(SGTT) – Nhiều ý kiến tại hội thảo ra mắt Mạng lưới Du lịch Không Rác Việt Nam tại Đà Nẵng chỉ ra, mô hình “du lịch không rác thải” không thể phát triển nếu thiếu hệ sinh thái từ nhà cung cấp, đối tác đến cộng đồng và du khách.
- Khách Việt ưu tiên du lịch không rác thải nhựa
- Khách sạn tại Hà Nội không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần từ 2026
Từ những bước chân đầu tiên
Hành trình giảm rác thải trong du lịch tại thành phố Hội An (nay là các phường thuộc thành phố Đà Nẵng), được cho là khởi động từ năm 2019 với hội thảo “Phát triển du lịch bền vững Quảng Nam 2019 - Du lịch không rác thải nhựa” do Hiệp hội Du lịch Quảng Nam phối hợp UNESCO tại Việt Nam tổ chức.

Với sự đồng hành của chính quyền và các tổ chức phi chính phủ, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đã triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu rác thải nhựa. Nhờ đó, 33 cơ sở du lịch tại Quảng Nam đã đạt chứng nhận xanh cùng với các dấu mốc bao gồm chương trình “Doanh nghiệp Hội An cam kết giảm thiểu rác thải và nhựa dùng một lần” và “Bộ tiêu chí Du lịch Xanh Quảng Nam” lần đầu tiên được ra mắt.
Bà Hà Thị Diệu Viên, Tổng quản lý Silk Sense Hội An River Resort, kể về khó khăn ban đầu trong tìm nguồn cung sản phẩm thân thiện môi trường thay thế nhựa. Đến năm 2020, khách sạn này đã tự đầu tư, tự cung tự cấp để giải quyết vấn đề, cho thấy sự chủ động của doanh nghiệp. Cho đến này, theo bà Viên, Silk Sense, đã chủ động được những công nghệ và phương pháp giảm rác thải để hướng tới vừa đạt kinh doanh hiệu quả, vừa bảo vệ môi trường.
Các mô hình khác cũng được nhắc đến như xử lý rác hữu cơ thành phân compost, hoặc khách sạn chỉ để đồ dùng vệ sinh (amenity) tại lễ tân để khách cần mới lấy, giảm lãng phí. Những sáng kiến từ các doanh nghiệp xã hội như Green Youth Collective và Refillables Đong Đầy cũng góp phần vào các giải pháp cộng đồng về rác hữu cơ và tái sử dụng, cho thấy hướng đi đa dạng trong quản lý tài nguyên rác.
Thách thức và bài toán cần lời giải
Dù đạt được thành tựu, hành trình “không rác thải” trong du lịch vẫn đối mặt nhiều thách thức. Vấn đề không chỉ ở bản thân các doanh nghiệp du lịch mà còn ở “mạng lưới xung quanh” – đòi hỏi sự đồng bộ toàn hệ sinh thái từ các nhà cung cấp, đối tác đến cộng đồng và du khách.
Việc tìm nguồn cung sản phẩm thay thế thân thiện môi trường, thay đổi thói quen tiêu dùng của du khách, và xây dựng một hệ thống quản lý rác thải phi tập trung, hiệu quả vẫn là bài toán lớn.

Chia sẻ tại tại hội thảo ra mắt Mạng lưới Du lịch Không Rác Việt Nam (9-7) tại phường Hội An Đông, TP. Đà Nẵng, bà Vũ Mỹ Hạnh, chuyên gia quản lý rác thải, cho hay khi hiểu đúng khái niệm “du lịch không rác thải”, và sẵn sàng “thiết kế lại vận hành, thu chi” của các mô hình kinh doanh để đạt được mô hình trên là cách giải quyết cho các vấn đề nói trên.
Theo bà Hạnh, “Du lịch không rác thải” là cách tiếp cận nhằm hạn chế tối đa phát sinh rác, tối đa hóa tái sử dụng, tái chế, phân loại để chuyển hướng rác khỏi bãi chôn lấp và môi trường. Để hiện thực hóa, mô hình “8T” được bà Hạnh đưa ra: tổ chức thực hiện, từ chối, tiết giảm, tái sử dụng, thay thế, tái chế, truyền thông – tập huấn – tham gia mạng lưới hành động, và tạo sản phẩm/dịch vụ du lịch bền vững, tuần hoàn tài nguyên. Giải pháp cũng bao gồm tái thiết kế sản phẩm và phân loại triệt để.
Bên cạnh đó, bà Hạnh cũng cho hay việc tạo ra một hệ thống quản lý rác thải phi tập trung, với nhiều điểm đến của rác là một giải pháp. Các ví dụ thực tế về quản lý rác hữu cơ và tái sử dụng từ các doanh nghiệp xã hội như Green Youth Collective và Refillables Đong Đầy hay các doanh nghiệp kinh doanh như Silk Sense nói ở trên là những minh chứng cho hướng đi này, cho thấy việc xử lý rác có thể diễn ra ngay tại các điểm phát sinh, thay vì tập trung về một nơi duy nhất.
Ông Phan Xuân Thanh, Giám đốc Emic Hospitality – một đơn vị theo đuổi du lịch bền vững lâu nay, cũng chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng những mô hình quản trị tài nguyên rác tiên phong tại Hội An sẽ trở thành cú hích lan tỏa, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp du lịch Việt Nam cùng hành động vì mục tiêu phát triển xanh và bền vững”.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Quách Thị Xuân, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương Việt Nam – đồng sáng lập mạng lưới – cho hay nhựa dùng một lần đang làm xấu đi hình ảnh của những điểm đến du lịch vốn nổi tiếng là thân thiện với môi trường và giàu bản sắc tại Việt Nam. Nếu mọi người không hành động kịp thời, những bãi biển, di sản hay danh thắng thiên nhiên sẽ trở thành điểm dừng chân của các bãi rác nhựa tự phát - điều mà không một du khách nào mong muốn trải nghiệm.
Chính vì vậy, theo bà Xuân, sự ra đời của “Mạng Lưới Du Lịch Việt Nam Không Rác” là một bước tiến nhằm ngăn ngừa rác thải nhựa, xây dựng và giữ gìn thương hiệu “điểm đến xanh”, đảm bảo phát triển du lịch một cách bền vững.
Cụ thể, với những thành viên nòng cốt là các doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng, mạng lưới đặt mục tiêu ươm tạo ít nhất 100 hạt nhân doanh nghiệp tiên phong thực hành quản lý hiệu quả tài nguyên rác trên cả nước vào năm 2030. Những doanh nghiệp này cam kết thiết lập lộ trình giảm thiểu và xử lý gần như toàn bộ lượng rác phát sinh trong kinh doanh đến mức "không rác", đồng thời hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050.
Mạng lưới kỳ vọng sẽ mở ra một hành trình tiếp theo trong việc thúc đẩy quản lý rác thải hiệu quả tại các doanh nghiệp và điểm đến, hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững từ góc độ môi trường.