(SGTT) - Bước vào mùa Hè cũng là cao điểm của mùa du lịch, việc tung ra các gói kích cầu đúng thời điểm sẽ tạo ra lợi thế trong việc thu hút khách. Tuy nhiên, giá vé máy bay cao sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến tình hình bán tour nội địa. Do đó, các doanh nghiệp cũng như chính quyền địa phương bắt đầu có những phương thức mới để tiếp cận du khách, đặc biệt là sản phẩm và dịch vụ hấp dẫn.
- Về Quảng Nam xem lễ rước sắc phong và chánh tế Kỳ Yên
- Khai hội làng nghề mộc hơn 500 tuổi ở Quảng Nam
Các giải pháp đã được đề cập trong buổi họp báo công bố chương trình kích cầu du lịch 2024 với chủ đề “Quảng Nam – Miền xanh Di sản” diễn ra vào tuần trước, do UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp cùng các bên liên quan tổ chức.
Khi người dân kể chuyện du lịch
Chương trình kích cầu diễn ra từ tháng 5 đến tháng 11-2024, gồm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 “Quảng Nam – cảm xúc mùa hè” từ tháng 5 đến tháng 8-2024 và giai đoạn 2 “Mùa vàng xứ Quảng” từ tháng 9 đến hết tháng 11-2024. Chương trình được chính thức khởi động với tổng giá trị ưu đãi gần 10 tỉ đồng (chưa tính giá các sản phẩm dịch vụ giảm từ 15-30%: ăn uống, vui chơi giải trí, đường sắt…).
Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, cho rằng việc kích cầu du lịch thời điểm hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đạt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 850.000 tỉ đồng, phục hồi du lịch hoàn toàn như trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Ngành du lịch tỉnh Quảng Nam vốn gắn liền với thương hiệu “du lịch xanh”. Do đó, trong năm 2024, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh và xúc tiến thương hiệu này. Ngoài ra tỉnh cũng tận dụng thế mạnh về di sản và văn hoá để khai thác du lịch có chiều sâu.
Thời gian từ tháng 9 đến tháng 11 là mùa thấp điểm của ngành du lịch Quảng Nam vì vào mùa mưa bão. Để tăng số lượt khách đến tham quan trong thời gian này, du lịch tỉnh Quảng Nam thu hút khách bằng “du lịch qua câu chuyện” và người kể chuyện ở đây chính là người dân địa phương và những người nông dân.
“Với Hội An mùa nước nổi hay Phố cổ rêu phong, Lễ hội mừng lúa mới và nhiều hoạt động trải nghiệm khác là những gói sản phẩm chúng tôi tận dụng đặc điểm tự nhiên, thời tiết cũng như mùa vụ trong thời gian này để khai thác đưa vào du lịch. Tham gia những hoạt động này, du khách không chỉ được trải nghiệm đi thuyền trong phố cổ mùa nước lên, gặt lúa bằng tay,… mà còn được nghe chính những người dân địa phương kể lại những câu chuyện về mùa nước nổi hay câu chuyện làm đồng của những người nông dân”, ông Nguyễn Xuân Hà, đại diện Câu lạc bộ Điểm đến Quảng Nam, cho biết.
Do đó, đối tượng khách du lịch ở giai đoạn 2 tập trung vào các đoàn khách MICE, khách yêu thích du lịch văn hoá, người cao tuổi, người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam.
Giá vé máy bay tăng là cơ hội hay thách thức?
Tuy nhiên, với thực tế giá vé máy bay các chặng nội địa vẫn còn cao trong giai đoạn này khiến cho tình hình bán tour nội địa có phần chậm lại, kéo theo đó là khối các khách sạn lưu trú cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Do đó, ngành du lịch tỉnh Quảng Nam cùng các doanh nghiệp lữ hành đang thúc đẩy du lịch đường sắt, xe buýt làm giải pháp hạn chế phụ thuộc vào đường hàng không.
Ông Steven Wolstenholme, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hoiana Resort & Golf, cho biết năm nay, du lịch nội địa có thể gặp một số khó khăn khi chi phí vận chuyển hàng không trong nước tăng.
“Vào thời điểm này năm ngoái, chúng tôi gần như kín phòng cho dịp lễ 30-4 và 1-5. Năm nay, tỷ trọng lấp phòng dịp lễ giảm, chỉ bằng khoảng 60% so với năm ngoái”, ông Steven Wolstenholme thông tin, đồng thời cho rằng việc linh hoạt, nhanh chóng thúc đẩy du lịch đường sắt là hướng đi đúng đắn của tỉnh Quảng Nam.
Việc vé máy bay các chặng nội địa tăng đòi hỏi các doanh nghiệp lữ hành phải liên tục khảo sát và tìm ra các phương án thay thế để điều chỉnh giá tour phù hợp.
Chia sẻ về vấn đề này ông Trần Nhật Sơn, đại diện Công ty TNHH TM Dịch vụ Du lịch Hội An Express, cho biết công ty đã thêm dịch vụ di chuyển bằng tàu lửa hoặc xe buýt vào các gói sản phẩm nhằm căn chỉnh giá tour phù hợp hơn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đưa thêm nhiều địa điểm mới như Cửa Khe, Trà Đoã (Thăng Bình), thác Ồ Ồ (Tiên Phước)... vào tour trải nghiệm, đồng thời cũng tập trung vào gói sản phẩm tour cắm trại ngắn ngày và dài ngày để thu hút du khách nội địa, đặc biệt là nhóm khách gia đình có trẻ em”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH – TT&DL tỉnh Quảng Nam, cho biết du lịch bằng đường hàng không vẫn sẽ luôn là chủ đạo. Tuy nhiên ở thời điểm này, du lịch bằng tàu lửa và xe buýt là phương pháp bổ trợ và là hướng đi cần thiết. Đi tàu lửa thì giá rẻ hơn, ngắm được cảnh quan xung quanh tuy nhiên sẽ mất thời gian hơn.
“Ngoài ra, trong thời gian đến Quảng chuẩn bị khởi động lại các tuyến xe buýt kết nối Quảng Nam – Đà Nẵng, Đà Nẵng – Hội An, và các tuyến này sẽ được thay bằng các dòng xe buýt mới, hiện đại hơn nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của khách du lịch”, ông Nguyễn Thanh Hồng chia sẻ về kế hoạch sắp tới.