(SGTT) - “Nhờ cây cau mà Sơn Tây mình không còn cách trở với người ở các nơi, dân mình nhanh khá lên cũng là nhờ cây cau góp phần vô đó mà”, những người dân tộc Ca Dong nơi vùng cao tỉnh Quảng Ngãi đều hồ hởi nói về cây cau như thế.
- Du lịch giữa mùa dịch: Đi đâu khi đến thăm đảo Phú Quý?
- Hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch do dịch: Chỉ nên yêu cầu có thẻ HDV là đủ!
Từ thị trấn Di Lăng của huyện Minh Long theo tỉnh lộ 623 một quãng ngắn là đến xã Sơn Tân - nơi bắt đầu của " vương quốc quế Sơn Tây, nơi bắt đầu của “vương quốc cau” của huyện Sơn Tây, nơi có đến khoảng 95% cư dân là người Ca Dong.
“Người miền xuôi đến đây ai cũng nói cây cau làm cho Sơn Tây của dân mình thêm đẹp”, một chủ vườn cau chia sẻ. Hàng trăm, hàng ngàn cây cau giăng giăng khắp các vườn nhà hay trên những con đường thôn, đường làng trải bê tông làm cho làng bản vùng cao ở đây thêm thanh bình, thơ mộng.
Những “rừng cau” cũng có mặt tại các thung cao lũng thấp, bên triền đồi, sườn núi tạo nét hiền hòa, thân thiện cho vùng núi rừng hoang vu, xa khuất. Theo lời kể của một cán bộ xã cho biết, lúc trước, cau tại đây trồng chỉ để cho bà con sử dụng, thỉnh thoảng có bán một ít. Chỉ từ những năm 1990, khi trái cau trở thành mặt hàng được xuất khẩu, người dân Sơn Tây mới bắt đầu trồng cau rộng ra trên rẫy nương, đồi núi. Cây cau đem lại nguồn lợi kinh tế đáng kể, đồng thời cũng tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường cho bà con.
Đến xứ cau Sơn Tây mùa nào cũng gây thích thú cho khách. Mùa cau bắt đầu trổ hoa khoảng từ tháng hai, tháng ba âm lịch, hương thơm của ngàn vạn hoa cau từ vườn nhà, từ đồi cao tỏa ra, đi theo từng cơn gió len qua bao eo núi, sau đó tìm đến du khách làm dịu mát lòng người.
Từ tháng 7 đến cuối tháng Chạp âm lịch là mùa thu hoạch cau. Không khí nơi đây thật rộn ràng, nhộn nhịp, với tiếng xe, tiếng người mua bán hay của chính những vựa thu mua cau, vựa sấy xuất khẩu hoặc vựa chẻ lấy hạt…
“Thổ nhưỡng nơi đây thích hợp với cây cau, không trồng thêm cây cau là uổng lắm, tiếc lắm!” người dân Sơn Tây tâm sự. Vì vậy, năm nào họ cũng trồng thêm cau. Họ trồng vào đất rẫy, vào chỗ đồi trọc có sẵn, vào thêm vườn nhà, vào chỗ nào có thể để cây cau xuống được.
Những vườn cau giăng giăng khắp bản làng, đồi núi, hàng hàng lớp lớp cau xanh tỏa bóng gieo vào lòng du khách sự thanh bình, yên ả mỗi lần đặt chân đến đây.
Dưới đây là một số hính ảnh về vườn cau Sơn Tây
Huỳnh Văn Mỹ