(SGTT) - Hội An không chỉ hút khách bởi nét cổ kính, đầy hoài cổ, mà nơi đây còn giữ chân du khách bởi tình người chân chất, mộc mạc như chính nét bình dị trong đời sống thường nhật được thể hiện qua những biển hiệu ở các hàng quán.
- Du lịch giữa mùa dịch: Khám phá không gian di sản vô giá ở Hội An
- Bản đồ ẩm thực: “Ôm trọn phố cổ” vào lòng cùng cơm gà Hội An
Nhắc đến Hội An, người ta thường nhớ đến những mái ngói cũ phủ đầy rêu phong, những con đường ngập trong sắc đỏ của đèn lồng, những bức tường mang màu vàng đặc trưng... Tất cả vẽ ra một không khí hoài cổ ngỡ như thời gian đang ngưng đọng lại.
Không chỉ quyến rũ khách du lịch bằng vẻ đẹp riêng của mình, Hội An còn sở hữu nền ẩm thực phong phú, hấp dẫn. Điều này đã cuốn hút Vinh Vương - một họa sĩ 9X, chọn cách vẽ lại những biển hiệu để lưu giữ dấu chân của mình tại Hội An.
Theo chia sẻ của Vương, lần đầu cậu gặp bà Khánh là năm năm trước. Hôm đó Hội An nổi cơn giông bất ngờ khiến cho bao kẻ lữ hành phải hai tay ôm đầu, hai chân tháo chạy, đến trốn dưới những mái hiên ven đường. “Hôm đó tôi cầm trên tay ổ bánh mì đầu tiên ở hiệu bà Khánh”, Vương nói.
Hội An năm năm sau vẫn mưa không ngừng. “Khi ấy gia đình bà Khánh và tôi đã trở nên quen thuộc”, Vương chia sẻ khi đến gặp và muốn tặng hiệu bánh của bà một món quà tình thân.
Sau những lời hỏi han ban đầu, bà chủ hiệu bánh mì không kịp để chàng họa sĩ trẻ mở lời, vội đưa ra lời đề nghị: “Hay là, con vẽ cho bà cái biển hiệu”.
Chàng họa sĩ trẻ đã dành ra một khoảng thời gian để tìm những điểm đặc biệt khi xây dựng hình ảnh cho ổ bánh mì bà Khánh. Để rồi sau đó, Vương cho ra đời một tác phẩm hội họa đặc sắc.
Ngoài kiểu dáng đầu nhọn đặc trưng của dòng bánh mì Hội An, đập vào mắt thực khách là phần nước thịt sóng sánh màu nâu mật quyện cùng sốt tương ớt đỏ cam trên “phông nền” là lớp rau Trà Quế xanh thẫm.
Khởi đầu từ việc thiết kế biển hiệu cho một quầy bán bánh mì, chàng trai trẻ tài năng tiếp tục thực hiện việc vẽ lại biển hiệu của hàng quán tại Hội An theo một cách rất riêng.
Dự án Hội An đậu hũ đã được Vinh Vương thực hiện trong vòng nửa năm.
Bộ Quote được thảo mới dưới dạng câu lục bát và thơ bốn chữ với màu sắc và kiểu dáng “rất Hội An”. Không khó để khách du lịch cũng như người dân địa phương bắt gặp những nét chữ như thế này tại mảnh đất ấy.
Nếu có cơ hội, bạn có thể chọn Hội An làm điểm du lịch sắp tới của mình để thấy cuộc sống thường nhật của cư dân phố cổ với những phong tục tập quán, nghệ thuật, văn hóa vẫn đang được bảo tồn và phát triển. Hội An thực sự như một bảo tàng sống về kiến trúc đô thị làm say đắm lòng người.
Trần Quang Duy