Các tour mạo hiểm đưa du khách đến những nơi tận cùng của trái đất, đáy của đại dương và rìa của không gian đang bùng nổ, bất chấp rủi ro cao về tính mạng. Chi phí của những tour này thường vượt quá 100.000 đô la/người.
- Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu lượng tìm kiếm về du lịch trên thế giới, Việt Nam xếp thứ 7
- Du lịch ĐBSCL trước thách thức ‘cải tổ’ chính mình
Hôm 18-6, tàu lặn Titan mất tích khi đang chở 5 du khách tham quan xác tàu đắm Titanic ở dưới đáy Đại Tây Dương. Tàu mất liên lạc ở địa điểm được cho là nằm cách bờ biển thành phố St John’s (Canada) khoảng 460 dặm về phía Nam.
Lực lượng tuần duyên Mỹ đang dẫn đầu nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ quốc tế. Đội ngũ này đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm con tàu sau khi nghe thấy tiếng động dưới nước vào hôm 20 và 21-6, dù các chuyên gia chưa thể xác định nguyên nhân của âm thanh. Lượng oxy trên tàu Titan dự kiến cạn kiệt vào 19:00 giờ tối nay theo giờ Việt Nam, nhưng lực lượng cứu hộ vẫn chưa có được manh mối nào về vị trí của con tàu.
Những người đang mắc kẹt trên tàu Titan gồm tỉ phú người Anh Hamish Harding, Stockton Rush, CEO của OceanGate, công ty vận hành tàu Titan, cựu quân nhân hải quân Pháp PH Nargeolet, doanh nhân người Pakistan, Shahzada Dawood và con trai của ông. Vụ việc đang thu hút sự quan tâm của báo chí và công chúng vào một phân khúc hẹp của ngành du lịch: các tour mạo hiểm có chi phí đắt đỏ.
Theo các chuyên gia tư vấn du lịch xa xỉ, các chuyến tham quan mạo hiểm như vậy đã trở nên dễ tiếp cận hơn trong những năm gần đây nhờ công nghệ được cải thiện và thế giới trở nên kết nối hơn. Các công ty như Blue Origin của tỉ phú Jeff Bezos, người sáng lập Amazon, đang cung cấp các chuyến bay tham quan rìa vũ trụ, cho phép du khách trải nghiệm cảm giác không trọng lượng ở độ cao 106 km so với mặt đất, công ty lữ hành White Desert (Anh) lại đang cung cấp dịch vụ máy bay riêng đến Nam Cực…
Chi phí của các chuyến đi đó rất lớn và dao động trong biên độ rộng. Một số hành khách trên các chuyến bay vào vũ trụ của Blue Origin phải trả hàng triệu đô la, trong khi một chuyến đi đến Nam Cực có chi phí rẻ hơn, có thể dưới 100.000 đô la. Chi chí cho chuyến tham quan xác tàu đắm Titanic khoảng 250.000 đô la/người.
Tuy nhiên, nhiều du khách giàu có vẫn tiếp tục ưu tiên trải nghiệm các kỳ nghỉ và chuyến phiêu lưu chỉ có một lần trong đời sau đại dịch Covid-19, ngay cả khi mức độ nguy hiểm rất cao.
“Họ muốn làm những điều mà họ luôn muốn làm cho dù là lặn ở Nam Cực hay đi bộ dài ngày ở vùng rừng núi bên cạnh những con khỉ đột lưng bạc ở Rwanda”, Ralph Iantosca, chuyên gia tư vấn du lịch xa xỉ và chủ sở hữu của hãng lữ hàng The Expeditionist (Mỹ) nói.
Từ lâu, những nhà thám hiểm giàu có đã tìm cách chinh phục những vùng xa xôi trên thế giới. Tại đó, du khách sẵn sàng chịu đựng những điều kiện khắc nghiệt và nguy hiểm trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng.
James Willcox, người sáng lập hãng lữ hành Untamed Borders (Anh), cho biết cách đây 20 năm, du khách có thể giở sách hướng dẫn hoặc tự mình vạch ra lộ trình đến những nơi ít được biết tới và khó tiếp cận. Giờ đây, nhiều công ty lữ hành đang cung cấp các chuyến đi dành cho những người yêu thích mạo hiểm.
Theo Samantha Collum, giám đốc của hãng lữ River Oaks Travel Concierge ở Houston (Mỹ), thị trường du lịch mạo hiểm cao cấp có quy mô nhỏ nhưng đang phát triển nhanh chóng và mở ra những góc khuất xa xôi trên thế giới cho nhiều du khách hơn.
Giờ đây, du khách có thể đi máy bay riêng từ Cape Town, Nam Phi, đến Nam Cực để nghỉ ngơi trong những chiếc kén nằm trong một khu cắm trại sang trọng. Collum cho biết, các chuyến đó có giá khởi điểm 98.500 đô la/người.
Công ty của Ralph Iantosca đã tổ chức một tour kéo dài từ Cape Town đến Nam Cực rồi sang Nam Mỹ. Trong hành trình này, hướng dẫn viên sẽ đưa du khách đi tàu lặn cũng như leo núi băng và đi bộ đường dài. Iantosca tiết lộ chi phí cho chuyến đi này là hơn 250.000 đô la/người.
“Nhiều người có thú sưu tập về mọi thứ. Chúng tôi giúp du khách sưu tập trải nghiệm thám hiểm các châu lục”, Iantosca nói.
Collum giải thích, một phần sức hấp dẫn của những chuyến thám hiểm đối với du khách giàu có là họ sẽ trở thành một trong số ít người hoàn thành các chuyến tham quan mạo hiểm như vậy.
Các chuyên gia tư vấn du lịch mạo hiểm thường làm việc với các công ty cung cấp dịch vụ địa phương để đảm bảo khách hàng được chuẩn bị đầy đủ về thể chất cho chuyến đi. Thế nhưng, vẫn khó tránh khỏi một số nguy hiểm.
Công ty Global Rescue (Mỹ) cung cấp dịch vụ y tế, an ninh, sơ tán và quản lý rủi ro du lịch trên khắp thế giới. Dan Richards, CEO của Global Rescue, cho biết hai phân khúc phát triển nhanh nhất trong hoạt động kinh doanh của công ty là du lịch mạo hiểm và du lịch xa xỉ.
“Chắc chắn, những rủi ro mà du khách trong các tour mạo hiểm gặp phải lớn hơn so với trước đây”, Richards nói.
Global Rescue đã chứng kiến nhiều căn bệnh hơn từ côn trùng mà du khách không gặp phải ở quê nhà cũng như những du khách bị gãy xương do gặp tai nạn khi đi xe máy ở những nơi như Patagonia, được xem vùng đất tận cùng của Trái đất nằm giữa Argentina và Chile.
Richards cho rằng, sự nở rộ của các chuyến thám hiểm núi Everest cho thấy du lịch mạo hiểm đã trở nên khả thi hơn như thế nào. Chính phủ Nepal đã cấp một số lượng giấy phép kỷ lục cho du khách muốn chinh phục đỉnh Everest trong mùa leo núi gần đây nhất.
Hiện tại, cũng có nhiều du khách chọn lựa các chuyến đi mạo hiểm với chi phí thấp hơn. Doanh số bán các hợp đồng bảo hiểm du lịch mạo hiểm của Squaremouth.com trong năm 2022 tăng 28% với năm 2019. Cho đến hiện tại, doanh số bán các hợp đồng đó tăng thêm 46% so với cùng kỳ năm 2022. Nguồn tin từ Squaremouth.com cho biết, sự gia tăng này là do nhu cầu du lịch đến những nơi như Nam Cực và các điểm đến safari ở Nam Phi, Kenya và Tanzania ngày càng tăng.
Báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Allied Market Research cho biết ngành du lịch mạo hiểm toàn cầu đạt giá trị 366,7 tỉ đô la vào năm 2022 và được dự đoán tăng lên 4,6 tỉ đô la vào năm 2032.
Khánh Lan
Theo KTSG Online