(SGTT) - Không chỉ các nhà máy xi măng hay sắt thép thải khói đen nghịt cần giảm phát thải, mà du lịch và nông nghiệp cũng bị áp chuẩn phát thải để tiến tới mục tiêu Net Zero toàn cầu, trong đó cam kết của Việt Nam vào năm 2050.
- Phong trào du lịch Net Zero: Phải chăng bình mới rượu cũ?
- Cùng nhập cuộc để tăng tốc cho nền kinh tế Net Zero
"Xanh hóa" khách sạn
Theo ông Trần Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Net Zero Carbon, hiện nay các khách sạn, đặc biệt là khách sạn 4-5 sao đang đối mặt với yêu cầu trung hòa carbon theo công bố của châu Âu và các hiệp hội liên quan. Net Zero Carbon là doanh nghiệp đã và đang phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn xanh, giảm phát thải nhiều năm qua.
Theo đó, từ năm 2027, nếu các khách sạn không trở thành khách sạn xanh (Green Hotel), họ có thể bị loại khỏi danh sách của nhiều nền tảng đặt phòng Agoda, Booking và các nền tảng du lịch lớn. Lúc này, các khách sạn từ 4 sao trở lên sẽ mất dần lợi thế trong việc tìm kiếm khách hàng.
Ông Tiến chia sẻ một khảo sát của nền tảng đặt phòng nổi tiếng hiện nay là Booking.com cho thấy, 93% du khách ưu tiên lựa chọn dịch vụ du lịch xanh, nghĩa là thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo hoặc giảm thiểu chất thải nhựa. Trước xu hướng du lịch xanh đang tăng mạnh như hiện nay, khách sạn không còn lựa chọn ‘nên’ hay ‘không nên’, mà buộc phải chuyển đổi xanh nếu muốn tồn tại.

Phân tích thêm, ông Nguyễn Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc bộ phận bền vững tại Bureau Veritas Việt Nam, rằng báo cáo năm ngoái của Booking.com cho thấy 76% du khách quốc tế muốn lựa chọn dịch vụ thân thiện với môi trường và 43% sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho trải nghiệm bền vững. Các nền tảng đặt phòng lớn như Booking.com đã bắt đầu áp dụng nhãn “Travel sustainable”. Mục tiêu của nhãn này là giúp khách du lịch nhận biết những cơ sở lưu trú áp dụng các giải pháp thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.
Ở góc độ chính sách, các quy định như Nghị định 06/2022/NĐ-CP và Nghị định 119/2025/NĐ-CP yêu cầu kiểm kê và báo cáo khí nhà kính định kỳ, thực tế đã có 1 số khách sạn lớn ở TPHCM từng nằm trong danh sách bắt buộc kiểm kê, theo tìm hiểu của người viết. Để đạt mục tiêu Net Zero năm 2050, doanh nghiệp cần triển khai đồng bộ từ tiết kiệm năng lượng, quản lý rác thải đến bù đắp carbon. Đây là gánh nặng không nhỏ với các khách sạn vừa và nhỏ vốn hạn chế về nguồn lực và công nghệ.
Có thể thấy rằng mục tiêu giảm phát thải carbon không chỉ là câu chuyện môi trường, mà còn là bài toán tài chính và quản trị dài hạn đối với các doanh nghiệp, dù cho đó là khách sạn.
Nói về lợi ích khi “xanh hóa” khách sạn, ông Tiến cho biết, việc chuyển đổi sang vận hành xanh mang lại nhiều lợi ích như giảm chi phí dài hạn nhờ tiết kiệm điện, nước và tối ưu hóa quản lý tài nguyên. Ngoài ra, doanh nghiệp còn tăng sức hút với du khách khi đáp ứng xu hướng du lịch bền vững; đồng thời tăng uy tín thương hiệu và cơ hội hợp tác với đối tác quốc tế.
Giảm thải metan: Một mũi tên, trúng hai đích
Việc chuyển đổi xanh không chỉ giới hạn trong ngành du lịch, mà còn mở rộng sang ngành nông nghiệp, nông dân, một lĩnh vực tưởng chừng ít liên quan nhưng lại phát thải lớn. Nếu khách sạn chịu áp lực từ các chuẩn mực quốc tế như ‘Travel sustainable’, thì ngành trồng lúa cũng đang đối diện bài toán giảm phát thải khí metan.
Theo ông Tiến, hiện cả nước có khoảng 7 triệu héc ta trồng lúa, trung bình mỗi héc ta lúa có thể phát thải khoảng 10 tấn carbon vào môi trường trong một năm. Trồng lúa tưởng chừng là “sạch” nhưng lại có lượng phát thải rất cao, đứng ngay sau ngành điện. Vì vậy, công ty của ông quyết định kết hợp với người dân trồng lúa giảm phát thải. Ông kể tại hội thảo "Lộ trình chuyển đổi doanh nghiệp carbon" hôm 23-7 tại TPHCM.
Theo đó, nông dân trồng lúa theo mô hình ướt - khô xen kẽ. Trước đây, nông dân canh tác một vụ lúa trong 120 ngày liên tục ngập nước, khiến lượng khí metan phát sinh rất lớn. Khí metan đối với ngành trồng lúa độc hơn gấp 4-5 so với carbon.
Ông Tiến cho biết với mô hình trồng lúa ướt - khô xen kẽ, nông dân vừa tăng năng suất, vừa giảm chi phí đầu vào. Lượng phân bón có thể giảm 10-20%, thuốc trừ sâu giảm 50%, thậm chí một số vụ giảm đến 70% thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, lượng khí metan phát thải cũng giảm đáng kể vì thời gian ngập nước chỉ còn 60 ngày, bởi lúa được luân phiên xen kẽ 15 ngày nước, 15 ngày khô. Với chu trình này, đất không bị nhiễm khí, cây cối ngập nước không bị phân huỷ và hạn chế tạo ra khí metan.

Trong bối cảnh nhu cầu giảm phát thải khí nhà kính ngày càng cấp thiết, “công viên carbon” do ông Tiến cùng các doanh nghiệp khác tổ chức được ra đời với chiến lược hướng đến trung hoà carbon cho các doanh nghiệp đồng hành cùng mục tiêu Net Zero vào năm 2025 của Việt Nam. Công viên carbon được xây dựng không chỉ nhằm giải quyết bài toán phát thải của từng doanh nghiệp, mà còn mở ra một cộng đồng hợp tác.
Hy vọng trong tương lai, công viên carbon sẽ kết nối các doanh nghiệp có liên quan đến môi trường, giảm phát thải với cộng đồng, cũng như tổ chức toàn bộ quy trình MRV, tạm hiểu là đo lường, báo cáo và thẩm định. Việc này giúp các hoạt động trong công viên carbon đều đạt chuẩn minh bạch và có thể kiểm chứng.