(SGTT) - Miền Tây hay còn gọi là vùng Tây Nam bộ hoặc đồng bằng Sông Cửu Long, là vùng đất phù sa châu thổ với cái vị “mặn chát” nhưng đầy ắp nghĩa tình. Tôi gọi vùng đất này với cái tên dí dỏm là “vùng đất của những điều bình dị”.
- Du lịch giữa mùa dịch: Những “bức tranh” ruộng bậc thang của người Xơ Đăng
- Du lịch giữa mùa dịch: Đà Lạt, địa điểm du lịch người ta cứ muốn tìm về
- Du lịch giữa mùa dịch: Bình yên miền đất An Giang
Ở miền Tây chỉ toát lên sự dịu dàng với các làn điệu dân ca ngọt ngào, da diết nhưng pha lẫn vào đó là nét đẹp dung dị, mạnh mẽ và phóng khoáng. Cuộc sống của người dân nơi đây là tháng ngày hòa mình vào con nước, đó là một cuộc sống bình dị, dung hòa với thiên nhiên nhiên và cảnh vật. Từ bao giờ, sông nước đã trở thành thói quen, cách sống, lối sống, tuổi thơ, người thân thậm là một điều gì đó không thể thiếu đối với người dân vùng này.
“Đường rừng có bốn cái vui
Lúc chống, lúc lạo, lúc bơi, lúc chèo”.
Miền Tây là xứ sở của những con nước, nước từ khắp phía tụ về, nước từ trời rơi xuống, từ những sông chở đầy phù sa, nước từ trăm sông mặn ngọt ùa về, hay nước mắt mồ hôi của những con người chân chất tuôn theo dòng cả trăm năm... Từng con nước lớn nhỏ, từng con sông, con kênh, con rạch đã đưa vùng đất châu thổ này trở thành vương quốc của hai từ “trù phú”. Mà có nước thì có cá, trăm thiên loại kể chưa cùng.
Ưu đãi, trù phú là thế, song sự huyền hoặc của lòng sông cũng mang cho người ta nhiều điều lo lắng, sợ hãi. Người ta sợ vì người ta không biết, không lường được dưới dòng nước kia có gì. Người ta sợ vì người ta nhỏ, yếu đuối, bất lực trước dòng sông mỗi khi nó nổi giận. Và người ta tự thấy mình thấp kém, bé nhỏ, không quá thân quen với những “cư dân” ngự trị dưới mảng màu vẫn đục vì phù sa.
“Chèo ghe sợ cá táp chưn,
Xuống sông sợ đỉa,
Lên rừng sợ ma”.
Người dân vùng sông nước này thường truyền tai nhau những câu chuyện ma mị, kỳ bí về những loài “thủy quái” trên sông, có thể là có thật, nhưng cũng có thể là không. Nhưng qua thời gian, những câu chuyện ấy ngày được thêu dệt nên và được nhiều người biết đến. Có người thì tò mò, người thì sợ hãi, người lại thích thú, nhưng người lại cho rằng không nên, hay có người còn tôn những loài “thủy quái” kia là cá ông, cá thần về ban phước cho vùng đất này.
Các loại quái ngư thân to hơn người đã là thứ làm người ta vừa sợ hãi vừa tò mò, vừa muốn chinh phục, vừa muốn lánh xa. Ngày xưa, cá hô có con dư hơn hai trăm ký, quật được cả mấy người đánh bắt, cá tra dầu nặng cả tạ, lỡ mà mắc lưới thì lưới cũng tan nát. Tuy nhiên, hiện những loài to lớn như vầy không còn nhiều, dần dần trở thành những câu chuyện dân gian truyền tai nhau qua nhiều thế hệ.
Nói đến độ hung tàn, phải nhắc đến cá mập trên sông Vàm Nao (An Giang). Cá mập những tưởng chỉ sống ở biển, nhưng từ thuở ban sơ, loài cá mập đáng sợ này đã vẫy vùng và “cát cứ” tại khu vực sông Vàm Nao. Thậm chí, người ta còn truyền nhau những giai thoại rùng mình về cá mập và cả chuyện phép trị cá mập của vua Gia Long. Những giai thoại trên đều có thể là chuyện thật, nhiều năm trước những người ngư phủ còn bắt được cá mập nặng chục ký, răng bén nhọn, đầy hung hãn.
Hay loài cá được mệnh danh là “cọp nước” – cá bông gấm. Tương truyền rằng con ó đáp xuống sông, dùng móng nhọn bắt cá, nhưng bị cá to đớp lại, ó bị trói chân kêu la thảm thiết nhưng rồi cũng làm mồi cho cá. Để bắt được cá, người ta phải dùng đến lao, bị lao ghim vào da thịt, cá bông gấm không hề chịu thua, nó kéo theo cây lao bơi tít dưới lòng sông đến khi kiệt sức mới thôi. Thậm chí có người còn thấy loài cá này xâu xé cả một con cá sấu đang nổi trên mặt sông.
Ôn hòa hơn, ta có thể nói đến cá tra dầu. Được mệnh danh là một trong những “thủy quái” đáng sợ của vùng Cửu Long. Loài cá này có thể dài đến 3 mét hoặc hơn và trọng lượng có thể đến 300kg, hiện tại có thể nói cá tra dầu được xem là loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới được biết đến. Người dân kể nhau nghe, muốn bắt được ”quái ngư” này cần 3 đến 5 người dùng sức mới lôi được nó lên bờ, có người còn bị nó lôi xuống sông, bị nó làm cho trật tay, trật chân...
Còn về cá heo, dân quen gọi kính là cá nược, hay "Ông nược". Theo tôi được biết, cá nược thường sống thành bầy trên sông. Loài cá này thân thiện đến mức khi gặp ghe xuồng thì bơi theo mà giỡn, có khi còn đuổi bắt cá với ngư dân. Nhiều ngư dân vẫn tin rằng loài cá này có “cốt người” và cứ thế chúng sống hiền hòa với con người nơi đây từ thuở khai hoang đến khi tuyệt tích.
Loại này tinh khôn nhưng hiền, không bao giờ não hại ai, cũng không bao giờ đâm bậy vào lưới, dân ai cũng thấy mến, nhất là con nít, khi cá chết được an táng như cá Ông ở biển. Tuy vậy, người dân lại rất sợ những trường hợp hi hữu Ông nược mắc lưới mà chết ở ghe mình, coi như hết đường làm ăn, chỉ có nước bán ghe đổi nghề.
Ngoài ra, người ta còn tin rằng Ông mà lên bờ là năm đó có thiên tai hoành hành, nên ai cũng kính sợ. Giờ trên sông nước không còn nữa, hiếm khi thấy, thậm chí người dân còn bảo nhau “Ông nược đã không còn ở vùng này nữa”. Dần dần, những thắc mắc về Ông nược theo thời gian cũng trôi chìm vào lãng quên, đôi khi người ta lại thấy ông nược quay về như để nhắc nhở người dân về một huyền thoại đã từng tồn tại tại vùng sông nước này.
Phải chăng vì sự đại cường của con người, sự hưng thịnh của một nền văn minh cùng việc khai thác quá mức, nhiều loài tôm cá, sinh vật sống dưới những mảng phù sa đỏ lựng đã bị tận diệt hoặc bị đe dọa. Để rồi thế hệ sau của chúng ta khi được hỏi đến những loài “thủy quái” sông Mê-Kông, chúng ta sẽ bảo đó là tin đồn hay sự thật chúng vẫn tồn tại? Là câu chuyện dân gian hay do chúng ta biết nhưng không dám chắc?
Do đó, chúng ta hãy cùng nhau duy trì, bảo vệ những loài sinh vật đang có nguy cơ tuyệt chủng, chung tay lưu giữ ký ức về một miền Tây sông nước trù phú tôm cá! Cùng nhau, chúng ta có thể kể nhau nghe về những huyền thoại dưới những dòng sông nhuộm màu dân tộc.
Lê Thanh Lượng
Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.