(SGTT) - TPHCM có diện tích khoảng 2.100 km² thì có khoảng 30% vùng đô thị, 70% vùng ngoại thành, vùng nông thôn; trong đó, khu vực Cần Giờ và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh là những nơi có thể làm du lịch nông nghiệp rất tốt. Ngoài ra, hạ tầng giao thông, phương tiện đi lại cũng thuận lợi nhưng sản phẩm thì chưa có nhiều và chưa có chiều sâu.
Trong chương trình livestream trực tuyến trên fanpage Sài Gòn Tiếp Thị diễn ra hôm 12-8 với chủ đề: Xu hướng du lịch nông nghiệp hậu đại dịch Covid-19 do Sài Gòn Tiếp Thị và Sáng kiến Điểm đến an toàn thực hiện, ông Phan Đình Huê, chuyên gia du lịch, Giám đốc Công ty Dịch vụ Du lịch Vòng Tròn Việt, thành viên Sáng kiến Điểm đến an toàn cho rằng, sản phẩm du lịch nông nghiệp tại TPHCM chưa nhiều và chưa có chiều sâu.
Theo ông Huê, TPHCM có diện tích khoảng 2.100 km² thì có khoảng 30% vùng đô thị, 70% vùng ngoại thành, vùng nông thôn. Trong đó, khu vực Cần Giờ và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh là những vùng có thể làm du lịch nông nghiệp rất tốt.
“Cần Giờ là viên ngọc xanh giữa lòng thành phố”, ông Huê nói. Nếu huyện Cần Giờ phát triển du lịch bền vững, tức là làm du lịch nông nghiệp trang trại gần khu vực bảo tồn và cho khách trải nghiệm trong khu bảo tồn sẽ rất thành công.
Tuy nhiên, ông Huê cho rằng, khu vực này chưa phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng vì không có nhiều sản phẩm đầy đủ để khách đi chơi và TPHCM tạo kết nối giữa các nơi bằng các phương tiện giao thông trên sông, trên bộ tốt nên có tài nguyên nhưng chưa khai thác được.
Ngoài ra, ông Huê cũng cho rằng một số huyện ngoại thành ở TPHCM như Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh… đều là những vùng có thể làm du lịch nông nghiệp rất tốt. “Chưa kể đến giữa Củ Chi và Hóc Môn có bờ sông Sài Gòn để làm khu nghỉ dưỡng nữa ven sông”, ông Huê nói thêm.
Sản phẩm dành cho du lịch nông nghiệp (tại TPHCM – PV) rất đa dạng như khách tham quan nửa buổi hoặc một ngày trong các chương trình học trồng cây, thu hoạch nông sản, cho các cháu các em ở các trường học lên đây học lớp học ngắn hạn về thực vật…
Ngoài ra, có những sản phẩm kéo dài thời gian như nghỉ qua đêm nên nhà đầu tư cũng cần thiết kế chỗ lưu trú, phải có hồ bơi và những hoạt động xung quanh… để giữ chân du khách.
“Tôi nhìn thấy TPHCM có tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp ngoại thành rất lớn, trong đó đặc biệt là huyện Cần Giờ”, ông Huê khẳng định. Nếu chúng ta làm được đều này, khách từ TPHCM đến Cần Giờ khoảng 60 km có thể di chuyển từ bến Bạch đằng hay xe buýt... mất khoảng một tiếng để đến điểm Cần Giờ. Tại đây, các đơn vị khai thác có thể tổ chức cho khách đi bằng phương tiện nhỏ để tham quan trang trại hay trải nghiệm khu sinh quyển, nghỉ dưỡng...
“Khi chúng tôi nghiên cứu điểm đến, thường sẽ có hai tiêu chí: khả năng tiếp cận thị trường và phương tiện tiếp cận điển đến”, ông Huê nói thêm.
Rõ ràng, huyện cần Giờ nói riêng và toàn bộ vùng ngoại thành TPHCM đang tiếp cận thị trường lớn nhất Việt Nam. Ngoài ra, hệ thống hạ tầng giao thông thuận tiện cả đường sông, đường thủy, đường không… nên theo ông Huê, tài nguyên du lịch nông nghiệp tại TPHCM khá đa dạng trong khi thực tế, dòng sản phẩm cho loại hình du lịch này chưa nhiều.
Nguyễn Nam