(SGTT) - Làng gốm Vân Sơn và làng mộc Nhạn Tháp, cả hai đều ở gần bên thành Hoàng Đế - kinh thành của Thái Đức hoàng đế Nguyễn Nhạc (xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, Bình Định). Với tuổi đời hàng trăm năm, đây là hai làng nghề truyền thống có tiếng ở Bình Định. Giữ liền mạch nghề, làm cho làng nghề ngày thêm thịnh đạt, những người thợ ở đây đã viết lên trang mới cho nghề mình giữa thời công nghiệp và thị trường.
- Du lịch giữa mùa dịch: Nỗi niềm với đường thốt nốt ở An Giang
- Hướng dẫn viên “giữ lửa” đam mê du lịch qua việc dạy học
- Du lịch giữa mùa dịch: Lần đầu chinh phục núi Ngọc Linh
Gốm Vân Sơn
Cách những bức tường đá ong của Tử Cấm Thành của thành Hoàng Đế chừng 600 mét về hướng Nam, ta sẽ chạm mặt làng gốm Vân Sơn, đi từ chắn đường sắt trên đường liên xã vòng xuống ga Vân Sơn là có thể thấy “bức tranh” nghề gốm Vân Sơn tươi màu và bắt mắt thế nào. Các sản phẩm gốm số đã nung xong, số chưa nung bày đầy ở các sân phơi, kho bãi. Dân làng ai cũng tất bật với công việc ở bàn xoay, lò nung, ở sân phơi, kho vựa. Xe máy, xe tải đến mua hàng.
Các sản phẩm của Vân Sơn khá đa dạng: Lu chứa nước, vò (lu nhỏ), chậu, ấm, nồi nấu, nồi rang, trả kho... Khuôn bánh căn là những mặt hàng truyền thống, nay bắt đầu được chuộng lại vì một số người ngại dùng hàng công nghiệp. Bộng giếng được coi là mặt hàng đặc biệt của gốm Vân Sơn. Loại sản phẩm gốm có kích cỡ cực lớn này được một số nơi chuộng là bởi không gây hại cho nước, lại bền chắc nhờ kỹ thuật làm đất và nung đốt của thợ gốm Vân Sơn.
Các loại bếp lò bằng gốm là mặt hàng mới. Từ nỗi trăn trở tìm cách tạo ra sản phẩm mới để giúp làng nghề vượt qua khó khăn vì sự cạnh tranh của hàng công nghiệp, một số thợ gốm Vân Sơn nghĩ ra cách cải tiến lò gốm để có hình dáng đẹp, tiết kiệm chất đốt, sạch cho người nấu nướng, dùng được bền hơn. Từ đó, các loại bếp lò gốm mới được ra đời, trở thành mặt hàng bán chạy nhất của Vân Sơn. Đáng nói là họ đã chế tác ra loại bếp lò đặt được ba, bốn cái nồi hay chảo một lúc để tiết kiệm chất đốt, giúp người nội trợ đỡ tốn công nấu nướng.
“Nhờ các loại bếp lò bằng gốm bán chạy mươi lăm năm nay, Vân Sơn nay có gần 200 hộ chuyên làm bếp lò, thu dùng đến 600-700 thợ, lao động. Còn số hộ chuyên làm các sản phẩm gốm truyền thống thì có khoảng 20 hộ với cả trăm người làm. Một số lò lại sản xuất bi (bộng) giếng bằng gốm, mỗi năm có đến trên 2000 cái. Nhờ kiên trì giữ nghề, nhờ biết cách canh cải nghề nên làng gốm Vân Sơn mình mới được như bây giờ đó”, chủ lò Đặng Ngọc Minh cho biết.
Mộc Nhạn Tháp
Từ chợ Nhơn Hậu – cách Tử Cấm Thành chừng 1,5 km về hướng Tây nam, rẽ ngang rẽ dọc theo các ngã đường, ta sẽ bắt gặp các xưởng chạm khắc gỗ của làng Nhạn Tháp. Những tiếng đục khẽ khàng, tiếng máy khoan, máy tiện không mấy vang động nhưng khung cảnh làm việc ở đây đều tất bật, nhộn nhịp.
Giống như một bức tranh, những gì bày ra nơi làng mộc được mang tên mới “mộc mỹ nghệ” với những xưởng nhỏ, xưởng lớn rải khắp làng, gần cả ngàn con người miệt mài, chí thú với công việc.
Xưởng nhỏ thường chỉ là một thợ chính vốn là chủ hộ, thường có sự cộng tác của vợ hoặc con. Xưởng lớn có các loại máy móc nhiều hơn, lớn hơn. Thợ chính nhiều hơn, từ dăm bảy thợ, còn những người ở khâu gia công thì có đến cả mười người. Bình hoa, bình cắm bút, lộc bình, bình mai, hồ lô, lư xông trầm, đồ thờ tự... được chạm lồi, đục lũng, được khảm xà cừ với nhiều họa tiết tinh xảo, sản phẩm của làng nghề Nhạn Tháp đang được thị trường ưa chuộng.
Theo chủ xưởng Nguyễn Thị Sơn, từ hơn mươi năm nay, hàng mộc mỹ nghệ Nhạn Tháp có thị trường rộng dần ra, người mua trong nước đã tăng lên từ dăm bảy năm nay.
Làm cho hàng mộc mỹ nghệ của mình được thịnh đạt, những người thợ Nhạn Tháp đã làm vinh danh cho nghề mộc của tổ phụ mình bên thành Hoàng Đế. Những người thợ ở đây cho rằng tài nghệ, sự tinh xảo của các bậc thợ tiền bối Nhạn Tháp vốn giỏi cả ở làm nhà rường và chạm khắc như là nguồn vốn ngầm để lại cho con cháu thừa hưởng. Nhưng lớp hậu sanh thời nay cũng đã phải nỗ lực học hỏi, thích ứng, sáng tạo cách làm lụng để phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Trưởng thôn Nhạn Tháp cho rằng làng mộc quê mình thịnh đạt dần lên từ những năm 1990 là nhờ những người dám nghĩ lớn trong chuyện làm ăn. Bắt đầu từ việc một số chủ xưởng nhỏ khá lên từ mộc mỹ nghệ với một số mặt hàng khiêm tốn đã dám liều mở xưởng lớn, kêu thêm thợ làm, tạo ra những sản phẩm mới, rồi xông ra đưa hàng đi, tìm kiếm, mở rộng dần thị trường.
“Hồi mới chuyển qua chạm khắc gỗ mỹ nghệ cả làng chỉ có chừng vài mươi thợ chính. Vậy mà nay Nhạn Tháp có đến 80 xưởng chạm khắc gỗ lớn, nhỏ, với hơn 800 người làm. Nhiều vậy đó!”, trưởng thôn Nhạn Tháp nói.
Huỳnh Văn Mỹ
Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.
Chương trình “Saigon Times – Nối vòng tay lớn” với chủ đề “Đồng hành chống dịch” được phát động vào ngày 2-6-2021. Với vai trò là cầu nối, Kinh tế Sài Gòn tiếp tục kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm để cùng chia sẻ khó khăn với cộng đồng. Chương trình sẽ nhận hiện kim, vật phẩm từ các tổ chức, cá nhân đóng góp và sau đó sẽ trao tặng lại cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân gặp khó khăn trong các vùng dịch tại TPHCM cũng như các tỉnh thành khác trên cả nước. Xem chi tiết tại đây.