Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024

Du lịch Phú Yên kỳ vọng tiếp tục lập ‘cú hích’ từ điện ảnh

A.I
(SGTT) - Tháng 11-2023, Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) đã phối hợp với tỉnh Phú Yên công bố Bộ chỉ số thu hút đoàn làm phim, gọi tắt là PAI (Production Attraction Index) tại chương trình Điện ảnh với Phú Yên. Từ sự kiện này, du lịch Phú Yên kỳ vọng tiếp tục lập “cú hích” từ điện ảnh sau bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.
Một ngôi nhà xây dựng năm 1978 tại một làng biển xã Hòa Hiệp Trung, TX Đông Hòa vừa được một đoàn làm phim chọn làm bối cảnh quay. Ảnh: Trần Thanh Hưng

PAI được xác lập dựa trên thông tin do các địa phương cung cấp theo thực trạng và mong muốn của địa phương trong việc đón các đoàn làm phim đến quay phim tại địa bàn của mình. Các nhà làm phim khi tiến hành khảo sát địa điểm quay phim sẽ tham khảo dữ liệu trên Bộ chỉ số PAI để lựa chọn địa điểm quay phim phù hợp. Lý do là một bộ phim được làm ra đòi hỏi sự tham gia của gần như mọi ngành nghề và công việc trong xã hội, đặc biệt là từ địa phương nơi bộ phim được quay.

Mục tiêu của VFDA khi xây dựng PAI là tạo dựng một môi trường thuận lợi cho các hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, đặc biệt là tạo điều kiện hợp tác cho hai phía cả địa phương và đoàn làm phim để bộ phim được làm một cách tốt nhất, từ đó phát huy thế mạnh của điện ảnh góp phần phát triển du lịch và các ngành dịch vụ, kinh tế địa phương. 

Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam đều chỉ ra mối quan hệ mật thiết giữa sự tăng trưởng du lịch và kinh tế địa phương với việc công chiếu thành công các bộ phim được quay tại địa phương đó. Theo số liệu thống kê của Úc, cứ 1 đô la Úc được Chính phủ đầu tư cho hoạt động làm phim thì sẽ thu lại được 6 đô la Úc từ các hoạt động liên quan đến việc sản xuất và công chiếu bộ phim. 

Ở Việt Nam, Phú Yên là địa phương đã đón lượng khách du lịch tăng hơn 27 lần sau khi bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” quay tại Phú Yên được công chiếu.

Ngắm tháp Nghinh Phong nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Khánh Vũ Khoa

Ngay sau khi Phú Yên được công bố là địa phương dẫn đầu Bộ chỉ số PAI năm 2023, Phú Yên đã liên tục đón các đoàn làm phim trong nước và quốc tế đến quay phim.

Bộ phim điện ảnh “Ngày xưa có một chuyện tình” (đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh) chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được nhà sản xuất chọn quay chủ yếu tại Phú Yên bởi Phú Yên được xếp ở vị trí địa phương có nhiều hỗ trợ nhất cho các đoàn làm phim theo Bộ chỉ số PAI. Phim “Ngày xưa có một chuyện tình” ra rạp từ cuối tháng 10-2024 với hy vọng cũng sẽ tạo “cú hích” du lịch như phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.

Bên cạnh đó, dự án phim “Tình yêu ở Việt Nam” hợp tác sản xuất giữa Ấn Độ và Việt Nam, đã được giới thiệu tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 77 (tháng 5-2024), dự kiến chính thức bấm máy vào cuối năm 2024. Đây là dự án xuyên biên giới, được nung nấu từ cuộc gặp gỡ của các nhà sản xuất phim Việt Nam và Ấn Độ đến tham dự chương trình Điện ảnh với Phú Yên do VFDA và UBND tỉnh Phú Yên tổ chức.

Mặc dù chưa có một tổng hợp đầy đủ về kết quả tác động tích cực của Bộ chỉ số PAI đối với các đoàn phim và địa phương, nhưng VFDA tin rằng Bộ chỉ số PAI đang được các nhà làm phim Việt Nam và quốc tế tham khảo trong quá trình lựa chọn địa điểm quay phim.

PAI được xây dựng trên một khuôn khổ giải quyết các nhu cầu thiết yếu của sản xuất phim, bao gồm năm thành phần cốt lõi, gồm: hỗ trợ tài chính (đánh giá tính khả dụng của các khoản tài trợ, trợ cấp và ưu đãi thuế cho các nhà làm phim); hỗ trợ thông tin (đo lường những nỗ lực quảng bá điểm đến cho các nhà làm phim và ngành công nghiệp điện ảnh); hỗ trợ tại chỗ (đánh giá những nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc kết nối đoàn làm phim với các bên liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình quay phim); hỗ trợ pháp lý (đánh giá mức độ dễ dàng trong việc xin giấy phép và tuân thủ các yêu cầu pháp lý) và mức độ sẵn sàng của cơ sở hạ tầng (đánh giá mức độ sẵn có và chất lượng của các cơ sở sản xuất và nguồn lực).

PAI trao quyền cho chính quyền địa phương điều chỉnh các chính sách và hành động của họ để đáp ứng nhu cầu và khả năng riêng biệt của khu vực một cách hiệu quả. Bằng cách thu hút các đoàn làm phim, sáng kiến này tạo ra cơ hội việc làm, thúc đẩy du lịch và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Trần Thanh Hưng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Ký sự sông Ba (kỳ cuối): Di sản dòng sông và...

0
(SGTT) - Ví dòng sông như một thiếu nữ là cách mà tác giả dành để kết bài viết này. Nếu như Ayun Pa...

Gợi ý 6 dòng thác nên ghé thăm khi đến Phú...

1
(SGTT) – Thác J’rai Tang, Vực Phun, thác Cây Đu hay thác H’ly là những dòng thác đẹp, còn khá hoang sơ mà du...

Cắm trại, ngắm hoàng hôn trên cù lao Mái Nhà

0
(SGTT) - Cù lao Mái Nhà thuộc xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách làng chài Phước Đồng khoảng 4km. Trên...

Mùa thu hoạch cói tại làng nghề dệt chiếu hơn 100...

0
(SGTT) - Cách thành phố Tuy Hòa khoảng 30km, làng nghề dệt chiếu cói ở thôn Phú Tân, xã An Cư, huyện Tuy An,...

Ngôi nhà lưu dấu ấn dòng gốm cổ hơn 300 năm...

0
(SGTT) - Nhà Quảng Đức Xưa nằm cạnh quốc lộ 1, thuộc thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, đầu đường qua cầu Lò...

Ký sự sông Ba (kỳ 2): Từ Ayun Pa đến đập...

0
(SGTT) - Cái tên sông Ba mang âm sắc gốc của các cụm từ “Ayun Pa”, “Ia Pa”, “K’rong Pa”, đều là tên gọi...

Kết nối