(SGTT) - Không ồn ào náo nhiệt như những làng nghề đan cần xé khác, nằm sâu ở một vùng quê yên bình của xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, có một làng nghề đan lát lục bình tồn tại hơn 20 năm nay, đã tạo nên tiếng vang lớn cho ngành đan lát của vùng Hậu Giang.
- Du lịch giữa mùa dịch: Nam Du – hòn ngọc xanh giữa trùng khơi
- Du lịch giữa mùa dịch: Một lần đến chùa Hương
Lục bình - đặc trưng của miền Tây sông nước
Về miền Tây, thả hồn mình trên những chuyến đò, sau đó thu cảnh sắc thiên vào trong tầm mắt, du khách sẽ chứng kiến được hơn nửa mặt sông là những cây bình trôi nổi, cũng có thể coi đây là đặc trưng của sông nước miền Tây.
Trông đám lục bình dập dìu trên mặt nước trôi vô định, mặc cho từng cơn gió đẩy qua hay những mái chèo đưa lại, tôi bỗng chợt nhớ lại những câu thơ của Lê Nam Đỗ trong bài thơ “Lục bình số phần bèo trôi”.
“Lục bình con nước về đâu
Phận bèo buồn tủi đớn đau kiếp này
Lềnh bềnh chìm nổi ai hay
Than thân trách phận duyên này của hoa”
Lục bình là một trong những loài thủy sinh mọc khắp các vùng kênh rạch miền Tây. Loài cây này thường trôi lềnh bềnh trên sông, rong ruổi khắp các con kênh lớn bé, rồi tấp vào các dải đất ven sông hoặc tấp vào thuyền bè hay các cù lao.
Từ một vài cây đơn lẻ, chúng nhanh chóng sinh trưởng thành các “rừng” các “bụi” um tùm xanh mướt. Những năm trước, lục bình chỉ thường dùng để bón cây trồng hoặc làm thức ăn cho vật nuôi, thế nhưng thời gian gần đây, người dân miền Tây đã tận dụng loài cây trôi nổi trên sông nước này để làm tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Từ cây dại trở thành làng nghề
Nhắc tới những làng nghề đan lát lục bình nổi tiếng ở miền Tây, phải kể đến làng đan lát lục bình Hậu Giang. Không phải là nơi có nhiều cây lục bình trôi dạt trên sông như những địa phương khác, nhưng từ chính sự sáng tạo, tỉ mỉ, đặc biệt là sự kiên trì, người dân Vị Thắng, Hậu Giang đã đan dệt nên bao hình dạng cho những cây lục bình gần gũi, quen thuộc.
Đa số những người trực tiếp thực hiện công việc đan lát lục bình đều là phụ nữ. Hằng ngày, ngoài lo phụ lo việc đồng áng và những công việc nhà, vào thời gian rảnh, tận dụng sự khéo léo vốn có, họ còn đan lát lục bình. Đối với người phụ nữ nơi đây, mỗi chiếc thúng, chiếc rổ… lục bình được làm ra sẽ giảm bớt phần nào nỗi lo kinh tế cho gia đình.
Theo cậu tôi kể, để có được các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đẹp mắt, người ta thường chèo xuồng ba lá ra các con kênh vào lúc sáng sớm. Lựa những cây thân dài, chắc, dai, rồi cắt sát gốc, vạt bỏ lá. Sau đó, mọi người tập hợp lại để lựa ra những cây bị héo, úng mang bỏ đi, còn lại đem phơi ngoài nắng vài ba hôm cho lục bình thiệt khô, mới đem đi đan hoặc bán cho thương lái.
Đây không chỉ là nghề để kiếm sống, mà ở làng đan lát lục bình Hậu Giang, thời gian đan còn là lúc để các cô, các chú trong xóm quay quần bên nhau, tay thì đan lục bình, miệng thì bàn chuyện “dân làng trên, kẻ xóm dưới”. Cứ như vậy mà cả buổi, chẳng ai thấy mệt, không khí xung quanh ngập tràn tiếng cười nói vui vẻ.
Được cái là nghề này nó không hề kén tuổi, từ bé con đến các cụ ông ai cũng làm được. Chỉ cần khéo tay và chịu khó, thì ai cũng làm được hết. Tuy là một nghề phụ, nhưng sau nhiều năm miệt mài, nơi đây đã trở thành làng nghề đan lát, và cây lục bình gắn liền với cuộc sống của người dân được 20 năm.
Dù được ví von là phận bèo dạt mây trôi theo dòng nước xuôi ngược, nhưng những giá trị mà cây lục bình mang lại không hề kém cạnh bất kỳ một sản vật nào. Ngoài một phần tạo thu nhập kinh tế cho những hộ dân ở vùng nông thôn, lục bình còn mang hình ảnh thân thương của miền Tây sông nước đến với bạn bè quốc tế.
Các mặt hàng từ giỏ, rổ, túi đeo, mũ vành, bình, lọ... được làm từ lục bình đã trở những sản phẩm quen thuộc của người dân Việt Nam nói riêng và bạn bè quốc tế nói chung. Từ món hàng tưởng chừng “tầm thường” nhưng giờ đây chúng đã hiện hữu trong những gia đình quý tộc, vừa làm vật trang trí, vừa làm sản phẩm tiêu dùng thân thiện với môi trường.
Đặt biệt là trong giai đoạn hội nhập ngày một phong phú, làng đan lát lục bình Hậu Giang không ngừng đổi mới mẫu mã, hình dáng, kiểu cách nhằm thích nghi với nhu cầu của thị trường và sự cải biến của thời cuộc. Song song với đó, người dân nơi đây luôn phấn đầu từng ngày, giữ gìn và trân quý và phát triển hơn nữa nghề đan lát lục bình thân thương này.
Dưới đây là hình ảnh của các sản phẩm được làm từ lục bình
Lê Thanh Lượng