điểm cần lưu ý là tổng doanh thu du lịch từng cao tương đương 10% GDP vào năm 2019.

Trung Quốc đại lục, nguồn khách du lịch lớn nhất cho Việt Nam trước đại dịch gần đây cũng đã bắt đầu quá trình mở cửa trở lại, tạo thêm thuận lợi cho ngành du lịch đang phát triển mạnh của Việt Nam. Mặc dù quá trình phục hồi có thể diễn ra từ từ nhưng tác động đối với nền kinh tế Việt Nam sẽ rất lớn xét trên nhiều phương diện. Ví dụ, trước đây, trung bình khách du lịch Trung Quốc đã chi tiêu nhiều hơn và ở lại lâu hơn so với hầu hết khách du lịch châu Á, mặc dù thấp hơn so với khách du lịch châu Âu và Mỹ.

Với tỷ lệ khách du lịch Trung Quốc không nhỏ (30%), Việt Nam có thể cũng sẽ là một nước hưởng lợi lớn trong khu vực, chỉ sau Thái Lan, khi tiếp nhận “cú hích” từ sự quay trở lại của khách du lịch Trung Quốc. Nếu có thể giải quyết những hạn chế về chuyến bay và nới lỏng thêm các yêu cầu về thị thực nhập cảnh, HSBC cho rằng tỷ lệ quay trở lại của du khách Trung Quốc đạt 50-80% so với mức trước đại dịch (3 triệu đến 4,5 triệu) là một mục tiêu trong tầm với của Việt Nam.

Khai thác thị trường mới, cởi mở chính sách thị thực

Bên cạnh đó, việc khai thác thêm các thị trường mới sẽ là một vấn đề trọng tâm, với nhiều sáng kiến khác nhau như thực hiện các chương trình giới thiệu quảng bá du lịch để mở đường tiếp cận các thị trường mới nổi như Ấn Độ, một quốc gia có dấu ấn ngày càng tăng trong ngành du lịch quốc tế của Việt Nam.

Ấn Độ, một quốc gia có dấu ấn ngày càng tăng trong ngành du lịch quốc tế của Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Tháng 9-2022, Vietjet đã bắt đầu khai thác các đường bay giữa đảo nghỉ dưỡng Phú Quốc với New Delhi và Mumbai của Ấn Độ. Các đường bay khác cũng đã khai trương nhằm kết nối các thành phố lớn của hai nước. Việc đi lại dễ dàng hơn cũng tạo điều kiện cho kết nối du lịch sâu rộng hơn khi khách du lịch Ấn Độ chiếm 4% tổng số du khách của Việt Nam trong năm 2022, tăng từ mức chỉ 1% vào năm 2019.

Để thu hút du khách, Việt Nam đang xem xét nới lỏng thêm chính sách thị thực. Hiện tại, Việt Nam không miễn thị thực cho các thị trường lớn bao gồm Trung Quốc đại lục, Mỹ và Úc, còn các nước châu Âu được miễn thị thực nhưng thời hạn lưu trú chỉ được 15 ngày. Các quan chức đang cân nhắc tăng thời gian miễn thị thực lên 30 ngày và triển khai cấp thị thực điện tử cho công dân đến từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đa dạng hóa sản phẩm du lịch

Một cách khác để tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch không chỉ ở cải thiện cơ sở hạ tầng truyền thống mà còn là đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Du lịch thể thao, một phân khúc du lịch nằm trong tầm nhìn ngành du lịch của Tổng cục Du lịch Việt Nam, cũng có thể giúp thu hút du khách thuộc nhóm có mức chi tiêu cao.

Chẳng hạn, Hà Nội đã và đang hướng tới mục tiêu trở thành điểm đến hàng đầu về du lịch golf. Báo cáo "Vietnam at a glance" cho rằng thị trường còn tương đối non trẻ, đồng nghĩa với tiềm năng còn nhiều cơ hội để cải thiện về tổ chức tour trọn gói và sự phối hợp giữa các nhà cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, đây là một cơ hội tốt khi mà số lượng sân golf ở Việt Nam được dự đoán có thể tăng gấp đôi lên 200 vào năm 2025.

Cùng với các phân khúc khác đã được khoanh vùng như du lịch y tế và nông nghiệp, các dự án phát triển liên quan sẽ đóng vai trò then chốt trong hỗ trợ thu hút sự quan tâm của thế giới đối với du lịch Việt Nam. Ảnh: Minh Hải

Mức độ phát triển các cơ sở vật chất phục vụ du lịch nói chung có sự phát triển, Đặc biệt, nguồn cung cơ sở lưu trú cao cấp tiếp tục tăng trưởng với số lượng cơ sở tiêu chuẩn 4-5 sao tăng bình quân 12%/năm trước đại dịch, theo Tổng cục Du lịch.

Sau đại dịch, một số chuỗi khách sạn toàn cầu đang tìm cách tích cực mở thêm cơ sở mới tại Việt Nam. Ví dụ, La Festa Phú Quốc, Curio Collection by Hilton dự kiến sẽ khai trương vào giữa năm 2023 và Marriott International cũng dự kiến sẽ bổ sung thêm 9.000 phòng vào mức hiện tại là 3.300 phòng. Với tham vọng tầm quốc gia và các dự án phát triển khác nhau đang diễn ra, về cơ bản triển vọng ngành du lịch quốc tế của Việt Nam vẫn tích cực.

Đăng Huy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Chuyện cái nhà vệ sinh ở điểm đến hàng đầu Đông...

0
(SGTT) - Năm 2023, tôi bất ngờ khi đọc được tin tức “Malaysia là địa điểm du lịch quốc tế hàng đầu Đông Nam...

Khám phá 9 khu du lịch quốc gia ở Việt Nam

0
(SGTT) - Tính đến tháng 5-2024, đã có 9 khu du lịch quốc gia (DLQG) được công nhận, gồm khu DLQG Tuyền Lâm (Lâm...

Liên ngành hàng không – du lịch cần ‘phối hợp ăn...

0
(SGTT) - Hai ngành du lịch, hàng không vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển, nhưng muốn phát triển hiệu quả thì...

Lonely Planet gợi ý 13 hoạt động nên làm khi du...

0
(SGTT) - Joe Bindloss, cây viết của Lonely Planet đã chia sẻ những trải nghiệm khám phá ẩm thực, chạy xe máy và tắm...

Chuyện trò du lịch thời nay: Kỳ vọng một năm ‘bay...

0
(SGTT) - Khép lại năm Quý Mão 2023 cũng là năm du lịch Việt Nam từng bước phục hồi và tuy đạt được mục...

Du lịch toàn cầu có thể phục hồi hoàn toàn vào...

0
Theo dự đoán của Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism), du lịch toàn cầu có thể sẽ phục hồi hoàn toàn...

Kết nối